Cần có Luật Bảo hiểm nông nghiệp

Thanh Xuân Thứ hai, ngày 30/11/2015 16:16 PM (GMT+7)
Một nghiên cứu mới của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) vừa được công bố nêu rõ: Cần thành lập một cơ quan chuyên trách và có Luật Bảo hiểm nông nghiệp để làm cơ sở cho loại hình này phát triển.
Bình luận 0

Doanh thu phí bảo hiểm  chỉ đạt... 2,5 tỷ đồng

Tại Việt Nam, Bảo hiểm nông nghiệp được Công ty Bảo hiểm Bảo Việt triển khai lần đầu tiên năm 1982 tại tỉnh Nam Định cho cây lúa. Mặc dù ra đời khá lâu, song theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến cuối năm 2010, kết quả triển khai Bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam cũng chưa đáng kể khi chỉ có 1% giá trị trồng trọt được bảo hiểm, 0,24% số gia súc, 0,04% số gia cầm được bảo hiểm và doanh thu phí Bảo hiểm nông nghiệp chỉ đạt gần 2,5 tỷ đồng, chiếm 0,05% tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

img

Người dân xã Kim Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh) chăm sóc giàn dưa chuột.  Ảnh:  LHT

Nói về vấn đề này, ông Hồ Xuân Hùng- Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt Nam cho rằng: “Bảo hiểm nông nghiệp nhiều mục đích, không chỉ giảm thiểu rủi ro cho người dân, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp bảo hiểm mà còn vì nền sản xuất lâu dài của nông nghiệp Việt Nam. Việc triển khai thí điểm vừa qua, về quy trình có thể có điểm không phù hợp với một số đối tượng, thậm chí có thể dẫn đến phản ứng, nhưng phải làm cho họ hiểu rõ và điều chỉnh để thực hiện bằng được Bảo hiểm nông nghiệp. Chẳng hạn, khi nuôi tôm thì nhất định không được mua tôm giống bị bệnh, còn nếu cứ mua tôm giống bệnh thì không ai bảo hiểm nổi”.

Theo ông Hùng, dù có khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai, nhưng mục tiêu cuối cùng là phải triển khai  bằng được Bảo hiểm nông nghiệp vì sản xuất nông nghiệp không thể thiếu bảo hiểm, nhất là trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng và ngành nông nghiệp đang triển khai đề án tái cơ cấu như hiện nay.

Bảo hiểm nông nghiệp cũng cần có luật

 Theo nghiên cứu của IPSARD, ngoài xây dựng một cơ quan điều phối chuyên trách và có Luật Bảo hiểm nông nghiệp, cần xây dựng Đề án về Bảo hiểm nông nghiệp. Đề án này bao gồm: Sản phẩm bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm, thời gian bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm. Đề án này cũng bao gồm các khoản trợ cấp, kênh phân phối, các nghiên cứu khả thi về sản xuất nông nghiệp; cung cấp, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các đối tác công-tư trong hệ thống Bảo hiểm nông nghiệp... 

TS Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng IPSARD cho biết, trên cơ sở nghiên cứu của IPSARD cho thấy sự cần thiết phải xây dựng luật về Bảo hiểm nông nghiệp. “Luật Bảo hiểm nông nghiệp là cam kết chắc chắn của Chính phủ trong hệ thống thể chế, chính sách cho Bảo hiểm nông nghiệp. Trong khi ở Việt Nam, sau chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, Bảo hiểm nông nghiệp chỉ được lồng ghép vào các quyết định, đề án, chương trình khác. Do đó, trước mắt cần cam kết chính trị của nhà nước trong việc giúp nông dân phòng chống rủi ro bằng việc dành tỷ lệ ngân sách thích đáng cho việc đầu tư từng bước từ thấp đến cao để xây dựng hệ thống BHNN một cách bài bản thay vì chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm như hiện nay. Về lâu dài, trên cơ sở các văn bản pháp lý hệ thống, Việt Nam cần tiến đến xây dựng Luật Bảo hiểm nông nghiệp”- TS Thắng nhận định.

Cũng theo nghiên cứu của IPSARD, xét về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm của Tây Ban Nha cho thấy, thông tin sẵn có ban đầu về những thiệt hại trong nông nghiệp thường thiếu chính xác, không hoàn chỉnh, nên cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dựa trên thông tin của tất cả các bên liên quan đến sản xuất nông nghiệp, thông tin được lưu giữ để kiểm tra chéo và tập trung để khai thác hiệu quả nhất.

IPSARD cũng đưa ra khuyến cáo, tùy theo sự phát triển năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ và ngân sách cho phép, nhà nước nên xây dựng một lộ trình hợp lý để triển khai Bảo hiểm nông nghiệp theo từng bước từ sản phẩm đơn giản đến phức tạp, từ những rủi ro dễ đo lường và dễ xác định thiệt hại đến các rủi ro tổng hợp, bắt đầu từ bảo hiểm cây trồng đến vật nuôi, từ bảo hiểm một loại rủi ro, dịch bệnh đến nhiều loại rủi ro, dịch bệnh, từ bảo hiểm chỉ số đối với thiên tai đến bảo hiểm năng suất và cuối cùng là bảo hiểm tổng hợp mọi loại rủi ro (MPCI), từ địa bàn dễ triển khai đến toàn quốc. Theo TS Thắng, vừa qua, việc Việt Nam áp dụng ngay hình thức bảo hiểm MPCI cho một loạt hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản trên nhiều địa bàn khác nhau là một bước khởi đầu quá tham vọng so với năng lực và kinh nghiệm của toàn bộ hệ thống.

Cũng theo nghiên cứu của IPSARD, trong quản lý Bảo hiểm nông nghiệp hiện nay ở nước ta, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, còn Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chịu trách nhiệm về mặt tài chính, nhưng thiếu một cơ quan nhà nước có chuyên môn sâu. Do vậy, TS Thắng cho rằng, cơ quan BHNN này phải trực thuộc Bộ Tài chính hoặc cơ quan Bảo hiểm nông nghiệp là một bộ phận của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm hoặc cũng có thể thành lập Ban Bảo hiểm nông nghiệp thuộc Bộ NNPTNT. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem