Cây sầu đâu quê ngoại

Bài và ảnh: Hoàng Lê Thứ hai, ngày 25/05/2015 08:28 AM (GMT+7)
Ngày còn bé, mỗi lần về thăm ngoại,  tôi đều chạy đến tán cây sầu đâu hóng mát, rồi trèo lên cây hái ít lá cho ngoại trộn gỏi. Cây sầu đâu ấy được ngoại tôi trồng trước bờ đi. Trải qua bao thử thách của thiên tai mưa bão nhưng cây vẫn trụ vững, tạo dáng tròn xoe che khuất một khoảng trời.
Bình luận 0
Cuộc đời ngoại như gắn bó với sầu đâu, tâm hồn ngoại rộng mở như tán sầu đâu toả bóng mát yêu thương dành cho con cháu của mình.

Tuổi thơ của anh em tôi đầy ắp những chuyện cổ tích mà ngoại tôi vẫn thường hay kể, nhớ lắm những buổi chiều quê, nồm nam cơn gió thổi, ngoại dắt chúng tôi ra bờ sông hóng gió dưới tán sầu đâu rồi thì thào bên tai chúng tôi những câu chuyện ngày xưa. Dưới tán cây, chúng tôi đã được ngoại dạy cho biết bao điều hay lẽ phải, nhân cách sống ở đời. Có lần tôi thắc mắc tại sao ngoại không trồng cây ăn trái mà lại chọn cây sầu đâu, ngoại cười vui nói rằng, ngoại thích hóng mát dưới tán cây và ngoại dùng lá cây này để làm nguyên liệu cho món gỏi sầu đâu.
img
Cây sầu đâu quê ngoại (ảnh: Hoàng Lê)
Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm. Hàng năm, vào khoảng tháng Mười đến tháng Giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Lá sầu đâu dù đắng nhưng khi trụng nước sôi rồi trộn gỏi với khô cá lóc hay thịt ba rọi cũng đều ngon tuyệt cú. Bởi vậy mà tôi nhớ lắm hương sầu đâu ngọt lành, đăng đắng trong các món gỏi mà ngoại tôi cần mẫn chế biến ngày xưa.

Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ cây sầu đâu này được ngoại tôi trồng để lấy lá, ít ai biết được rằng vỏ cây sầu đâu dùng để nấu nước uống giải cảm rất hữu hiệu. Trong làng, có ai bị cảm, ngoại tôi lại lấy ít vỏ sầu đâu mang đến tận nhà rồi hướng dẫn họ nấu mà uống. Vì vậy, thân cây sầu đâu của ngoại luôn sần sùi, đầy dấu vết, ấy vậy mà tán lá vẫn xanh tươi, toả bóng mát một góc đường.

Thời gian trôi, ngoại tôi giờ đã già, không còn ngồi dưới tán sầu đâu xưa để vun bồi tâm hồn chúng tôi qua nhiều câu chuyện kể. Cây sầu đâu thì vẫn vậy, sần sùi kiêu hãnh với dáng vẻ mộc mạc, bình dị của mình. Như một cụ già mà tuổi càng cao càng quắc thước và dồi dào trí lực. Mỗi mùa thêm tuổi lại cho ra những chùm hoa ngày càng nồng đượm, ngày càng làm ngây ngất khách lạ, người quen. Tôi nhớ vào năm ấy, quê tôi chịu một trận bão dữ dội, cây cối trong làng gần như ngã gục, sầu đâu của ngoại vẫn cứng cáp vượt qua gió bão, vững chãi cho đến bây giờ.

Giờ tôi đã xa quê, món gỏi sầu đâu của ngoại tôi năm xưa chỉ còn lại trong trí nhớ. Mỗi lần nhớ ngoại tôi lại nhớ bàn tay gầy cần mẫn của ngoại lặt lá sầu đâu, mùi vị đăng đắng của lá sầu đâu thật đặc biệt làm cho người xa xứ da diết nỗi nhớ quê nhà. Trải qua bao thay đổi, cây sầu đâu quê ngoại vẫn còn đấy, lá vẫn tươi xanh, đằm thắm, dịu dàng. Cây sầu đâu ấy đối với ngoại có giá trị thiêng liêng, như một nhân chứng sống động cho cuộc đời thanh bạch, cơ hàn nhưng đầy tình nghĩa của ngoại nơi chốn quê nghèo.

Sầu đâu đẹp không phải bởi dáng hình mà đẹp ở sự mộc mạc, thuỷ chung như chính tấm lòng người dân quê tôi hiền lành, chân chất. Nhớ quê, nhớ ngoại, lòng da diết nghe lại mấy câu hát về cây sầu đâu mà buồn đến nao lòng: “… Kỉ niệm ngày xưa, bờ lau thưa với rặng trâm bầu/ Mấy cây sầu đâu ngoại thường ra hái lá, trộn gỏi đắng mà nghe ngọt lạ bờ môi…”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem