Chiến thắng 30.4 để lại bài học lớn cho mọi thời đại

Thanh Xuân Thứ hai, ngày 30/04/2018 06:47 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an khi trao đổi với NTNN về chiến thắng lịch sử 30.4 hào hùng của dân tộc.
Bình luận 0

Thưa ông, là người đã từng trải qua, chứng kiến những ngày tháng hào hùng của dân tộc cách đây 43 năm, trong những ngày kỷ niệm chiến thắng 30.4 lịch sử này, ông có cảm xúc như thế nào?

- Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều người Việt Nam đã trải qua những ngày tháng lịch sử hào hùng ấy của dân tộc bao giờ cũng hồi hộp vào mỗi dịp này và luôn có những hồi tưởng lại chiến thắng oanh liệt của dân tộc. Mặc dù là chiến thắng của cả dân tộc nhưng trong mỗi người lại mang những ký ức, dấu ấn riêng, nhưng tôi nghĩ ai trải qua giai đoạn ấy cũng đều có cảm giác chung là vui mừng hồi hộp mỗi khi nhớ lại ngày tháng cực kỳ gian khổ, nhưng cũng đầy hào hùng và oanh liệt của dân tộc. Dù trực tiếp hay không trực tiếp ở chiến trường thì mỗi người dân Việt Nam đã trải qua giai đoạn này cũng có những tự hào rất lớn. Bởi đây chính là chiến thắng lịch sử, củng cố lòng tự hào với mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam.

img

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an

Theo ông, chiến thắng này giúp cho Đảng ta có những bài học gì trong công tác đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và công tác lãnh đạo thời kỳ hiện nay?

- Cho đến nay, bài học chiến thắng lịch sử 30.4 và cuộc kháng chiến 1975 đã có hàng trăm cuốn sách và hàng nghìn bài viết cả trong và ngoài nước của nhiều tác giả khác nhau. Với tư cách là người nghiên cứu và cũng là người đã được trải qua nhiều giai đoạn hào hùng của dân tộc, trong đó có chiến thắng 30.4.1975, tôi chỉ muốn nhấn mạnh là tại sao chúng ta có được chiến thắng, điều đó nhắc nhở chúng ta những gì cho phát triển đất nước hiện nay?

Thực tế, đối thủ của chúng ta thời điểm ấy lớn hơn mình gấp nhiều lần. Dù xét ở góc độ nào, cả về tiềm lực quân sự, tiềm lực kinh tế rõ ràng đối thủ đều hơn mình hàng trăm lần, đỉnh cao của Mỹ khi đó chiếm tới 30% GDP toàn cầu. Trong khi, thời điểm đó chúng ta chẳng có gì về kinh tế trên bản đồ của thế giới.

img

 Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975.  TƯ LIỆU

 Muốn rửa “nỗi nhục” trong thời đại này, bài học vẫn còn nguyên giá trị chính là phải khơi dậy được sức mạnh đoàn kết dân tộc. Muốn khơi dậy tinh thần đoàn kết thời đại ngày nay khó hơn thời kỳ giành độc lập rất nhiều. Bởi giai đoạn giành độc lập kẻ thù “hiện nguyên hình” trong khi kẻ thù của thời đại ngày nay lại không rõ. Đặc biệt, nạn tham nhũng, tha hóa trong Nghị quyết 11, 12 đã được chỉ ra rất rõ của một bộ phận cán bộ đảng viên, làm suy yếu sức mạnh dân tộc.

Tuy nhiên, chúng ta có sức mạnh của cả dân tộc đoàn kết, trên dưới một lòng. Như  Trần Hưng Đạo nói với Vua Quang Trung trước khi lâm chung “Kế sách trăm năm giữ nước là vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận”. Khi đó sức mạnh đoàn kết, triệu người như một nên chúng ta đã thắng kẻ thù là vì tinh thần đoàn kết đã nhân lên sức mạnh khủng khiếp, từ người già, phụ nữ, trẻ nhỏ... đều sẵn sàng tham gia đóng góp cho cuộc chiến đấu tranh của cả dân tộc vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

Theo ông, nguyên nhân chính mà chúng ta có thể huy động được sức mạnh của cả dân tộc khi đó là gì?

- Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là áp lực kẻ thù nước ngoài đè nặng nên buộc tất cả mọi người đều đồng lòng hy sinh tất cả giành độc lập cho dân tộc. Ngoài ra, thời điểm đó, Đảng lãnh đạo cũng đã khơi dậy được ngọn lửa bất khuất sau 2.000 năm chống ngoại xâm, ngọn lửa truyền thống của dân tộc luôn âm ỉ không bao giờ tắt ấy đã được thổi bùng, tạo sức mạnh đoàn kết chiến thắng kẻ địch khổng lồ.

Có thể nói, “ngọn lửa” bất khuất của dân tộc không bao giờ tắt nhưng điều quan trọng là nó được thắp sáng lên vào đúng thời điểm quan trọng cũng nhờ một phần lớn vào Đảng và từng cán bộ chiến sĩ đảng viên các cấp. Thời kỳ đó, rất nhiều các cấp lãnh đạo đã gương mẫu hy sinh, sẵn sàng ra chiến trường và tình nguyện cho con em mình ra chiến trường …trong đó có nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, từ đó đã thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống yêu nước của dân tộc. Có thể nói, truyền thống yêu nước được lãnh đạo Đảng, Nhà nước thắp sáng lên, tạo sức mạnh dân tộc, vượt qua thách thức khó khăn, chiến thắng kẻ thù lớn hơn ta gấp hàng trăm lần.

Vậy còn bài học hôm nay, theo ông chúng ta có thể áp dụng bài học chiến thắng của lịch sử như thế nào?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Đánh đuổi xâm lược, giành lại độc lập xong phải xây dựng đất nước giàu mạnh”. Tuy nhiên, dù chúng ta đã giành lại độc lập gần 40 năm nay rồi nhưng công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta tuy có nhiều thành tựu lớn nhưng nếu so sánh với các nước bạn bè thì chúng ta vẫn còn thua kém hơn rất nhiều. Ngay ở trong khu vực Đông Nam Á chúng ta cũng còn thua kém hơn các nước Malaysia, Thái Lan.

img

Trong thời đại này, bài học vẫn còn nguyên giá trị chính là phải khơi dậy được sức mạnh đoàn kết dân tộc. Muốn khơi dậy tinh thần đoàn kết thời đại ngày nay khó hơn thời kỳ giành độc lập rất nhiều. Bởi giai đoạn giành độc lập kẻ thù “hiện nguyên hình” trong khi kẻ thù của thời đại ngày nay lại không rõ. Đặc biệt, nạn tham nhũng, tha hóa trong Nghị quyết 11, 12 đã được chỉ ra rất rõ của một bộ phận cán bộ đảng viên, làm suy yếu sức mạnh dân tộc. Trong nhục mất nước, chúng ta khơi dậy truyền thống bất khuất, giờ muốn rửa cái nhục trong yếu hèn, muốn không “thua chị, kém em” thì Đảng phải một lần nữa tiếp tục khơi dậy lòng quật khởi của cả dân tộc.

Để khơi dậy được lòng quật khởi của cả dân tộc trong thời kỳ mới, xây dựng đất nước giàu mạnh như ông vừa nói, chúng ta cần có giải pháp gì?

- Tôi cho rằng, quan trọng nhất là Đảng ta phải thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, trong đó đã nêu rất rõ các mục tiêu, giải pháp... tôi không nhắc lại. Từ đó, hướng tới xây dựng một bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả, vì dân. Nếu có được một bộ máy như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục khơi dậy được lòng quật khởi lần thứ 2 của cả dân tộc.

Một bài học thứ 2 là, trong bối cảnh chiến thắng lịch sử 30.4.1975, những bạn bè lớn quốc tế bị chia rẽ sâu sắc, Liên Xô và Trung Quốc khi đó xem nhau là kẻ thù mà chúng ta vẫn vận động được sự giúp đỡ của cả Liên Xô và Trung Quốc. Đó là bài học quý giá của chúng ta về quan hệ với các nước trên trường quốc tế.

Trong thời kỳ hiện nay, tình hình thế giới hết sức phức tạp và khó lường, có tính bất định, các cường quốc luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Do đó, đòi hỏi lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cần hết sức tỉnh táo, khôn khéo, sáng suốt, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế... chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được đất nước giàu mạnh và không một thế lực nào xâm lược, đe dọa được chúng ta.

Thực tiễn cho thấy, công tác đấu tranh chống tham nhũng, trực tiếp là Tổng Bí thư với tuyên bố không có vùng cấm, “lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”. Ông có bình luận gì về những quyết liệt của Đảng trong thời gian qua?

- Có thể nói, sau Nghị quyết Đại hội XII thì khoảng 2 năm nay, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã có những thay đổi rõ rệt về chất, hàng loạt các vụ án lớn được xử lý công khai, nghiêm minh trước pháp luật như: Vụ Formosa, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng… cùng hàng loạt vụ đã và đang tiếp tục được xử lý. Tất cả các vụ việc này chỉ diễn ra trong thời điểm Tổng Bí thư làm Trưởng ban phòng Chống tham nhũng, qua đó thể hiện quyết tâm của Bộ Chính trị mà trong đó là của đồng chí Tổng Bí thư. Mặt khác, qua đó cho thấy, giai đoạn này mang tính đột phá về chất, từ đó củng cố lòng tin của người dân với Đảng. Chính cuộc đấu tranh này đã chuyển sang giai đoạn mới, góp phần tập hợp lực lượng đoàn kết lại để rửa nhục nghèo đói, đưa nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem