Chạy đua “mùa” ôn thi tốt nghiệp

Thứ năm, ngày 07/04/2011 13:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Còn gần hai tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT mới bắt đầu, nhưng ngay từ đầu tháng 4, nhiều trường đã “chạy đua” cho học sinh thi thử.
Bình luận 0

Thi thử là chiêu truyền thống của rất nhiều trường dành cho khối lớp 12 để rèn cho các cô tú, cậu tú tương lai, theo đúng phương thức “văn ôn, võ luyện”. Tuy nhiên, ngay tại Hà Nội, số lượng các buổi “thi thử” diễn ra dày đặc tới mức chúng tôi xem mà… choáng.

Học sinh cuối cấp Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) đã quá quen với việc cứ chiều ngày thứ tư cuối cùng của tháng là nghiên bút đi thi. Ngay từ đầu năm học, hoạt động này đã được tiến hành đều đặn mỗi tháng.

Bà Đoàn Thị Đức Hạnh - Hiệu phó nhà trường cho biết, việc thi thử được nhà trường tổ chức rất bài bản, như thi thật, cũng “trộn” học sinh toàn khối, đánh số báo danh theo thứ tự ABC, học sinh ngồi cách xa nhau như quy định, bài thi được rọc phách để chấm.

Buổi chào cờ thứ Hai đầu tháng sẽ là buổi tuyên dương những học sinh điểm cao và phê bình những em điểm thấp. Cách làm này dẫu được nhà trường đánh giá là “cách rất hiệu quả để đôn đốc việc học, ôn tập của các em” nhưng cũng khiến học sinh oải vì quá tải.

Không có tần suất thi thử dày đặc như Trường Quang Trung nhưng học sinh Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cũng trải qua tới 3 lần thi thử trước khi bước vào kỳ thi thật. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm, thi thử giúp học trò luyện kỹ năng làm bài, làm quen với yếu tố tâm lý khi vào phòng thi.

Đây cũng là lý do thi thử được hầu hết các trường THPT trên cả nước áp dụng cho học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là giúp học sinh có tâm lý bình tĩnh khi vào phòng thi thì cũng đặt áp lực cho các em.

Trần Khánh Linh - học sinh lớp 12 Trường THPT Bắc Kiến Xương (Kiến Xương, Thái Bình) cho hay, vừa học bài trên lớp, vừa chuẩn bị các kỳ thi, trong đó có thi thử và ôn thi đại học nên mỗi ngày của em thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, ôn lại bài một chút để 6 giờ khởi hành đạp xe 8 cây số đến trường và kết thúc một ngày miệt mài vào 1 giờ sáng, khi đống bài vở chất ngất đã được giải quyết xong.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, với cách học như vậy sẽ không khuyến khích được sự sáng tạo và học sinh dễ sa vào học vẹt. Vì vậy, quan trọng nhất là phải có cách ôn thi hiệu quả, giúp các em vừa học vừa tham gia các hoạt động thể chất, xã hội để các em thực sự tự tin khi thi cử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem