Tuyệt kỹ tranh khói và những Marilyn Monroe, Mona Lisa... của lão nông Đồng Nai

Minh Hậu (Dòng Đời) Thứ sáu, ngày 12/09/2014 06:46 AM (GMT+7)
Vừa đưa tay thoăn thoắt trên bức tranh còn dang dở, ông Sự vừa cho hay, tranh khói được tạo nên theo phương thức riêng biệt. Dụng cụ để vẽ không phải là bút chì hay màu mực mà chỉ là một cây kim nhọn, một lưỡi dao nhỏ, một viên đá mài.
Bình luận 0

Sau khi khuôn tranh được hun khói, người họa sĩ sẽ dùng cây kim để phác họa những đường nét ban đầu rồi dùng dao nhỏ cạo đi từng lớp khói bám trên khuôn để tạo thành hình ảnh với hai màu đen trắng.

Theo ông Sự, chính vì hình thành đường nét trên tranh bằng hình thức khắc, cạo nên người vẽ cần có sự tỉ mẩn và chắc chắn nét vẽ đến 100%. Phác họa sai sẽ không thể tẩy xóa vì nét khắc ăn sâu vào nền bức tranh, làm tranh hư hỏng. 

img

Nông dân Vũ Quốc Sự bên bức họa chân dung minh tinh màn bạc Marilyn Monroe (ảnh trái) bằng khói trên chất liệu mica.

Họa sĩ Vũ Quốc Sự bật mí: “Tranh khói vẽ theo phương thức cạo trắng khuôn tranh nên rất khó trong việc tạo đường nét, mảng khối, đặc biệt là khâu tạo chiều sâu cho tranh. Trên nền đen của khói và màu trắng thân tre, người vẽ phải biết chi tiết nào nên cạo nông, chi tiết nào nên cạo sâu để cho ra những mảng màu riêng biệt. Cách tạo hình này hoàn toàn trái ngược với cách vẽ tranh trên giấy mà đặc biệt là cách vẽ tranh truyền thần.

Cũng chính cách vẽ khác biệt này nên tôi đặt tên cho thể loại tranh này là tranh khói mặc”. Ông Sự cho biết thêm, tranh khói của ông sống động đến nỗi nhiều người xem đã lầm tưởng bức tranh được vẽ bằng mực, màu. Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến các công đoạn sáng tác thì mới hiểu và thán phục mọi người.

Không dừng lại ở việc vẽ tranh khói trên tre, nông dân Vũ Quốc Sự còn tìm tòi, sáng tác trên các chất liệu khác như mica, thủy tinh, nhựa và bước đầu cho kết quả khả quan. Ông cho biết, mica và thủy tinh cũng được gác lên bếp để hun khói. Khi khói bám kín bề mặt, ông sẽ bắt đầu công đoạn sáng tác.

Tuy nhiên, mica và thủy tinh đều hay bị biến dạng, bị bể vỡ do nhiệt độ khói bếp nên rất khó trong quá trình hun khói. Thông thường một khổ tranh bằng tre, nứa hun khói trong 3 tháng nhưng mica và thủy tinh thì phải hun khói từ 4 đến 5 tháng mới đạt yêu cầu. Trong quá trình cạo tranh, nếu bất cẩn, khổ tranh cũng sẽ bị vỡ.

Nông dân Vũ Quốc Sự chia sẻ, tranh khói không chỉ là nghệ thuật tranh mới mà nó còn mang theo văn hóa của dân tộc. Tranh khói bếp sẽ gợi cho người xem nhớ tới hình ảnh làng quê Việt Nam, gợi nhớ những căn bếp nhỏ luôn đỏ lửa tràn ngập sự ấm áp cuộc sống gia đình. Để tranh khói được “nở rộ”, ngoài việc vẽ trên chất liệu tre, mica, thủy tinh thì người nghệ sĩ chân đất Vũ Quốc Sự đang hướng đến vẽ tranh khói trên vỏ quả bầu khô.

Ông cho rằng, quả bầu là một trong những loại quả thân thuộc đối với nông dân nói riêng và người Việt Nam nói chung. Đó cũng là “linh hồn” văn hóa người Việt nên sử dụng vỏ quả bầu vào làm tranh khói sẽ góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật.

Bán chục triệu đồng mỗi bức tranh


Sau gần 7 năm sáng tác tranh khói, nông dân Vũ Quốc Sự đã cho ra đời gần 100 bức tranh bao gồm các thể loại chân dung, phong cảnh, tranh động vật…  Đến nay, nghệ thuật tranh khói của nông dân Sự không chỉ “cất tiếng vang” trong nước mà còn “lan truyền” ra nước ngoài. Cũng chính vì lý do đó mà ông luôn tất bật, bận rộn để cho ra đời những sáng tác để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

“Tranh khói nhận được rất nhiều sự ưu ái. Chính vì nhu cầu đặt tranh cao nên tôi đành dành hẳn gian bếp nhà mình để hun khói khuôn tranh. Bây giờ có khi phải thức sáng đêm để vẽ tranh mới có thể đáp ứng kịp cho khách hàng. Nhiều bức phải làm liên tục trong vòng 3 tháng mới hoàn thành” - Vũ Quốc Sự chia sẻ.

img

Bức tranh “Nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa” từng được ông Sự bán cho một khách chơi ở TP. Hồ Chí Minh với giá 80 triệu đồng.

Mỗi bức tranh khói do ông làm ra thể hiện được sự độc đáo, sáng tạo nên được giới chơi tranh mến mộ. Mỗi bức tranh khói của nông dân Vũ Quốc Sự luôn có giá không dưới 20 triệu đồng.

Hướng chúng tôi về bức tranh vẽ chân dung nữ minh tinh màn bạc Marilyn Monroe bằng khói trên chất liệu mica, ông Sự cho biết: “Bức tranh này từng có người trả giá 1.000 USD (tương đương khoảng 21 triệu đồng) nhưng tôi chưa bán. Năm 2012, sau khi vẽ xong bức “Nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa” bằng khói trên tre, một vị khách ở TP. Hồ Chí Minh đã tìm về mua với giá 80 triệu đồng. Số tranh khác có giá từ 20 - 40 triệu đồng đã được tôi bán thì đếm không xuể”.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem