Sản xuất vụ đông xuân các tỉnh phía Bắc: Cảnh báo nhiều sâu, bệnh

Trần Quang – Thanh Xuân Thứ hai, ngày 09/02/2015 09:34 AM (GMT+7)
Theo dự báo của ngành khí tượng thuỷ văn, sắp tới nền nhiệt ở các tỉnh phía Bắc sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, vì vậy Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã lưu ý các địa phương về tình hình sâu, bệnh có thể bùng phát trong vụ đông xuân.
Bình luận 0

Các địa phương hối hả xuống giống

Theo khảo sát của phóng viên, những ngày này, tại các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định…, nông dân (ND) đã bắt đầu đổ ra đồng gieo cấy vụ đông xuân 2015. Đang thoăn thoắt cấy ở ruộng, anh Đặng Văn Hưng, xã Văn Tố (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết, vụ đông xuân năm nay gia đình anh cấy 8 sào, chủ yếu là giống bắc thơm 7, BC15. “Năm nay giá vật tư nông nghiệp cũng như tiền thuê công cày bừa đều giảm khoảng 5% nên ND chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm làm sớm hơn cho kịp thời vụ. Hiện, hầu hết ND trong xã đã cấy được hơn nửa diện tích” - anh Hưng cho biết.

img
Nước về đồng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) tranh thủ chở phân bón, mạ ra đồng cấy.  Trần Quang
Tương tự, tại cánh đồng xã Bình Định, huyện Kiến Xương (Thái Bình), bà con ND cũng đang khẩn trương ra đồng làm đất để chuẩn bị cấy. Ông Trần Thanh Sơn – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Định cho hay, theo kế hoạch triển khai mùa vụ, đến hết tháng 2.2015 xã sẽ gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa, trong đó có 200ha được quy hoạch trong cánh đồng mẫu sẽ cấy giống BC15 và TBR225. Hiện, đã có trên 95% diện tích được đổ ải. “Vụ đông xuân năm nay thời tiết khá thuận lợi, bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp cũng ổn định, như phân bón NPK Lâm Thao vẫn giữ ở mức 3.300 đồng/kg, phân bón lót đầu trâu 9.300 đồng/kg, đạm Hà Bắc giữ ở mức 10.500 đồng/kg. Phần lớn các mặt hàng phân bón được cung ứng cho bà con thông qua 2 kênh, gồm kênh trả chậm do Hội ND và Hội Phụ nữ xã phối hợp đứng ra cung ứng, còn lại bà con mua trực tiếp ở các đại lý trên địa bàn” - ông Sơn cho hay.

 

Cũng theo ông Sơn, để đảm bảo đầu ra cho ND, xã Bình Định đã phối hợp với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình thu mua lúa trên cánh đồng mẫu cho bà con, ước tính sản lượng thu mua khoảng 700 - 800 tấn, với giá đảm bảo cao hơn 1,3 lần so với giá thị trường lúc thu hoạch.

Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình cho biết: “Triển khai vụ đông xuân 2015, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 80.000ha lúa và đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã làm đất, đổ ải được gần 80% diện tích. Theo kế hoạch, năm nay tỉnh sẽ có 5% diện tích lúa gieo thẳng; 5% diện tích cấy lúa ngắn ngày. Ngoài ra, với 1.000ha đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng hoa màu, bà con sẽ được hỗ trợ mức 1,7 triệu đồng/ha, vì vậy bà con ND đang rất háo hức đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất như dưa chuột, lạc, đỗ tương…”.

Cảnh báo nhiều sâu, bệnh

Cũng theo bà Nga, để đề phòng tình hình sâu, bệnh diễn biến bất thường trong vụ đông xuân năm nay, tỉnh Thái Bình đã có kế hoạch hỗ trợ các địa phương diệt chuột cũng như thuốc trừ sâu. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho các huyện triển khai công tác diệt chuột và hỗ trợ thuốc diệt cỏ với mức 12.000 đồng/sào cho các diện tích lúa gieo thẳng. Ngoài ra, Thái Bình cũng ban hành công văn chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nếu trời rét dưới 15 độ C phải thông báo cho bà con ngừng cấy, khi nhiệt độ ấm lên mới được tiếp tục gieo cấy để đề phòng lúa bị chết rét.

Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thông tin, theo báo cáo từ các địa phương và kiểm tra thực tế của Cục Trồng trọt, hầu hết các địa phương ở phía Bắc đã xuống giống kịp thời vụ đối với các giống ngắn ngày. Theo dự báo, thời tiết năm nay rất thuận lợi cho gieo cấy vụ đông xuân do nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên chúng tôi cũng đã có công văn gửi các địa phương chú ý cảnh báo người dân không nên xuống giống trong những ngày thời tiết dưới 15 độ C và loại bỏ bớt mạ già. “Do thời tiết ấm hơn nhiều năm, nhiều diện tích mạ đã bị già nên nếu người dân cố cấy sẽ bị chột, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa. Do đó chúng tôi đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền cho người dân gieo lại mạ mới để thay thế” - ông Định nói.

Ông Trần Xuân Định cũng khẳng định, tình hình lấy nước đổ ải của các địa phương cơ bản thuận tiện, thậm chí còn vượt chỉ tiêu kế hoạch nên Tổng cục Thuỷ lợi đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam rút ngắn lịch xả nước 3 ngày. Đối với giống, vật tư phục vụ sản xuất cũng đã được các địa phương chuẩn bị đầy đủ. “Chỉ duy nhất một vấn đề phải đưa ra cảnh báo sớm với người dân, đó là tình hình sâu, bệnh có thể bùng phát, do nền nhiệt năm nay dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy bà con cần có biện pháp phòng chống sâu bệnh kịp thời để hạn chế thiệt hại” – ông Định lưu ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem