Đề xuất bỏ quyền điều tra của trại tạm giam

Hải Phong Thứ tư, ngày 27/05/2015 11:56 AM (GMT+7)
Cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Bộ Công an về trao quyền điều tra cho lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đồng thời bỏ quyền này đối với trại tạm giam, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp.
Bình luận 0

Sáng nay, 27.5, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đọc tờ trình về dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện – thay mặt cơ quan thẩm tra dự thảo luật - đã đồng tình với một số thay đổi của dự thảo luật so với Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004.

Cụ thể, về đề nghị trao quyền điều tra cho Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Ủy ban Tư pháp đánh giá: Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được thành lập từ năm 2010 và trong thời gian qua đã trực tiếp kiểm tra, xác minh hàng nghìn vụ việc, đấu tranh và triệt phá nhiều chuyên án, đường dây tội phạm lớn.

“Nhiều quốc gia trên thế giới quy định thẩm quyền điều tra cho cơ quan đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn với loại tội phạm này. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề nghị bổ sung lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với một số tội phạm có sử dụng công nghệ cao theo quy định của Bộ luật Hình sự”, ông Nguyễn Văn Hiện khẳng định.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng đồng tình với đề xuất bỏ quyền điều tra của một số lực lượng thuộc Công an nhân dân theo đề nghị của Tờ trình, như trại tạm giam, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp để tinh gọn đầu mối. Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị không nên tiếp tục giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cục, phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

“Lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội mặc dù được giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng hầu như không thực hiện trên thực tế, nên hiệu quả hoạt động về lĩnh vực này rất thấp. Địa bàn hoạt động của cơ quan này rất gần các cơ quan điều tra chuyên trách, nên khi phát hiện được tội phạm có thể chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”, ông Hiện nhấn mạnh.

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng không cần thiết thành lập thêm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (ở cấp Bộ) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (ở cấp tỉnh). Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị sáp nhập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ.

“Tội phạm tham nhũng thường liên quan chặt chẽ với tội phạm về kinh tế và chức vụ. Việc sáp nhập hai Cục cảnh sát này đảm bảo tập trung lực lượng và phối hợp với lực lượng trinh sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra án tham nhũng, kinh tế, chức vụ”, ông Hiện phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem