Chia sẻ rủi ro với ngư dân

Thứ sáu, ngày 11/06/2010 09:57 AM (GMT+7)
(NTNN)- Đó là nhận định của ông Lê Trần Nguyên Hùng - Trưởng phòng Quản lý khai thác thuỷ sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Bộ NN&PTNT về ý tưởng thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân.
Bình luận 0
img
Quỹ hỗ trợ nếu được thành lập sẽ góp phần chia sẻ những rủi ro mà ngư dân gặp phải trong quá trình hành nghề.T.L

Vừa qua, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi có đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Thực tế Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chưa hề nhận được văn bản nào từ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi về việc đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân. Theo tôi được biết đây chỉ mới là ý tưởng. Tuy nhiên tôi nhận thấy việc thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân là đề xuất hay và cần thiết, đó cũng là mong muốn thiết thực của bà con ngư dân. Bởi nhẽ nghề khai thác hải sản là một trong những nghề gặp nhiều rủi ro nhất (như bão, lốc, tai nạn...). Những rủi ro ấy sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn về kinh tế. Nếu có quỹ nào đó với mục đích hỗ trợ phần nào thiệt hại của ngư dân thì quá tốt.

Theo ông đây có phải là mô hình hay và cần nhân rộng?

- Hiện nay, ở T.Ư cũng đang có Quỹ Nhân đạo nghề cá nhằm hỗ trợ cho ngư dân khi gặp rủi ro, thiên tai trên biển, tất nhiên quỹ này chưa đáp ứng được nguyện vọng của bà con. Ý tưởng thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân là rất hay. Nước ta có 28 tỉnh ven biển, khoảng 19.000 tàu khai thác hải sản xa bờ. Các tỉnh miền Trung hoạt động khai thác đánh bắt hải sản rất mạnh mẽ nên ngư dân ở các địa phương đó sẽ có thêm niềm tin thêm động lực để ra khơi khi có điểm tựa phía sau. Nếu ở mỗi tỉnh có một quỹ hỗ trợ thì đó là điểm tựa vững chắc cho ngư dân.

img Việc thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân là đề xuất hay và cần thiết, đó cũng là mong muốn thiết thực của ngư dân. img

Ông Lê Trần Nguyên Hùng

Quỹ Hỗ trợ ngư dân có nên kết nối hoặc liên thông giữa các địa phương?

- Vấn đề kết nối thực ra không quan trọng bằng việc khi ngư dân gặp thiên tai, rủi ro, thì quỹ này sẽ hỗ trợ cho ngư dân như thế nào. Thực tế, khi ngư dân gặp nạn, không chỉ có quỹ này đến hỗ trợ họ mà còn rất nhiều quỹ khác cũng hỗ trợ như Quỹ Nhân đạo nghề cá, Hội Chữ thập đỏ... tức là huy động quỹ của toàn xã hội. Thiết nghĩ nhà nước nên phát triển Quỹ Nhân đạo nghề cá lên để nó thật sự đủ tiềm lực nhằm hỗ trợ ngư dân được nhiều hơn và bổ sung một số nội dung mới.

Nhiều địa phương ven biển rất hào hứng với việc thành lập quỹ, tuy nhiên họ đang băn khoăn về nguồn kinh phí. Theo ông vấn đề kinh phí nên huy động từ những nguồn nào?

- Một trong những nguyên nhân khiến Quỹ Nhân đạo nghề cá chưa có sức lan toả là vì đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp cũng như việc huy động các thành phần khác tham gia đóng góp vào quỹ chưa được dồi dào. Quỹ Hỗ trợ ngư dân ngoài nguồn ngân sách của tỉnh trích ra thì nên huy động sự đóng góp của các tổ chức cá nhân tự nguyện, ngư dân cũng nên đóng góp một phần nào dù rất nhỏ thôi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác chế biến xuất khẩu thuỷ sản đóng trên địa bàn cũng nên tham gia đóng góp cho quỹ bởi họ cũng cùng với ngư dân tạo nên chuỗi sản phẩm để cung cấp ra thị trường. Khi đã cùng chia sẻ quyền lợi thì không cớ gì không cùng chia sẻ rủi ro để tạo nên tính bền vững cho nghề cá. Nếu làm được như vậy thì Quỹ Hỗ trợ ngư dân sẽ ổn định và phát triển hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng quỹ nên hỗ trợ ngư dân cả về vốn vay ưu đãi để đóng tàu vươn khơi, hỗ trợ dịch vụ bảo hiểm, trang thiết bị liên lạc... Ông nghĩ sao?

- Theo tôi quỹ nên tập trung hỗ trợ rủi ro khi gặp thiên tai, tai nạn trên biển, thiệt hại về người hay phương tiện... như vậy sẽ đúng và phù hợp hơn. Còn nếu nói quỹ sẽ hỗ trợ vốn vay ưu đãi, dịch vụ bảo hiểm, trang thiết bị liên lạc thì tôi e rằng hơi xa vời. Những cái đó nên để nhà nước đưa ra những chính sách riêng cho ngư dân.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem