Cập nhật: Miền Trung quay cuồng trong bão số 10

Ngọc Vũ-Cảnh Thắng-Hồng Đức-Trần Hùng-Anh Nga-M.Hà Thứ sáu, ngày 15/09/2017 06:49 AM (GMT+7)
Trong hơn 6 giờ qua, tại các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ở đảo Cồn Cỏ đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 12; Hoành Sơn, Hà Tĩnh gió cấp 7, giật cấp 11. Ven biển Hà Tĩnh và Quảng Bình có gió cấp 10 (105 km/h). Toàn bộ người dân đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) phải chui xuống hầm trú ẩn.
Bình luận 0

Dân Việt tiếp tục cập nhật

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vào lúc 11h ngày 15.9, bão số 10 đã độ bộ trực tiếp vào đất tiền các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Theo ghi nhận, bão đổ bộ với sức gió mạnh cấp 11 - cấp 12, tương đương tốc độ gió từ 110 - 135 km/giờ, giật cấp 14 - cấp 15. Trong đó, vùng tâm bão đã được xác định đã đi vào khu vực phía nam Đèo Ngang, nối hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Dưới đây là clip PV Dân Việt ghi lại bão càn quét tại thị xã Kỳ Anh vào trưa nay.

12h20: Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, cơn bão số 10 đi qua đảo mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 đã làm đa số nhà dân, nhà công vụ và nhiều công trình trên đảo bị tốc mái hoàn toàn. Nhiều cây xanh, đường dây điện ở đảo Cồn Cỏ cũng bị gãy, đổ, thiệt hại rất lớn.

12h10: Tại Quảng Trị gió đã lắng xuống nhưng vẫn còn mưa khá lớn. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, lượng mưa tại tỉnh này trung bình từ 200-300mm, có nơi gần 400mm, mực nước sông đang lên nhanh, phổ biến xấp xỉ báo động 1, trên báo động 1 và đang tiếp tục lên cao.

img

Ở vùng núi, mưa rất lớn trên diện rộng, tập trung trong thời gian ngắn làm ngập một số tuyến đường giao thông nông thôn ở các vùng thấp trũng, ven sông, suối, một số tuyến đường có ngầm, tràn ở vùng miền núi và làm chia cắt một số tuyến đường ở miền núi. Như tuyến Tà Rụt đi A Vao (Đakrông) bị ngập trên 3m, tuyến đường 558a nước vượt cầu tràn Ba Lòng (Đakrông) khoảng 2m, tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang (Đakrông) bị ngập, chia cắt nhiều điểm, nước vượt ngưỡng tràn 2,5m…

Đến nay, Quảng Trị chưa có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản là vô cùng lớn. Thống kê sơ bộ có 90 nhà dân bị hư hại, trong đó có 5 nhà bị sập hoàn toàn, 84 nhà bị tốc mái. Một trường mầm non ở huyện Đakrông bị tốc mái. Tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có hàng trăm ha cao su bị gãy, đổ, cảnh tượng tan hoang.

Hiện Quảng Trị vẫn đang tiến hành thống kê thiệt hại sau bão.

img

Vùng trung tâm bão số 10 đã vào khu vực phía Nam của Đèo Ngang, đoạn Vũng Chùa (Quảng Bình). Gió đang giật cấp 12, mất điện toàn tỉnh. Tại thành phố Đồng Hới, điện mất từ 2h sáng, nhiều tuyến phố ngập cục bộ, cây cối gãy đổ. Quan sát của phóng viên Dân Việt, ngoài đường phố không có bóng người. Nhiều bảng biển quảng cáo bị quật tung, mái tôn bay nhiều. 2 ngày qua, Quảng Bình đã phải di dời hơn 6.000 hộ dân với trên 21.000 nhân khẩu.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết, hiện tại trên tuyến QL1A, lực lượng CSGT đã chốt chặn và dừng tất cả các phương tiện giao thông đang lưu thông trên tuyến đường này.

Tất cả các tuyến tàu hoả đi qua Quảng Bình cũng đã được dừng lại ở các ga tàu gần nhất.

"Hiện tại nhiều tuyến đường ở Đồng Hới đã mắc kẹt do ngập nước và cấy cối gãy đổ. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, chúng tôi đã bố trí lực lượng CSGT và các đơn vị liên quan chốt chặn 24/24 giờ, đồng thời kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra", ông Hải cho hay.

Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh: Hiện gió đang giật trên cấp 12. Triều cường đã tràn qua kè chắn sóng Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cữa Sót hơn 1m . Để đảm bảo an toàn tàu cá Ban quản lý cảng cá đang nhăc nhở ngư dân kiểm tra neo, dây chằng... đề phòng gió đánh tàu lên bờ.

img

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An sóng biển cao từ 3-5m. Nhiều kiot tại biển Cửa Lò và Cửa Hội (Nghệ An) bị tốc mái. Bàn ghế bị sóng biển đưa ra xa. Tại biển Quảng Xương, Thanh Hóa, sóng đánh rất mạnh. Vừa bê đồ vừa chạy, ông Đinh Xuân Báo, 60 tuổi, thôn Bình, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa nói: Tôi làm nghề phơi cá ở đây nhiều năm nay, chưa từng thấy cơn bão nào mà nước dâng cao và sóng lớn như thế này.

img

Đến thời điểm này, tại Nghệ An, người dân khu vực nguy hiểm ở thị xã Cửa Lò cũng đã được đưa đến khu vực tránh bão an toàn. Anh Nguyễn Văn Nam trú phương Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò cho hay: "Ngay từ tối hôm qua, hơn 4.500 hộ dân chúng tôi đã được chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn. Tôi chỉ lo lắng nhà cửa ở nhà tốc mái do bão mạnh. Hiện nhà chỉ còn mấy con lợn, con gà nuôi cũng không biết có bị nguy hiểm không?!".

Có mặt tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải thông tin, bão đang đi vào vùng giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sức gió tại Kỳ Anh khoảng cấp 10, giật cấp 11.

Nằm trên đường di chuyển của bão, đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 11-12. "Toàn bộ người dân huyện đảo đã được xuống hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn", ông Hải thông tin. 

Cồn Cỏ vốn là đảo quân sự. 

Còn ông Nguyễn Hoàng Anh, phó trưởng đồn công an Khu Kinh tế Vũng Anh, Hà Tĩnh cho biết mưa gió rất lớn. Ở điểm xã Kỳ Nam, thuộc thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh là tâm điểm của bão. Hiện gíó giật rất mạnh. Một xe tải bị lật, 2 xe máy bị ngã khiến 2 người bị thương. Ghi nhận trên đường vào xã này, gíó bão quật cây cối, tốc mái nhiều nhà dân. Không một người dân nào ra đường, chỉ có xe công an.

img

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thăm hỏi người dân trú ngụ tại đồn biên phòng Cửa Việt

Cùng đoàn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra tình hình bão số 10, phóng viên Dân Việt ghi nhận lúc này: Sức gió tại biển Cửa Việt đã rất mạnh, mưa lớn khiến nhiều cây cối, hệ thống đường điện bị đổ. Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, hiện nay tất cả các lực lượng của tỉnh đang cùng nhân dân chống bão. Người dân đã được di tản đến nơi an toàn. Tại đồn biên phòng Cửa Việt, có nhiều người được đưa đến trú ngụ. Ông Hà Sỹ Đồng đã động viên bà con yên tâm trú bão, đã có lương thực, nước cung cấp đầy đủ cho bà con. Ông Đồng cho biết, nhiều cây cối đã bị đỗ, dây điện bị đứt, nhà tốc mái. Quảng Trị đã di dời hơn 70.000 hộ dân đến nơi trú tránh an toàn. Bà Bê cho biết, bão vào đã xé tan mái nhà của bà. Gia đình bà được di tản đồn biên phòng Cửa Việt vào 7 giờ sáng nay, được cung cấp lương thực đầy đủ.

img

Hai em Lê Thị Nhi và Lê Thị Hà, con bà La Thị Bê ( thôn Hà Tây, Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị) được trú ngụ tại đồn biên phòng Quảng Trị.

img

img

Thời điểm này, tại cửa biển Hòn La (Quảng Trạch - Quảng Bình), gió đã giật cấp 10, sóng biển dữ dội dập liên hồi vào bờ. Gió lớn đến mức người đứng quay clip không vững, bị quăng quật. Theo các ngư dân nhiều kinh nghiệm ở đây, cơn bão này dự báo sẽ không thua kém cơn bão hồi năm 2013, từng khiến các xã ven biển huyện Quảng Trạch chịu thiệt hại nặng nề. Cây cối bắt đầu đổ rạp ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch - Quảng Bình). 

img

Sức gió tại Cửa Lò 7,8 gió giật cấp 9,10 vào thời điểm này. Tại trạm đo nước dâng chống bão Của Lò, anh Lê Hải Toàn trạm trưởng cho biết hiện tại gió giật rất mạnh, thuỷ triều lên cao, nước biển đã tràn lên bờ. Mưa gió ngày càng mạnh hơn, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.

Quảng Trị lúc 6 giờ 15 phút sáng 15.9, mưa gió rít từng hồi và lớn dần, trời càng sáng thì mưa gió càng mạnh.

Công tác chuẩn bị ứng phó bão số 10 ở Quảng Trị vẫn đang được tiếp tục. Các lực lượng luôn sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp cứu hộ, cứu nạn.

Đường sá tại các địa phương trên địa bàn Quảng Trị hiếm người qua lại.

img

Hình ảnh bão số 10 áp sát biển Bắc miền Trung. Ảnh: Đài khí tượng thủy văn Trung ương

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, trong 6 giờ vừa qua, ở đảo Cồn Cỏ đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) cấp 7, giật cấp 11. 

Vào 6 giờ sáng 15.9, tâm bão ở vào 17,6N-107,6E; cách Đèo Ngang khoảng 140km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. 

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h. 

img

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính (phải) chỉ đạo công tác phòng chống bão tại âu tàu bắc Cửa Việt vào chiều muộn hôm 14.9. Ảnh: Ngọc Vũ

Trước đó, đến cuối giờ chiều 14.9, Quảng Trị kêu gọi toàn bộ 2.312 tàu thuyền với 7.500 người  của tỉnh về các nơi trú ẩn an toàn, triển khai quyết liệt việc sắp xếp đảm bảo an toàn tàu thuyền tại các nơi neo đậu, tránh để va đập gây hư hỏng tàu thuyền; không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. 51 chiếc tàu ngoại tỉnh với 335 người cũng đang neo đậu tại Quảng Trị.

img

Nhận được thông tin báo bão, người dân Quảng Trị chủ động chằng chóng nhà cửa, chặt cây cao... Ảnh: Ngọc Vũ

Tỉnh này đã đình chỉ các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống bão số 10.

Từ chiều 14.9, Quảng Trị cho học sinh toàn tỉnh nghỉ đến khi hết bão số 10. Quảng Trị còn 1.396 lúa và 4.260 ha hoa màu chưa thu hoạch xong. Tỉnh có 131 hồ chứa đạt 45-75% dung tích thiết kế.

Quảng Trị đã lên kế hoạch sơ tán 32.155 hộ/139.794 người thuộc 141 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố khi bão số 10 đổ bộ vào  đất liền.

Tính đến 17 giờ ngày 14.9, Quảng Trị đã triển khai sơ tán 4.938 hộ/16.010 người, trong đó sơ tán tại chỗ (trong dân) 3.946 hộ/12.465 người; sơ tán sang khu vực khác (đến địa điểm tập trung) 992 hộ/3.545 người.

img

Lốc xoáy tại Gio Linh.

Vào chiều hôm qua, tại huyện Gio Linh đã xảy lốc xoáy làm tốc mái 4 nhà dân, chính quyền đã đến thăm hòi, động viên các hộ dân bị thiệt hại.

img

Phường 2 ( Đông Hà) bị ngập, nước mấp mé nhà dân.

Đến 7 giờ 30 phút sáng 15.9, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Đông Hà ( Quảng Trị) đã ngập cục bộ do mưa lớn xảy ra kèm gió bão mạnh.

img

Đến 8 giờ, mực nước sông các tỉnh Quảng Trị đang lên, gió bão tiếp tục rít từng hồi. Các con tàu neo đầu ở sông Đông Hà chồng chênh trước sóng.Theo quan trắc, mực nước các sông ở Quảng Trị đã lên trên báo động 1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem