Cắt vườn quốc gia Cát Tiên làm... thủy điện

Thứ tư, ngày 29/06/2011 11:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hai Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A theo thiết kế sẽ "ăn" tới hơn 370ha diện tích đất rừng, trong đó có 137ha rừng thuộc VQG Cát Tiên, gần 144ha thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên...
Bình luận 0

Bộ NNPTNT vừa chính thức có công văn về việc xin điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi 137ha đất rừng thuộc VQG sang làm 2 dự án thuỷ điện. Theo các nhà khoa học, việc làm này có thể gây nguy hại đến khu dự trữ sinh quyển này.

Vườn quốc gia cũng không tha

Hai Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A theo thiết kế sẽ "ăn" tới hơn 370ha diện tích đất rừng, trong đó có 137ha rừng thuộc VQG Cát Tiên, gần 144ha thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, còn lại là đất rừng của các đơn vị lâm nghiệp khác.

img
Việc xây dựng nhà máy thủy điện sẽ tác động tới hệ sinh thái và động thực vật ở VQG Cát Tiên.

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 với công suất thiết kế 135MW sẽ nằm trên địa phận các xã: Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và xã Hưng Bình, huyện Đăk RLấp (Đăk Nông).

Phạm vi chiếm đất lâm nghiệp của công trình là 197,63ha, gồm: Khu vực ngập nước lòng hồ 150,27ha, trong đó diện tích bị ảnh hưởng của VQG Cát Tiên là 86,43ha thuộc các tiểu khu 421, 422, 506 nằm trong địa giới hành chính xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên.

VQG Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. VQG Cát Tiên có tổng diện tích là 71.920ha. Hiện nay, VQG Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6A với công suất 106MW nằm ở địa phận các xã: Phước Cát 2, huyện Cát Tiên và xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Phạm vi chiếm đất lâm nghiệp của công trình này là 174,60ha, trong đó khu vực lòng hồ là 107,50ha. Diện tích rừng của VQG Cát Tiên bị chiếm là 50,55ha thuộc một phần các tiểu khu 497, 504A, nằm trong địa giới hành chính xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên.

Phân tích lý do lấy đất rừng của VQG Cát Tiên để làm thuỷ điện, trong công văn của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Hứa Đức Nhị ký, nêu: "Việc xây dựng công trình Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A theo quy mô trên đây về cơ bản là phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia. Hai công trình thủy điện này là kiểu nhà máy sau đập dâng, hồ chứa nhỏ, dung tích làm việc hồ của Thủy điện Đồng Nai 6 là 15 triệu m3, của Thủy điện Đồng Nai 6A là 9 triệu m3, ít gây gián đoạn dòng chảy cho hạ lưu".

Không ảnh hưởng đến tê giác?

Ông Hứa Đức Nhị - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng cho rằng: "Thực ra, Bộ NNPTNT chưa đồng ý chủ trường làm nhà máy thuỷ điện ở Cát Tiên, mà làm theo quy định để đề nghị cấp trên xem xét, điều chỉnh quy hoạch đối với VQG Cát Tiên. Ở đây, chúng tôi chưa nói đến hai dự án, mà chỉ nói đến rừng thôi, bởi nếu mất rừng sẽ mất VQG".

img
 

Mặc dù phủ nhận việc nói đến hai dự án thuỷ điện, nhưng trong Văn bản số 1741 do chính ông Nhị ký ngày 20.6 vừa qua, lại nêu rất rõ vấn đề này. Cụ thể, Bộ NNPTNT cho rằng:

"Việc xây dựng hai công trình này tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong VQG Cát Tiên và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn loài tê giác và sinh cảnh Bàu Sấu của VQG Cát Tiên do cách khu vực hoạt động của loài tê giác 7-11km và cách khu vực Bàu Sấu 25km, các mục tiêu cơ bản của vườn này vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài của vườn".

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nhị cũng nói: "Theo báo cáo, các dự án này chỉ chiếm một diện tích nhỏ ven dòng sông thôi, chứ VQG còn cả bạt ngàn, mà cũng không ảnh hưởng đến tê giác và khu vực Bàu Sấu". Thế nhưng, trả lời câu hỏi, ông đã đi kiểm tra thực tế chưa?, ông Nhị trả lời: "Do anh em họ đi kiểm tra, tôi chưa đi nên không biết cụ thể việc đó".

Sẽ trở thành tiền lệ xấu

Ông Nguyễn Đình Xuân - Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Giám đốc VQG Lò Gò- Xa Mát (Tây Ninh) cho rằng: "Việc chuyển đổi diện tích từ vườn quốc gia, rừng đặc dụng từ 50ha trở lên là thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã được quy định tại Nghị quyết 66 ngày 29.6.2006 của Quốc hội. Để chuyển đổi một diện tích rừng như vậy, phải có đánh giá tác động môi trường rất chi tiết và những ảnh hưởng có thể khắc phục được so với lợi ích về kinh tế".

Công trình Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A vốn được tách ra từ Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 - đây là dự án nằm trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư.

Hơn nữa, theo ông Xuân: "Nếu nói do diện tích chiếm đất của VQG ít, nên không gây ảnh hưởng đến môi trường là không có cơ sở, vấn đề không phải là diện tích ít, mà việc thay đổi chế độ nước, thuỷ chế trong khu vực mới là vấn đề lớn nhất và khó khắc phục nhất đối với một VQG. Do đó, trong các bước tiếp theo, Bộ NNPTNT cần tiến hành thận trọng và đúng luật".

Theo ông Xuân: "Quy hoạch làm VQG chính là để ngăn việc khai thác mỏ, thuỷ điện, chuyển đổi đất nông nghiệp. Mặt khác, VQG có ý nghĩa như một công viên công cộng có thể dành cho tất cả mọi người đến tham quan, vui chơi. Khi chuyển sang mục đích khác, sẽ trở thành lợi ích riêng tư, có thể của một công ty hoặc một người nào đó được hưởng lợi".

Ông Xuân cũng đặt câu hỏi: "Chúng ta không muốn Lào xây dựng đập Xayaburi, thì sao lại đặt vấn đề việc xây nhà máy thuỷ điện ở VQG Cát Tiên. Mặc dù quy mô 2 dự án này nhỏ hơn, nhưng tác động 2 dự cũng tương tự như vậy. Cho nên, không có lý gì lại đi làm thuỷ điện ở đây. Điều nguy hại hơn là, nếu làm thủy điện, nó có thể sẽ tạo thành một tiền lệ, người ta có thể sẽ lại làm ở các VQG khác".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem