Cánh đồng lớn chưa... lớn

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 12/12/2015 15:00 PM (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 16, khóa VIII HĐND tỉnh Đồng Nai, Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tăng cường chỉ đạo, điều hành để khắc phục một số hạn chế, tồn tại trong đó có việc các dự án cánh đồng lớn (CĐL) liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Theo tờ trình của Sở NNPTNT gửi UBND tỉnh Đồng Nai, quy hoạch CĐL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ quy hoạch 425 mô hình CĐL cho 19 loại cây trồng (cà phê, hồ tiêu, điều, sầu riêng, bưởi, ca cao, măng cụt…) với diện tích gần 160.000ha.

img

Nông dân trồng điều ở xã Gia Viễn (Trảng Bom) trông chờ Công ty Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai thu mua sản phẩm. Ảnh: T.Đ

Sau hơn 1 năm triển khai Quyết định 58 của tỉnh về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL, đến nay Đồng Nai đã có 3 dự án CĐL được UBND tỉnh phê duyệt. Đó là CĐL liên kết tiêu thụ cây điều tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom) của Công ty Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods); CĐL liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ca cao tại 3 huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức; CĐL liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mía trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu của Nhà máy Đường Biên Hòa – Trị An.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Thiện – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, chỉ có dự án CĐL liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mía trên địa bàn huyện Vĩnh Cữu của Nhà máy Đường Biên Hòa – Trị An là hoạt động tương đối tốt. Còn 2 dự án CĐL ca cao và điều thì còn nhiều khó khăn. “Chủ yếu do các công ty thiếu vốn nên chưa bắt tay đi vào xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua nông sản của nông dân” - ông Thiện cho biết.

Bà Nguyễn Thị Duyên (xã An Viễn, Trảng Bom – nơi triển khai dự án CĐL liên kết trồng điều do Công ty Donafoods đầu tư) cho biết: “Nghe tin công ty làm CĐL liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông dân trong xã mê lắm. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa thấy công ty triển khai thu mua sản phẩm điều của nông dân”.

Ngoài các dự án trên, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn 13 dự án, trong đó có 9 dự án liên kết trong trồng trọt và 4 dự án liên kết trong chăn nuôi đã hình thành ngoài chính sách của Quyết định 58 đang thực hiện trên địa bàn các huyện.

Lý giải về những khó khăn này, ông Nguyễn Hữu Định – Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho rằng, các doanh nghiệp chưa nắm bắt được hết các chính sách hỗ trợ của nhà nước về liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên chưa chủ động phối hợp với địa phương, nông dân, HTX để xây dựng vùng nguyên liệu.

Mặt khác, các địa phương cũng chưa chủ động trong việc tổ chức tuyên truyền về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, chủ động mời gọi doanh nghiệp về liên kết sản xuất với nông dân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem