CEO Lê Hồng Thủy Tiên: Không phải doanh nghiệp muốn "chậm lớn"

Huyền Anh Thứ ba, ngày 19/09/2023 12:08 PM (GMT+7)
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên bày tỏ trăn trở về ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu, sống dai nhưng... chậm lớn, khó trưởng thành".
Bình luận 0

Chuyên đề thứ 1 với chủ đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 diễn ra sáng 19/9.

Doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó

Nêu ý kiến tại Chuyên đề 1, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho biết, nếu như trong năm 2021-2022, doanh nghị Việt Nam rơi vào khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội lạm phát tăng cao, giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng…Đến năm 2023 do tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm… Do đó, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó.

CEO Lê Hồng Thủy Tiên: Không phải doanh nghiệp muốn "chậm lớn" - Ảnh 1.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)

Từ thực tế doanh nghiệp, bà Lê Hồng Thủy Tiên đã nêu một số đề xuất.

Thứ nhất, về việc tiếp cận vốn và lãi suất. Bà bà Lê Hồng Thủy Tiên cho biết hiện vẫn nhiều doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn; lãi suất dù giảm 4 lần nhưng vẫn cao. Do đó, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đưa ra đề xuất về chính sách thuế tài chính, hỗ trợ lãi vay cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp. Đồng thời, theo bà Tiên cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.

Hai là, đề xuất dỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.

Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất xem xét ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng và thiết lập các trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan và cửa hàng miễn thuế dưới phố.

Về chính sách cho trung tâm tài chính, bà Lê Hồng Thủy Tiên nêu rõ: Có nhiều lợi ích nếu thành lập trung tâm tài chính ở Việt Nam như thu hút vốn, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan. Do đó, bà Tiên đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh triển khai trung tâm tài chính, vừa khơi thông dòng vốn, tăng nội lực cho doanh nghiệp.

Cũng tại Chuyên đề 1, bà Lê Hồng Thủy Tiên cho biết bà rất trăn trở trước ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu, sống dai nhưng... chậm lớn, khó trưởng thành". Theo bà Tiên, không phải doanh nghiệp muốn "chậm lớn".

"Ngoài những doanh nghiệp dùng thuốc tăng trọng lớn nhanh, hay các doanh nghiệp chết yểu, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững", Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nhấn mạnh.

Tôn vinh quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn sáng tạo để phát triển và có niềm tin vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh "đổ thừa" do cơ chế, để doanh nghiệp có thể thực hiện được những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.

Điều hành lãi suất 'nóng vội' có thể đến những tác động thái quá

Liên quan đến đề xuất của doanh nghiệp tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng và chắc chắn theo hướng thực mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra, ổn định vĩ mô và tôn trọng các nguyên tắc của thị trường trong quá trình điều hành. Từ đó, tạo sự cạnh tranh và đảm bảo sự phấn đấu cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế.

Với mong muốn về tiếp cận vốn và lãi suất của doanh nghiệp, Phó Thống đốc thẳng thắn thừa nhận, điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. Căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.

Cùng với đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Phó Thống đốc cho biết, năm 2023, NHNN đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp. Vấn đề là điều kiện như thế nào để tiếp cận vốn.

"Sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy. Chính sách lãi suất có quan hệ biện chứng tới tỷ giá, nếu lãi suất thấp tỷ giá khả năng bùng lên. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý. Đây cũng là thành công của NHNN trong điều hành thời gian qua để giữ tỷ giá (biến động chỉ 1,8% - 2% kể từ đầu năm trong khi các nước khác lên tới 15% như Nhật Bản)", ông Tú nhấn mạnh.

CEO Lê Hồng Thủy Tiên: Không phải doanh nghiệp muốn "chậm lớn" - Ảnh 2.

Chuyên đề thứ 1 với chủ đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 diễn ra sáng 19/9.

Nói thêm về lãi suất, Phó Thống đốc cho hay, hạ lãi suất là yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ông lưu ý thay đổi lãi suất có độ trễ. Chính vì vậy, nếu điều hành lãi suất không thận trọng, quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể đến thời điểm nào đó nền kinh tế bị tác động thái quá, lúc đó có thể dẫn đến chi phí cho việc xử lý việc thái quá. Chính vì vậy, NHNN phải quan tâm và phải điều hành lãi suất hợp lý.

Cũng theo Phó Thống đốc, sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, thể chế để tạo điều kiện hơn nữa, giúp thông thoáng cho các ngân hàng thương mại cho vay và ứng dụng công nghệ trong thời gian qua… Chẳng hạn như gói tín dụng 120.000 tỷ nhà ở xã hội, gói 15.000 tỷ đồng lĩnh vực lâm, thủy sản,… Đây là chính sách rất cụ thể.

Tại Diễn đàn, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng đưa ra lưu ý đối với nhà quản lý tiền tệ. Theo ông Jochen Schmittmann, NHNN phải hết sức cẩn trọng về các chính sách tài chính, về các vấn đề lãi suất, thị trường liên ngân hàng…

Ông Jochen Schmittmann cho biết, cần tăng cường thực thi chính sách, giải quyết điểm nghẽn đầu tư công, đặc biệt sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần tìm lại niềm tin của nhà đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước vào Việt Nam; tăng cường các cơ chế tái cơ cấu doanh nghiệp; xây dựng khuôn khổ thanh lý doanh nghiệp; các biện pháp giải quyết nợ mà không cần qua Tòa án, có các biện pháp thanh lý nợ hợp lý.

Điều quan trọng tiếp theo là phải có pháp luật ổn định, nhất quán liên quan đến đầu tư; để bảm đảm niềm tin cho các doanh nghiệp thì cần đầu tư vào điện, cơ sở hạ thầng, giảm thuế, chi phí doanh nghiệp… Ngoài ra, cần thêm các nỗ lực để tăng cường khả năng quản trị, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo sự chắc chắn của pháp luật.

Về chính sách tài khóa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thời gian qua trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế, tài chính của thế giới và khu vực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện được nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt...

Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí cũng như các loại thu ngân sách nhà nước; thực hiện cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công; tăng chi để kích cầu nền kinh tế... Qua đó góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn; giữ ổn định cho nền kinh tế. Kết quả là kinh tế của Việt Nam chúng ra vẫn được đánh giá là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem