Cử nhân 26 tuổi làm chủ trang trại bồ câu, gà cỏ bạc tỷ

Thứ bảy, ngày 18/04/2015 06:45 AM (GMT+7)
Đang có công việc tại công ty may nước ngoài, Trần Thanh Sơn bất ngờ bỏ về quê làm nông dân. Trang trại nuôi bồ câu, gà cỏ... mỗi năm đem lại cho anh nguồn thu cả tỷ đồng.
Bình luận 0

Trần Thanh Sơn sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã miền núi Bài Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Năm 2008, anh thi đậu vào học khoa Quản lý nhân sự, Đại học khoa học Thái Nguyên.

Sau 4 năm đèn sách, ra trường với tấm bằng loại giỏi, Sơn được nhận làm nhân viên văn phòng của công ty may nước ngoài với mức lương tháng 7 triệu đồng. Công việc đang thuận lợi, nhiều cơ hội thăng tiến thì đột ngột Sơn xin nghỉ việc về quê, bất chấp khuyên can của gia đình, bạn bè.

img
Trần Thanh Sơn chăm sóc đàn bồ câu giống

 

Đam mê làm giàu bằng nông nghiệp, chăn nuôi từ thời còn học phổ thông, chàng trai 26 tuổi lặn lội đến các trang trại ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội học hỏi kinh nghiệm. Cuối năm 2012, Trần Thanh Sơn về tiếp quản, mở rộng trang trại sẵn có của gia đình.

Thấy nhiều người nuôi chim bồ câu đem lại giá trị kinh tế cao, tạo được công ăn việc làm, anh quyết tâm đầu tư vào loại này. Ban đầu, Sơn vay tiền mua 300 cặp bồ câu giống Pháp. Để xoay vòng vốn, anh nuôi thêm gà cỏ Nghệ An, thử nghiệm nuôi gà mía Yên Thế (Bắc Giang) - đặc sản được thị trường ưa chuộng.

Hai tháng sau, chim bồ câu đẻ trứng. Những con non đầu tiên ra đời. Sơn lại ngày đêm lên mạng Internet mò mẫm, tìm thị trường. Anh đến từng quán ăn, nhà hàng tại địa phương để tiếp thị sản phẩm. "Ban đầu rất khó tiếp thị, vì mình chưa được biết đến, nên các nhà hàng e ngại, thậm chí từ chối không tiếp", Sơn kể.

Sự kiên trì tiếp thị cùng với lợi thế chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý đã giúp sản phẩm của Sơn chiếm được lòng tin của khách hàng. Các loại bồ câu, gà nuôi từ trang trại của ông chủ trẻ từ đây được nhiều người biết đến.

Tạo dựng được một trang trại có quy mô, thu nhập ổn định từ khi tiếp quản, đến năm 2013, anh mạnh dạn mở rộng khu chăn nuôi, xây dựng cơ sở vệ tinh. Đến nay, anh đã mở được thêm 4 cơ sở khác ở các huyện Yên Thành; Thanh Chương (Nghệ An); Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Hoằng Hóa (Thanh Hóa), với diện tích lên đến hàng chục ha.

Tại những cơ sở vệ tinh này, Sơn không trực tiếp chăn nuôi mà chỉ cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, hệ thống chuồng trại của ông chủ trẻ này đang nuôi hơn 4.000 con chim bồ câu sinh sản, gần 10.000 con gà.

Mỗi ngày, trang trại xuất ra thị trường 500 kg gà thịt, 2.500 quả trứng. Riêng bồ câu, anh bán theo nhu cầu. Giá bán tại trang trại hiện nay là 150.000 đồng mỗi cặp bồ câu non. Bồ câu giống có giá 270.000-300.000 đồng một cặp, gà cỏ 110.000-120.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí, Sơn có lãi gần 100 triệu đồng.

“Điều quan trọng nhất trong chăn nuôi là chọn con giống và tìm đầu ra. Không sợ khó khăn thì việc làm giàu trên quê hương sẽ không khó”, Sơn khẳng định.

Năm 2014, Trần Thanh Sơn thành lập Công ty TNHH với vốn điều lệ công ty hơn 1 tỷ đồng, do anh làm giám đốc. Hiện tại, ngoài kinh doanh, anh còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi bồ câu cho hơn 100 hộ dân trong vùng. Trang trại của chàng trai 26 tuổi trở thành địa chỉ tham quan học hỏi kinh nghiệm của thanh niên, nông dân ngoài tỉnh.

“Mục đích của tôi là mang lại giá trị dinh dưỡng từ thực phẩm sạch cung cấp trực tiếp từ trang trại đến tận tay khách hàng. Tôi cũng đang hướng đến thị trường là các trường học ở địa phương, để phục vụ học sinh”, Sơn cho biết.

(Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem