Bỏ thành phố, “trồng thuốc” trên vùng cát cháy

Thứ ba, ngày 17/02/2015 06:08 AM (GMT+7)
Vì cây dược liệu, một gia đình rời phố phường đến xứ “khỉ ho cò gáy”. Họ đã biến vùng cát cháy thành dược liệu, thành đặc sản, thành điểm đến độc đáo, trù phú.  
Bình luận 0

Trang trại thuốc trên cát

Ngun ngút theo đường cát vùng biển nam Phú Yên, tôi tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung (TTDLMT) tại thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa. Cái nóng vùng cát “trụi” như dừng hẳn bên ngoài khuôn viên trung tâm rộng trên 10ha, xanh mát các dải vườn cây thuốc và cơ sở chế biến dược liệu. Trên 60 công nhân viên mỗi ngày nhịp nhàng các công đoạn chăm tưới, phơi sấy, chiết xuất cây thuốc.

img

Hệ thống máy phun sấy dược liệu tại Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung.

Giám đốc TTDLMT - kỹ sư sinh học Lê Thị Tuyết Anh đã gắn bó với trung tâm này từ năm 1988. Chị cho biết, nơi đây nguyên là Trại nghiên cứu cây Dừa Cạn, thành lập năm 1987; rồi khi Công ty Dược liệu TW2 giải thể các trạm trại nghiên cứu, trung tâm được chuyển về Công ty TNHH Hồng Đài Việt (TP.Hồ Chí Minh), hoạt động theo mô hình doanh nghiệp chuyên nuôi trồng, cung ứng dược liệu sạch.

img

Vợ chồng kỹ sư Tuyết Anh - Xuân Lâm trong vườn.

 “Những ngày đầu tôi từ Sài Gòn ra, vùng đất này quá sức hoang vu. Nghe nói khu vực phía trước Trung tâm nguyên là một pháp trường, thế nên khoảng 3 giờ chiều là không ai dám qua lại. Nhiều người nghĩ, chúng tôi đến đây để lập căn cứ... tổ chức vượt biên! Quả thật, họ không tin chúng tôi làm được gì với những động cát “chay”, độ mùn rất thấp, chỉ cây xương rồng sống được. Thế nhưng “mối tình” thảo dược đã giữ chân chúng tôi lại. Và anh thấy đó, cơ ngơi, đời sống anh em TTDLMT đã đổi thay qua từng năm, từng tháng...”- chị Tuyết Anh bộc bạch.

Hiện tại, TTDLMT đang bảo tồn và sản xuất trên 50 loài dược liệu, cung cấp khoảng 1.000 tấn sản phẩm khô/năm cho hàng trăm đầu mối khách hàng trong và ngoài nước; với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Các nước đang tiêu thụ mạnh sản phẩm của TTDLMT là Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan... Đơn vị còn liên kết triển khai cho hàng trăm hộ nông dân khu vực miền Trung trồng cây dược liệu, với thu nhập của bà con luôn đạt trên 250 triệu đồng/ha.

Chẳng những bán dược liệu sạch, TTDLMT đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, nhiều năm qua, các loại trà thảo dược của TTDLMT đã trở nên quen thuộc trên thị trường, trở thành quà tặng đặc sản xuất xứ Phú Yên. Một vùng cát nắng gió ngày nào, nay đã thành điểm đến du lịch độc đáo, khác biệt...

Trăn trở gia đình dược liệu

img

Kỹ sư Tuyết Anh giữa trang trị thảo dược trên vùng cát ươm dược liệu Hòa Hiệp Nam.

Người chồng của Giám đốc Tuyết Anh - anh Hoàng Xuân Lâm cũng là kỹ sư sinh học, hiện là Phó giám đốc TTDLMT. Vợ chồng học cùng lớp ở Đại học KHTN TP.Hồ Chí Minh, rồi cả hai gắn bó số phận với nghiệp dược liệu. Kỹ sư Xuân Lâm từng là một trong những người đầu tiên đi xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Long An). Kỹ sư Tuyết Anh từng một thời gắn bó với Trại thực nghiệm dược liệu Lâm Đồng. Thế nhưng sự nghiệp “dài hơi, cuối cùng” của “vợ chồng dược liệu” là TTDLMT.

Chẳng những thế, người con lớn của anh chị là thạc sĩ hóa học Hoàng Lê Anh Nguyên (vừa học từ Pháp về) cũng đang đầu quân phụ trách Phòng phân tích dược liệu của TTDLMT. Thực sự, gia đình này đã khẳng định sự thành công trong “cất cánh” kho tàng cây thuốc ven biển Việt Nam, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng của nông dân nhiều tỉnh miền Trung.

Chị Tuyết Anh cho biết: “Gia đình đã có nhà cửa ở TP.Hồ Chí Minh, thế nhưng tình yêu - nguồn sống - trách nhiệm đều ở xứ cát này. Từ nơi làm ăn đã thành quê hương lúc nào chẳng hay. Bây giờ mà về thành phố thì thấy chật hẹp “nóng trong người”, ở vài hôm rồi cũng dắt díu nhau về Phú Yên”.

Dù sản phẩm của TTDLMT đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới nhưng “dược liệu đạt chuẩn của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên nước mình”. Theo chị Tuyết Anh, dược liệu sạch vẫn “rớt đài như thường” khi đấu giá vào một số công ty, bệnh viện trong nước; bởi dược liệu trôi nổi (hầu hết xuất xứ Trung Quốc) luôn có giá... rẻ hơn và “nhiều chuyện khó nói”! Chị phân trần: “Sản xuất dược liệu sạch theo các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, thì làm sao bán giá rẻ được! Nếu dược liệu trôi nổi, kém chất lượng còn “thả sức” tung hoành như hiện nay thì hãy còn biết bao hệ lụy...”.

“Mặc khác, công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất dược liệu sạch là rất quan trọng và cấp thiết. Thế nhưng hiện nay không có trường đào tạo, không có giáo trình chuyên biệt. Bởi vấn đề này... không thuộc lãnh vực dược, cũng không thuộc lãnh vực nông nghiệp. Trong lúc, tiềm năng của ngành dược liệu Việt Nam là khổng lồ...” - kỹ sư Tuyết Anh nói.

“Gia đình đã có nhà cửa ở TP.Hồ Chí Minh, thế nhưng tình yêu - nguồn sống - trách nhiệm đều ở xứ cát này. Từ nơi làm ăn đã thành quê hương lúc nào chẳng hay. Bây giờ mà về thành phố thì thấy chật hẹp “nóng trong người”, ở vài hôm rồi cũng dắt díu nhau về Phú Yên”, chị Tuyết Anh chia sẻ.
Hùng Phiên (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem