"Vua rừng đất Bắc" yêu rừng xanh đến… trọc đầu

VĂN PHÚC HẬU Thứ năm, ngày 20/11/2014 09:35 AM (GMT+7)
Tôi đã định tránh từ “vua” nhưng cuối cùng vẫn phải dùng câu “vua rừng đất Bắc” để nói về Hiền “trọc”. Bởi anh là người đang sở hữu tới hơn 100ha rừng ở huyện Yên Bình, Yên Bái, bên cạnh lòng hồ Thác Bà, và được coi là người có diện tích rừng lớn nhất ở miền Bắc.
Bình luận 0

Làm “kinh tế liều”

Tôi tình cờ gặp lại Lê Mai Hiền sau đúng 10 năm trong một lần đi Lào Cai về và dừng chân ở Làng Đát gần TP.Yên Bái. Tôi nhớ, năm 2004 từ đường 70, tôi theo Hiền đi sâu vào rừng, ra tới tận sát mép hồ Thác Bà. Vậy mà sau đó tôi đã đánh mất số điện thoại của Hiền. Niềm vui lóe lên khi bà chủ một nhà hàng nói: “Bây giờ Hiền “trọc làm ăn lớn và giàu có lắm rồi” sau đó đưa luôn cho tôi số điện thoại của anh.

img

Lê Mai Hiền kiêu hãnh giới thiệu cánh rừng rộng tới 100ha của mình tại huyện Yên Bình, Yên Bái.

Tôi vào nhà, Hiền vẫn đang ở tít trong rừng để đưa rau thịt cho thợ xẻ, các anh chị em, bà con mà anh thuê vào dọn cỏ, trồng rừng… Dưới gầm nhà sàn, một con xe hơi 4 chỗ sáng bóng đậu chễm chệ. Quả là khác thật.

10 năm trước, tôi gặp Lê Mai Hiền để viết bài về một đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi. Lúc đó, Hiền còn đang là Bí thư chi đoàn. Nói là một gương làm kinh tế giỏi nhưng tất cả mới chỉ bắt đầu. Vì theo lời Hiền kể thì năm 2002 anh mới bắt tay trồng rừng. Lúc đó, vẫn chỉ có thể gọi là “làm kinh tế liều” khi anh bỏ mặc tất cả lời can của các thành viên gia đình, bạn bè để lao vào mua lại hàng chục hécta rừng của bà con trong vùng với giấc mơ sẽ được đổi đời từ rừng, chứ đã làm gì có nguồn thu nào.

Bỗng nhiên sở hữu cả một cánh rừng với 17 quả đồi và núi chạy dọc từ đường 70 Yên Bái, Lào Cai ra tận lòng hồ Thác Bà, không chỉ phải đi vay tiền mua cây giống rồi thuê máy móc san gạt, mà Hiền còn phải ngày ngày thuê bà con vào dọn nương phát cỏ, đào ao đắp đập, mở đường… Đó thực sự là một cuộc chơi mạo hiểm mà nếu không có quyết tâm cao thì sao có thể làm nổi.

Hiền cũng kể, trong vòng 2-3 năm đầu chẳng có nguồn thu nào ngoài trông đợi 2-3 cái ao cá dưới khe, 1-2 con trâu. Cứ kiếm được xu nào lại lo đem trả nợ. Vì vậy vợ Hiền phải trở ra thuê một cái lán gỗ cũ ở ngoài mặt Quốc lộ 70 để làm máy khâu, để có chút thu nhập ngắn ngày nuôi cả gia đình, để tạo điều kiện cho anh nuôi giấc mộng trồng rừng.

Hồi đó, Hiền là một thanh niên cao gầy, da lúc nào cũng đen cháy vì nắng gió, mặt mày hốc hác vì vất vả. Vợ anh cũng gầy gò queo quắt, từ sáng tới chiều dán mặt vào chiếc máy khâu cũ kỹ để lo bươn chải. Hiền mặc chiếc áo bay đất lấm mồ hôi, chở tôi vào rừng bằng một con xe máy cà tàng, cứ đi một đoạn lại phải xuống té nước suối làm mát máy. Gần như đêm ngày Hiền bám trụ lại rừng. Ăn ngủ với rừng. Dẫn tôi leo lên các ngọn đồi nhưng tay lúc nào cũng cầm sẵn cái quắm, gặp cỏ là phạt để mở đường. Tuy nhiên đứng giữa những cánh rừng mà mắt nhìn không hết tầm, lúc ấy tôi đã tin rằng, rồi đây tất cả sẽ khác, Hiền sẽ đổi đời từ tình yêu rừng của anh.

Tất cả trên anh vẫn không thay đổi, vẫn cái phong thái một anh nông dân trồng rừng lam lũ, chỉ có một sự thay đổi rõ rệt đó là tóc của Hiền đã “bay” mất hàng mảng. Hóa ra, cái từ Hiền “trọc” là thế chứ 10 năm trước, anh chưa có biệt danh này. Lúc đó, người ta vẫn gọi anh bằng cái tên khai sinh là Lê Mai Hiền – cái tên mà khi nghe cán bộ tỉnh Yên Bái giới thiệu, tôi cứ nghĩ là một cô gái. Khi tôi hỏi về chuyện sao tóc rụng sạch, Hiền xoa xoa bàn tay lên đầu như một thói quen, bảo: “Sau một thời gian trồng rừng, tôi bị bệnh và tóc rụng sạch. Trước còn gần như trọc lóc, hói trụi chỉ còn vài chỏm lơ thơ nên tôi cạo luôn cho nhẵn”.

Hái quả ngọt

Bên chén nước, anh kể lại những chuyện cũ và chuyện mới: “Tôi đeo đuổi trồng rừng bắt đầu từ năm 2000. Ban đầu chỉ vài héc-ta do bố mẹ tôi từ Hà Nam lên khai hoang để lại. Tới năm 2001 -2002, bà con ở đây có phong trào trồng cà phê nhưng chỉ được một mùa thì cà phê thi nhau chết, bà con thua lỗ chán nản nên thi nhau bán đất rừng hoặc bỏ hoang cho cỏ dại. Lúc đó tôi nghĩ nếu bỏ hoang rừng, để đồi trọc thì quá lãng phí và cũng sẵn tinh thần đoàn thanh niên, tôi xung phong đứng ra “làm mẫu” cho các đoàn viên. Thế là tôi đi vay tiền bà con họ hàng để mua gom lại tất cả được chừng 50ha rừng. Cũng may lúc đó giá còn khá rẻ. Khi ôm cả một tập bản đồ đất trong tay, tôi đau đầu lắm, không biết nên đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì để còn trả nợ tiền vay mượn. Vợ tôi thì coi đó là quyết định liều, còn bảo anh thích đánh bạc với giời thì đánh, còn em thì phải dựa vào cửa hiệu may cho chắc. Sau đó, tôi nhận định thị trường gỗ xây dựng sẽ phát triển, gỗ dăm xuất khẩu cũng ngày càng có giá trị, bét cũng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy ở Phú Thọ… Thế là tôi quyết định trồng các cây gỗ công nghiệp như keo, bồ đề, mỡ… Nói vậy chứ cũng phải 5-7 năm mới có thể thu. Nên trên thì tôi thuê bà con trồng rừng lâu năm, còn dưới thì nuôi trâu, thả cá, trồng lúa nương… để có khoản thu ngắn ngày”. Tuy nhiên khi bắt tay, Hiền “trọc” cũng nghĩ nếu chỉ trồng keo, mỡ, bạch đàn sẽ không giá trị bằng cây trẩu vì giá bán cao hơn, độ che phủ rộng, lợi đất. Ngoài sử dụng làm gỗ xây dựng có thể bóc để xuất khẩu. Và anh dồn tất cả vốn liếng vào 30ha chuyên trồng trẩu, còn lại 10ha trồng mỡ để bán gỗ cho dân làm nhà cửa. Còn lại trồng keo kiểu “mì ăn liền”…

img 

Đến năm 2004, gỗ rừng lớn dần và thị trường đầy triển vọng, Hiền “trọc” tiếp tục gom tất cả tiền trong nhà và các lời lãi “ôm” nốt 50ha rừng ở xung quanh, nơi bà con không còn thiết tha với rừng và “mời” anh mua lại, để phủ xanh bằng cây rừng. Lúc đó, gỗ rừng trồng cũng đã có thể tỉa được, anh nhảy lên một bước nữa, tiếp tục vay thêm vốn liếng ngân hàng mở xưởng chế biến gỗ. Khai thác cả “gốc” lẫn “ngọn” – kinh tế của gia đình Hiền “trọc” bắt đầu khấm khá dần lên. Uy tín của anh cũng tăng lên trong mắt vợ. Tới năm 2007, Hiền “trọc” còn mua sắm thêm được chiếc xe tải để chở gỗ nguyên liệu về tận Hòa Bình, Hà Nội, Phú Thọ… để tiêu thụ. Cũng vào khoảng năm 2008-2010 thị trường xây dựng sôi động nên rừng của anh “đẻ” ra vàng thực sự.

Nhấp một ngụm trà nóng, tôi hỏi về tình hình kinh tế từ nghề trồng rừng thế nào – như một thói quen tò mò. Hiền “trọc” không trả lời câu hỏi đó, nhưng rất tự tin bảo: “Từ năm 2007 đến nay, năm nào tôi cũng đóng góp đáng kể cho các hoạt động của địa phương và ngân sách nhà nước. Năm đầu sau khi thành lập công ty là 70 triệu đồng, năm 2008 là 130 triệu đồng, còn từ năm 2009 đến nay, mỗi năm trên 200 triệu đồng”. Ngoài ra, Lê Mai Hiền cho biết cũng liên tục tài trợ bằng tiền hoặc vật liệu cho các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây trường học, tài trợ cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ xây dựng trạm y tế xã và tham gia hàng loạt chương trình khác… như một doanh nhân thực sự. Tất cả đều từ rừng đem lại. Cả cuộc đời Hiền “trọc” chỉ biết có trồng rừng và bán gỗ rừng trồng từ việc làm hồi sinh hơn 100ha đồi núi chết ở cạnh lòng hồ Thủy điện Thác Bà.

Như để ôn lại kỷ niệm, Hiền “trọc” lại muốn mời tôi vào rừng để tham quan 17 quả đồi của anh. Đường đi bây giờ có dễ hơn trước một chút do anh dày công cải tạo. Do quỹ đất lớn và liên tục trồng gối vụ nên hầu như lúc nào rừng của anh cũng có gỗ để khai thác. Trên các quả đồi, có thời điểm lượng công nhân của Hiền “trọc” lên tới hơn 100 người. Chỗ khai thác gỗ, nơi hạ trồng lứa cây mới, hoặc phát cây dọn cỏ. Những cái lán trại cũng được xây khang trang hơn để có chỗ cho anh em công nhân, thợ thuyền ở. Lê Mai Hiền kể: “Từ năm 2009 đến nay có rất đông đoàn tham quan từ các nơi về đây học tập mô hình trồng rừng của tôi. Tôi sẵn sàng tham gia và chia sẻ mọi kinh nghiệm cho bà con”.

Nuôi mộng mở sới chọi trâu

Từ rừng trở ra Quốc lộ 70, Hiền “trọc” có nhã ý mời tôi ở lại ăn bữa cơm trưa tại nhà hàng của em trai cách đó 1km và trước khi ăn, muốn cho tôi xem một kế hoạch khác của anh. Đó là “dự án phục hồi” lại phong trào nuôi trâu và lễ hội chọi trâu Yên Bái.

Theo lời Hiền “trọc” thì huyện Yên Bình từ xưa đã nổi tiếng với nghề nuôi trâu. Trâu ở Yên Bình, Lục Yên cũng là nguồn cung cấp giống trâu chọi cho các sới lớn ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hàm Yên (Tuyên Quang)… Vì vậy, anh cũng muốn đầu tư phục hồi lại nghề nuôi trâu đã dần mai một, đặc biệt là lễ hội chọi trâu Tân Nguyên. Ngoài ra, do giá trị mỗi con trâu hiện nay rất cao nên việc phục hồi nuôi trâu cũng là nguồn thu khá cho bà con vùng cao Yên Bái.

Bản thân Hiền trọc cũng là người đam mê các trò chơi dân gian và lễ hội. Ở đâu có lễ hội chọi trâu Hiền “trọc” cũng mò mẫm tới xem. Ý nghĩ tại sao Yên Bái không thể có một lễ hội như vậy nảy lên trong đầu Hiền “trọc”. Nghĩ là làm. Từ năm 2010 đến nay, anh đi các xã vận động bà con nuôi trâu và để khuyến khích bà con, anh đã xin phép chính quyền xã Tân Nguyên và UBND huyện Yên Bình cho mở một sới chọi trâu ngay tại xã Tân Nguyên, cách nhà anh chỉ vài trăm mét. Ban đầu, anh đầu tư khoảng 300 triệu đồng để làm sới chọi. Rồi tự bỏ tiền túi ra làm giải để trao cho các chủ trâu tham dự. Giải Nhất 30-40 triệu đồng tùy năm.

Khi chở tôi đi tham quan sới chọi trâu, Hiền “trọc” cho biết đang đầu tư thêm khoảng 2,4 tỷ đồng để mở rộng quy mô sới bãi, và từ năm 2010 đến nay hầu như năm nào cũng mở được 1-2 lễ hội chọi trâu hoành tráng. Thực sự, đây là một dự án có quy mô “hàng tỉnh” nhưng lại hoàn toàn do một cá nhân là Lê Mai Hiền thực hiện, cũng hoàn toàn bỏ tiền túi làm, không xin xỏ ai, cũng không đợi tài trợ từ nhà nước. “Làm vì thích thôi”- Hiền “trọc” bảo vậy khi tôi hỏi. Tôi tin điều này vì lúc sáng, khi nhắc đến cái tên Lê Mai Hiền, anh xe ôm quay lại bảo: “Hắn mê thể thao lắm đó. Lễ hội nào cũng tham gia, từ kéo co, đánh trống đồng tới lễ hội vật và gần như đều đoạt giải”.

   Hiền “trọc” cho biết, giờ đã hết tuổi đoàn nên anh tham gia vào Hội Nông dân và gần đây đã được bầu làm đại biểu HĐND và Ủy viên MTTQ huyện Yên Bình, Yên Bái. Điều làm tôi bất ngờ hơn là năm 2013, anh đã được Hội Nông dân Việt Nam xét tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi”. Trước đó vào năm 2010, anh đã được trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích sản xuất kinh doanh trồng rừng. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem