Cần hành lang pháp lý thoáng hơn cho trang trại nông nghiệp

Lê Chiên (Trang Trại Việt) Chủ nhật, ngày 29/05/2016 14:58 PM (GMT+7)
Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP là văn bản là hành lang pháp lý rất quan trọng cho phát triển kinh tế trang trại (KTTT), tuy nhiên sau 16 năm, đến nay nhiều quy định trong văn bản này không còn phù hợp nữa. Trong khi đó, với xu thế hội nhập, phát triển, KTTT cần có một hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Đó là những vấn đề cấp bách đối với các trang trại nông nghiệp hiện nay.
Bình luận 0

Luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp Danh Thái Bình Dương - ĐLS Nghệ An) cho biết:

Cách đây gần 20 năm, Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02.02.2000 của Chính phủ đã xác định vai trò, vị trí của KTTT có tầm quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Nghị quyết đã quy định một số chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, đầu tư tín dụng, lao động, khoa học, công nghệ, môi trường, thị trường, bảo hộ tài sản đã đầu tư cho KTTT… Và đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước nói về KTTT với những quy định về chính sách ưu tiên. Đơn cử, về đất đai, Nghị quyết này quy định:

Hộ gia đình có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để phát triển trang trại được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng đất ổn định đất lâu dài; hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản sống tại địa phương có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để mở rộng sản xuất thì ngoài phần đất đã được giao trong hạn mức của địa phương còn được UBND xã xét cho thuê đất để phát triển trang trại; hộ gia đình phi nông nghiệp có nguyện vọng và khả năng tạo dựng cơ nghiệp lâu dài từ sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản được UBND xã cho thuê đất để làm KTTT; hộ gia đình, cá nhân ở địa phương khác nếu có nguyện vọng lập nghiệp lâu dài, có vốn đầu tư để phát triển trang trại, được UBND xã sở tại cho thuê đất…

Hay như chính sách đầu tư, tín dụng, Nghị quyết cũng nêu: Căn cứ vào quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, thông tin, cơ sở chế biến để khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân phát triển trang trại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; trang trại phát triển sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực thuộc đối tượng quy định tại Điều 8 mục I Chương II của Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29.6.1999 của Chính phủ được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước…

Đây là hành lang pháp lý rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển KTTT. Cho đến nay, Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP vẫn đang có hiệu lực thi hành, dù văn bản đã được ban hành gần 20 năm, rất nhiều chính sách về đất đai, tín dụng... đã thay đổi. Điều đó cho thấy nhiều chính sách dành cho KTTT trong văn bản này không còn phù hợp nữa.

Ví dụ, theo Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP thì đất sử dụng cho KTTT mặc dù được hưởng chính sách ưu tiên, nhưng không có quy định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này không những làm hạn chế sự năng động trong hoạt động sản xuất mà còn khó khăn cho chủ trang trại.

img

Mô hình chăn nuôi trâu bò theo quy mô trang trại của gia đình anh Lê Văn Thắng, xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lê Chiên

Vậy bên cạnh chính sách ưu tiên được quy định tại Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP vẫn đang áp dụng thì còn những văn bản nào nói về chính sách đối với KTTT?

Có rất nhiều quy định nằm trong nhiều văn bản khác nhau, ấy là chưa kể đến việc tùy theo điều kiện của mình mà mỗi tỉnh còn ban hành chính sách riêng để hỗ trợ, khuyến khích KTTT phát triển. Tôi xin nêu một số quy định có tính chất chủ đạo.

Cho đến nay, Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP vẫn đang có hiệu lực thi hành, dù văn bản đã được ban hành gần 20 năm, rất nhiều chính sách về đất đai, tín dụng... đã thay đổi. Điều đó cho thấy nhiều chính sách dành cho KTTT trong văn bản này không còn phù hợp nữa. 

Trước hết về chính sách đất đai. Ngoài những điểm mới quy định chung cho các chủ thể sử dụng đất như hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất, các quyền và nghĩa vụ…, Luật Đất đai 2013 đã dành một điều luật (Điều 142) quy định về KTTT. Tại Khoản 3, Điều 142 cho phép: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm KTTT được chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo quy định của pháp luật”. Quy định này giúp cho chủ trang trại chủ động hơn trong sản xuất, tìm được phương án sản xuất có hiệu quả cao hơn. Cũng theo điều luật này, các loại đất sử dụng để làm KTTT được mở rộng hơn, bao gồm cả đất nhận thừa kế, được tặng cho; đất do nhận khoán của tổ chức; đất do hộ gia đình, cá nhân góp… (Để có thông tin chi tiết, các bạn tham khảo điều luật trên).

Về chính sách tín dụng: Theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09.6.2015 của Chính phủ thì chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 1 tỷ đồng. Tuy nhiên phải nộp cho tổ chức tín dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận. Và chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm.

Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, chính sách khuyến khích phát triển KTTT cần bổ sung những  gì để đáp ứng yêu cầu hội nhập, thưa luật sư?

Hiện nay có một số điều luật trong một số văn bản luật đã quy định chính sách khuyến khích KTTT. Những quy định này đã phần nào khắc phục những bất cập của Nghị quyết số 03. Đơn cử như chính sách về đất đai, năm 2013 Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai và Chính phủ cũng có hàng loạt các Nghị định hướng dẫn thi hành. Hoặc chính sách về tín dụng, theo quy định hiện hành thì đối tượng cho vay để sản xuất nông nghiệp cũng được mở rộng, hình thức cho vay cũng phong phú và thời hạn cho vay có nhiều thay đổi… Tuy nhiên, để biết được những điều này chỉ có lĩnh vực chuyên ngành, ngay cả luật sư muốn tìm hiểu cũng rất khó khăn do những chính sách đó nằm rải rác ở những văn bản khác nhau; chưa có một văn bản mang tính hệ thống tích hợp tất cả những chính sách đó, đồng thời nhiều quy định cũng chưa rõ ràng.

Được biết, năm 2015, Bộ NNPTNT đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển KTTT. Dự thảo Quyết định này gồm 07 Điều, trong đó những chính sách khuyến khích phát triển KTTT được quy định tại Điều 3, bao gồm: Chính sách hỗ trợ thành lập khu trang trại; chính sách hỗ trợ về đất đai; chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng; chính sách hỗ trợ nhân lực kỹ thuật; hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật; hỗ trợ xúc tiến thương mại và chính sách khác.

Tuy nhiên tìm hiểu Dự thảo Quyết định này (Dự thảo 2 ngày 28.8.2015) tôi cho rằng có những quy định còn chưa cụ thể. Đơn cử như chính sách hỗ trợ về đất đai, Dự thảo quy định: “Chủ trang trại được cấp có thẩm quyền cho thuê đất ổn định lâu dài từ quỹ đất của địa phương, hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành”.

Như vậy người dân sẽ khó biết “theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành” là thế nào? Lẽ ra cần phải dẫn chiếu đến những văn bản, điều luật cụ thể thì mới dễ tra cứu.

Hoặc trong Dự thảo không có chính sách về tín dụng, nên muốn tìm hiểu về chính sách tín dụng của Nhà nước hỗ trợ khuyến khích KTTT lại phải tìm đến những văn bản khác…

Đó là những bất cập cần được nghiên cứu để sao cho những người nông dân nhìn vào đó là họ thấy ngay cần phải làm gì, được hỗ trợ những gì, hỗ trợ ra sao…

Cảm ơn luật sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem