Cát sông ở miền Tây có nguy cơ cạn kiệt trong 10 năm tới, 8 vật liệu có thể thay thế là gì?

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 02/10/2023 17:22 PM (GMT+7)
Nếu giữ nguyên tốc độ khai thác cát như hiện nay, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) nhận định, nguồn cát sông ở ĐBSCL cạn kiệt trong 10 năm tới. Do đó, đề xuất 8 vật liệu thay thế cát sông, với tổng khả năng cung cấp lên đến hàng triệu tấn/năm.
Bình luận 0

Ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ĐBSCL thuộc WWF Việt Nam cho hay, qua đánh giá về tính bền vững đối với môi trường và xã hội đã xác định được 18 loại vật liệu thay thế cát sông ở ĐBSCL. Trong đó, WWF Việt Nam đã cùng các đơn vị tư vấn xác định được 8 loại vật liệu thay thế có trữ lượng và tiềm năng rất cao.


Cát sông ở miền Tây có nguy cơ cạn kiệt trong 10 năm tới, 8 vật liệu có thể thay thế là gì? - Ảnh 1.

Nếu giữ nguyên tốc độ khai thác cát như hiện nay, WWF Việt Nam nhận định, nguồn cát sông ở ĐBSCL cạn kiệt trong 10 năm tới. Ảnh: Huỳnh Xây

Đây là thông tin ông Huy Anh đưa ra tại buổi công bố kết quả nghiên cứu về trữ lượng cát ở ĐBSCL do WWF Việt Nam phối hợp cùng các đối tác tổ chức mới đây tại TP.Cần Thơ.

Theo ông Huy Anh, vật liệu thay thế cát sông có thể kể đến là tro trấu. Trong năm 2022, ĐBSCL có khoảng 10,7 triệu tấn vỏ trấu, ứng với 1,9-2,7 triệu tấn tro trấu. Nơi cung cấp là các nhà máy chế biến gạo quy mô lớn ở Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp. Trong thời gian qua, tro trấu đã được ứng dụng làm phụ gia sản xuất bê tông.

Vật liệu thay thế cát sông thứ 2 là cát nghiền. Nguồn cát nghiền này có thể lấy từ các mỏ đá tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp. Thời gian qua, cát nghiền đã được sử dụng để làm vữa xây, trát, bê tông mác thấp và sản xuất gạch không nung. Theo số liệu cập nhật được năm 2019, khả năng cung cấp cát nghiền ở khu vực miền Nam là khoảng 2,5 triệu m3/năm.

Vật liệu thay thế cát sông thứ 3 là tro bã mía, có thể lấy từ các nhà máy mía đường có hoạt động đốt bã mía tại Tây Ninh và Sóc Trăng. Trên thế giới, tro bã mía được nghiên cứu để thay thế cát trong vữa, bê tông. Ở Việt Nam đã được nghiên cứu thay thế một phần xi măng trong sản xuất bê tông. Theo số liệu năm 2022, nước ta có 7,5 triệu tấn mía, ứng với 36.000-72.000 tấn tro.

Vật liệu thay thế cát sông thứ 4 là bê tông tái chế (sà bần). Nguồn bê tông tái chế có thể được cung cấp 3,28 triệu tấn CTR/năm, ứng với 0,33 triệu tấn sà bần/năm. Thời gian qua, nước ta đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng bê tông tái chế (sà bần) trong xây dựng (gạch, cốt liệu bê tông), giao thông.

Vật liệu thay thế cát sông thứ 5 là xỉ đáy, có thể được cung cấp từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than như Trà Vinh, Đồng Nai, Hậu Giang với khoảng 940 ngàn tấn/năm.

Ngoài ra, thủy tinh phế thải, cao su phế thải, xỉ lò cao cũng có thể dùng làm vật liệu thay thế cát sông.

Ông Huy Anh kiến nghị, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế. Đồng thời, thúc đẩy việc thực hiện các công trình sử dụng tiết kiệm cát hơn.

"Như xây dựng cao tốc, có thể xây cầu cạn ở các đồng bằng ngập lụt để vừa giải quyết được vấn đề thiếu cát, vừa duy trì được tính kết nối giữa nước và trầm tích, giữa lòng sông chính với các đồng bằng thông qua các kênh rạch" - ông Huy Anh nói.

Sở dĩ ông Huy Anh nói đến 8 vật liệu thay thế cát sông vì trong 10 năm tới, nguồn cát sông ở ĐBSCL có thể bị cạn kiệt nếu giữ nguyên tốc độ khai thác cát như hiện nay.

Ông Huy Anh phân tích, trữ lượng cát sông ở ĐBSCL đo đạc được là 367-550 triệu m3 và nó có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng.

Nếu lượng cát khai thác ở mức 35-55 triệu m3/năm như thời gian qua, lượng cát từ thượng nguồn đổ về đồng bằng chỉ khoảng 2-4 triệu m3/năm (lượng cát sông lấy đi lớn gấp 15 lần so với con số được bổ sung) thì trữ lượng cát sông sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem