Cần sớm ổn định đời sống nông dân mất đất

Thứ năm, ngày 31/05/2012 09:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Điều dư luận quan tâm và cán bộ trăn trở lúc này là phải có giải pháp ổn định đời sống lâu dài cho người dân bị mất đất sau vụ cưỡng chế thu hồi đất triển khai Dự án Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên).
Bình luận 0

Ngày 30.5, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng và đoàn công tác của T.Ư Hội đã về xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để nắm bắt tình hình nông dân (ND) sau vụ cưỡng chế thu hồi đất triển khai Dự án Khu đô thị Thương mại và Du lịch Văn Giang (Ecopark) diễn ra hơn 1 tháng trước.

Nhiều hộ vẫn chưa nhận tiền đền bù

Làm việc với Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng tại trụ sở xã Xuân Quan có bà Lê Thị Mỹ - Bí thư Đảng uỷ, ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã. Theo báo cáo của xã, 5,8ha đất sản xuất nông nghiệp mà huyện Văn Giang tiến hành cưỡng chế thu hồi ngày 24.4 vừa qua đã bàn giao cho chủ đầu tư Dự án Ecopark.

img
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (trái) lắng nghe phản ánh của người dân bị cưỡng chế, thu hồi đất ở xã Xuân Quan.

Theo ông Nguyễn Văn Sáng, tổng cộng có 166 hộ có đất bị thu hồi trong đợt cưỡng chế ngày 24.4 (đợt 2), nhưng đến nay các hộ này vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù. Như vậy, cộng với những hộ bị cưỡng chế đợt 1 năm 2009 thì đến nay tổng số hộ có đất bị thu hồi qua cưỡng chế chưa chịu nhận tiền đền bù ở xã Xuân Quan là 207 hộ. Sau cưỡng chế ngày 24.4, nhiều hộ dân trong diện bị cưỡng chế, thu hồi đất tiếp tục khiếu nại lên cơ quan chức năng các cấp.

Gặp, trao đổi với đoàn công tác, ông Lê Văn Dũng - Chi hội trưởng ND thôn 1 và là trong những hộ khiếu nại cho rằng những hộ bị cưỡng chế thu hồi đất ngày 24.4 vừa qua không đồng tình với cách thức tiến hành, trong đó có việc phá huỷ cây cảnh của lực lượng cưỡng chế. Diện tích đất sản xuất bị thu hồi của gia đình ông Dũng trong 2 đợt lên tới 880m2.

“Phần đất đã cưỡng chế thu hồi nhưng chưa nhận tiền đền bù cần tiếp tục giao lại cho người dân tiếp tục sản xuất” - ông Dũng đề đạt.

Nếu thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng thì ông Dũng và nhiều hộ khác sẵn sàng giao đất, nhưng đây là dự án kinh doanh thì cần có sự thỏa thuận của doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Theo ông Dũng, việc cưỡng chế thu hồi đất vừa qua được tiến hành mà không có họp dân, doanh nghiệp cũng không thoả thuận với người dân có đất. Trong khi đó, cán bộ cấp uỷ, chính quyền xã Xuân Quan khẳng định, việc thu hồi đất được tiến hành đúng thủ tục, chính sách và đã tổ chức họp dân với khoảng 200 cuộc họp…

Nguy cơ thiếu việc, thất nghiệp

Theo bà Lê Thị Mỹ - Bí thư Đảng uỷ, sau 8 năm ròng rã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, tới nay xã Xuân Quan đã bàn giao xong 112ha đất cho Dự án Ecopark với tinh thần “cơ bản đã đạt được sự đồng thuận”.

Đối với các hộ đã chấp hành giao đất, ngoài số tiền đền bù theo chính sách nhà nước còn được nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) hỗ trợ 12.000 đồng/m2 đất thu hồi; 6 triệu đồng tiền di dời tài sản/hộ; tiền hỗ trợ theo tỷ lệ đất bị thu hồi…

Vihajico cũng đã ủng hộ 7,5 tỷ đồng để xã Xuân Quan gửi ngân hàng lấy lãi chia cho đối tượng hết tuổi lao động. Theo đó, những đối tượng này được hỗ trợ 980.000 đồng/người trong năm 2011. Các hộ chấp hành giao đất cũng được bố trí phần đất dịch vụ, thấp thì 40m2, nhiều là 100m2.

Ông Đàm Mạnh Cường - Chủ tịch Hội ND xã Xuân Quan cho biết, địa phương đang tiến hành bốc thăm nhận đất dịch vụ đợt 1. Các hộ nhận đất dịch vụ phải đóng 5,8 triệu đồng/suất (40m2) để xây dựng hạ tầng. Đó cũng là lý do để ông Cường cho rằng: “Dự án này hơn hẳn các dự án khác. Đất dịch vụ là cần câu cơm…” (?!).

Điều dư luận quan tâm và cán bộ trăn trở lúc này là phải có giải pháp ổn định đời sống lâu dài cho người dân bị mất đất. Ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan khẳng định: “Việc người dân giảm việc là có, còn thất nghiệp là không có”(?!).

Việc nghiên cứu, đề xuất, tổ chức dạy nghề, chuyển nghề cho lao động mất đất ở Xuân Quan đến nay cũng chưa được tính toán và chưa có phương án khả thi.

Tuy khẳng định như vậy, nhưng trước câu hỏi của đoàn công tác về số lao động thiếu việc, thất nghiệp do mất đất trên địa bàn xã thì ông Sáng, ông Cường trả lời là chưa nắm cụ thể, chưa có thống kê. Kể từ khi tiến hành thu hồi đất cho Dự án Ecopark đến nay, đối với các hộ đã nhận tiền đền bù, chính quyền cũng chưa biết người dân đã sử dụng số tiền đó vào việc gì, chuyển đổi nghề ra sao. Bà Lê Thị Mỹ cho biết, tới nay Dự án Ecopark đã nhận hơn 300 lao động của xã Xuân Quan vào làm việc.

Sau khi gặp nghe phản ánh tình hình tại xã Xuân Quan thông qua cấp uỷ, chính quyền và tâm tư của người dân, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng cho rằng cấp uỷ, chính quyền các cấp tỉnh Hưng Yên cũng như các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến Dự án Ecopark cần quan tâm sớm ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất, trong đó có việc tổ chức lại sản xuất, dạy nghề, chuyển nghề, tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất…

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng cũng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Hưng Yên cần sớm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24.4 vừa qua tại Văn Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem