Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về chất tạo nạc trong chăn nuôi

Lương Kết Thứ ba, ngày 03/11/2015 14:19 PM (GMT+7)
Sáng 3.11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành thời gian ngắn để giải trình trước những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm mà các ĐBQH đặt ra.
Bình luận 0

Bộ trưởng Tiến cho biết, bà cũng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các ĐBQH đã phát biểu về chất cấm, kháng sinh tồn dư không được phép ở trong các sản phẩm nông sản, trong sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm.

img

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến 

Về chất Sabutamon, theo Bộ trưởng Tiến ấy là những dược phẩm rất cần thiết để điều trị cho người, nhưng quy trình về quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ từ nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất kinh doanh, phân phối sử dụng đều theo đơn. Trong quá trình sử dụng  các nhà nhập khẩu đều có báo cáo theo hóa đơn và các hợp đồng.

Theo Bộ trưởng Tiến, thông tin ngành y tế cho nhập khẩu 65 tấn sabutamon, thông tin này là không chính xác vì chỉ cho nhập khẩu 3,5 tấn. Bộ trưởng Tiến cho rằng, có khả năng thương lái hoặc doanh nghiệp mua các thành phẩm của các hiệu thuốc nghiền ra để cho vào thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế lại cho rằng việc này cũng khó, bởi lẽ quy trình sản xuất thì được quản lý chặt, giá thành mua các thành phẩm đó rất cao.

Quay trở lại vấn đề, theo Bộ trưởng Tiến, nguyên nhân ở đây là người chăn nuôi muốn có lợi nhuận, đạo đức kinh doanh không được coi trọng nên cho những chất cấm vào thức ăn của gia súc. "Qua phối hợp với Bộ NNPTNN điều tra thấy thương lái ép buộc người dân nếu muốn bán sản phẩm chăn nuôi giá thành cao thì phải cho chất tạo nạc. Các chất cấm đó thì tăng năng suất" - Bộ trưởng Tiến nói.

Bộ trưởng Tiến cho biết thêm, Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ về cho thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến tận huyện, xã. Tiền phạt đó theo quy định sẽ cho phép huyện, xã giữ lại để thực hiện công tác thanh tra.

Mô hình quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Bộ trưởng Tiến còn khó khăn, mặc dù đã ban hành luật, có nghị định hướng dẫn thi hành, có quy định để xử phạt, có thông tư để phân công các bộ ngành, địa phương. Nhưng đúng như các ĐBQH nói, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn khó khăn. Việc mất an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân về trước mắt cũng như lâu dài mà còn ảnh hưởng đến kinh tế khi những sản phẩm xuất khẩu gặp khó khăn.

Bộ trưởng Tiến đề xuất tăng cường công tác thanh kiểm tra và tổ chức các đợt chiến dịch thanh kiểm tra quyết liệt từ liên ngành đến các địa phương. Bộ trưởng Tiến cho biết, qua đợt thanh kiểm tra dịp Tết Trung thu cũng như đợt kiểm tra thời gian Tết Nguyên đán số mẫu kiểm nghiệm trên thực tế được lấy một cách ngẫu nhiên qua hệ thống thanh tra liên ngành từ TƯ đến địa phương thấy số mẫu vi phạm thời gian qua đã giảm từ 10 - 30% trên các mặt hàng nông sản, thực phẩm. "Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề lớn, chính vì thế mong Quốc hội, Chính phủ và các địa phương phối hợp và trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đề xuất các chính sách, kể cả về bộ máy" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem