"Ở cơ sở còn e ngại tố cáo tham nhũng"

Ngọc Lương (thực hiện) Thứ bảy, ngày 30/05/2015 06:53 AM (GMT+7)
"Nội bộ cơ sở là người biết rõ nhất cá nhân đó có hành vi tham nhũng, nhưng vì bệnh thành tích nên việc phát hiện tham nhũng ở cơ sở chưa cao, việc tố giác cũng chưa nhiều" - ĐBQH Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao phân tích như vậy khi trao đổi với PV NTNN ngày 29.5.
Bình luận 0

Điều 39 của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định các tội về mục đích kinh tế sau khi bị kết án tử hình mà khắc phục tốt thì thoát án tử. Dư luận băn khoăn cho rằng tội phạm tham nhũng có thể dùng tiền để thoát án tử hình, ông nghĩ gì về điều này?

- Đúng là khi thảo luận vấn đề này vẫn đang có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm theo hướng nhân đạo là người bị kết án tử hình rồi vẫn có thể xem xét để giảm án nếu được Chủ tịch nước ân giảm, hoặc nộp số tiền đã tham nhũng vào ngân sách nhà nước. Ban soạn thảo cho rằng, đối với các trường hợp tham nhũng nếu khắc phục được hậu quả thì cũng có thể xem xét. Nếu họ thực sự ăn năn hối cải, trót phạm tội rồi nhưng nghiêm túc khắc phục, nộp hết tài sản đã tham nhũng vào ngân sách thì có thể xem xét giảm mức án tử hình. Tuy nhiên, vấn đề này Quốc hội vẫn đang bàn chứ chưa phải đã quyết. Ngay trong Ban soạn thảo luật cũng còn ý kiến phân vân.

Có phải xuất phát từ việc các vụ án tham nhũng thu hồi tài sản rất thấp nên dự luật mới có đề xuất này để việc thu hồi tài sản hiệu quả hơn, thưa ông?

img
Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng vụ án Dương Chí Dũng là một vụ án hiếm hoi về xử lý hình sự tham nhũng. Ảnh: I.T
- Thực tế hiện tài sản tham nhũng thu hồi được từ các vụ án chưa nhiều. Chẳng hạn như vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, đã xác định các bị cáo tham ô 10 tỷ đồng/người, nhưng hiện khoản tiền nộp vào ngân sách chưa được bao nhiêu, trong khi tài sản của các bị cáo chỉ có tương đối. Quy định như vậy để thấy mặt trách nhiệm của các bị cáo đối với hành vi tham nhũng của mình, thái độ ăn năn của họ như thế nào, cũng nên làm căn cứ để xem xét.

Suy cho cùng, những người có hành vi tham nhũng cũng là những người có thời gian tham gia hoạt động nhiều năm, cũng có công lao, rất nhiều người có huân huy chương, bằng khen… nhưng do bị tha hóa, biến chất nên có hành vi đó. Tòa án khi xét xử cũng rất cân nhắc, băn khoăn với những loại hình tội phạm này, phải kết hợp nhiều mặt, xem xét nhiều yếu tố, cả yếu tố về nhân thân, nhưng quan trọng nhất là căn cứ trên yếu tố pháp luật, pháp luật có quy định thì mới thực hiện được.

Có ý kiến cho rằng phần công tác về phòng chống tham nhũng trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này còn mờ nhạt, ông thấy sao?

- Nói chung công tác phòng chống tham nhũng còn khó khăn nên báo cáo khó thể hiện rõ ngay được. Sau này trong quá trình thảo luận, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ giải trình thêm. Bất cứ một văn bản nào đưa ra cũng còn nhiều ý kiến phản biện, nhận xét đánh giá, có trao đổi với nhau thì sau này mới làm rõ được.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng các cơ quan tố tụng gặp trở ngại gì thưa ông?

- Thực ra vấn đề điều tra phát hiện tham nhũng là hết sức nan giải. Một trong những lý do khiến hiệu quả điều tra tham nhũng chưa cao là do bệnh thành tích. Nội bộ cơ sở là người biết rõ nhất ai có hành vi tham nhũng nhưng vì bệnh thành tích nên việc phát hiện ở cơ sở chưa cao, việc tố giác cũng chưa nhiều. Đây là những vấn đề cần khắc phục, làm sao cần phải chuyển biến nhận thức.

Xin cảm ơn ông!

Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh: Khắc phục tốt hậu quả thực ra chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ để khi xét lượng hình trong xét xử. Khi bị cáo đã bị án tuyên tử hình thì phán quyết của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm là quyết định cuối cùng, chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền xem xét ân giảm mà thôi.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem