Đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng và trả lời chất vấn ĐBQH

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 22/11/2017 11:31 AM (GMT+7)
“Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng hiện hành. Có cơ quan đóng dấu mật vào trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tuy nhiên trong văn bản đó không có thông tin mật. Việc đóng dấu mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về thông tin mình chất vấn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói.
Bình luận 0

img

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (ảnh VPQH).

Sáng 22.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường và cho ý kiến về dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước. ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có phát biểu rất đáng chú ý.

Theo bà Lê Thị Nga, các quy định của dự thảo Luật phải đáp ứng hai yêu cầu: Thứ nhất là đảm bảo lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thứ hai đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, của ĐBQH, của báo chí và đảm bảo hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực.

“Để đảm bảo cân đối giữa hai yêu cầu trên là khó nhưng khó nhà nước cũng phải làm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, qua thảo luận của các ĐBQH, thấy xu hướng thứ nhất cho rằng có thực trạng bí mật nhà nước bị lộ trong một số trường hợp, ngay cả trong môi trường mạng, có những văn bản mật của những cơ quan quan trọng cũng bị chụp đưa lên mạng. Điều này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của quốc gia của các cơ quan tổ chức đơn vị.

Thứ hai có tình trạng lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật, danh mục mật thì chậm rà soát sửa đổi, có những danh mục mật từ năm 2000 -2004 vẫn dùng, trong khi hệ thống liên quan đến công khai minh bạch sửa đổi nhiều. “Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng hiện hành. Có cơ quan đóng dấu vào chất vấn của ĐBQH. Tuy nhiên trong văn bản đó không có thông tin mật nhưng vẫn đóng dấu mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về thông tin mình chất vấn”, ĐB Lê Thị Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, khái niệm, phân loại, danh mục bí mật nhà nước, các điều cấm trong dự thảo luật chưa rõ ràng, minh bạch. “Các ĐB trước tôi cũng nói là cần quy định rõ ràng, khái niệm không rõ sẽ dễ tùy tiện khi áp dụng, đặc biệt các lĩnh vực quá rộng. Ngay cả trong từng lĩnh vực thì cũng không biết được cái gì là mật, không mật, ví dụ như trong giáo dục biết cái gì là mật, không mật, về mức nguy hại cũng phải cân nhắc”, ĐB Lê Thị Nga.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu thực thế, vừa qua Quốc hội tổ chức nhiều phiên họp truyền hình, phát thanh trực tiếp, trong đó có phiên thảo luận về công tác tư pháp. Tại phiên này, cơ quan thẩm tra đã lúng túng, ĐBQH cũng lúng túng vì nhận được 5 văn bản có đóng dấu mật của các cơ quan là Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội.

“Ủy ban Tư pháp cũng rất lo, bởi vì các cơ quan gửi văn bản đến đóng dấu mật mà Ủy ban Tư pháp không đóng dấu mật sẽ rất khó. Chúng tôi tra trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước thì thấy đa số thấy nội dung trong các văn bản trên không còn mật nữa. Ở đây danh mục mật của các ngành tư pháp lại chậm sửa đổi, từ năm 2004 đến nay vẫn dùng nên gây khó khăn, các ĐB lúng túng”, ĐB Lê Thị Nga nói.

Sau khi phân tích, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã đề nghị Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước cần rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất của luật này với các quy định liên quan đến công khai minh bạch, quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống tham nhũng và các công khai trong hoạt động tố tụng; thứ hai các quy định cần cụ thể minh bạch hơn; thứ ba là rà soát lại để tạo điều kiện cho các ĐBQH và người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem