Nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk “mượn” bằng cấp 3 xin thôi việc, có bị kỷ luật?

Lương Kết Thứ bảy, ngày 05/10/2019 06:25 AM (GMT+7)
Mặc dù nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk có đơn xin thôi việc sau khi bị phát hiện có sai phạm là mượn bằng cấp 3 của chị gái, nhưng với trường hợp này sẽ không được thôi việc một cách bình thường mà phải chịu kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính.
Bình luận 0

img

Dư luận xao xôn trước thông tin bà Trần Thị Ngọc Thảo dùng bằng cấp 3 của chị gái trong quá trình thăng tiến.

Theo lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Trần Thị Ngọc Thảo (mượn bằng cấp 3 của chị gái Trần Ngọc Ái Sa và dùng tên chị gái trong quá trình công tác), đã có đơn xin thôi việc sau khi phát hiện có sai phạm (dùng bằng cấp 3 của chị gái).

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết: Đối với trường hợp cán bộ, công chức vướng vào vi phạm khuyết điểm tới mức phải xử lý kỷ luật mà có đơn xin thôi việc thì đơn đó chưa được giải quyết, phải chờ thi hành kỷ luật.

Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trường hợp bà Trần Thị Ngọc Thảo là đảng viên, thông thường khi phát hiện có vi phạm, khuyết điểm thì tổ chức Đảng sẽ vào cuộc xử lý trước, sau đó bên chính quyền sẽ xử lý.

Tại Điều 22 của Quy định 102 –QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có nêu: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Cũng với vi phạm trên nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

Vẫn theo ông Ngô Văn Sửu, việc sai phạm của bà Trần Thị Ngọc Thảo đã gây xôn xao lớn dư luận xã hội, khiến nhiều người nghi ngờ, thậm chí mất niềm tin về công tác cán bộ của địa phương. “Việc vi phạm của bà Thảo gây hậu quả nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng khi tổ chức Đảng vào cuộc sẽ xác định rõ. Trong quá trình xử lý kỷ luật còn phải xét nguyên nhân chủ quan, khách quan, hoàn cảnh dẫn đến sai phạm của bà Trần Thị Ngọc Thảo; trong quá trình học tập, công tác của bà này ở giai đoạn sau khi mượn bằng cấp 3 thế nào; trong quá trình công tác có đóng góp gì; khi tổ chức chỉ ra vi phạm, khuyết điểm, thái độ bản thân ra sao… sau khi xem xét toàn diện tổ chức Đảng sẽ đưa ra hình thức kỷ luật tương xứng”, ông Sửu cho biết.

Theo TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Chính vì thế một cán bộ, đảng viên sau khi bị thi hành kỷ luật Đảng sẽ phải chịu tiếp xử lý về mặt hành chính.

Theo quy định của Luật cán bộ, công chức, kỷ luật đối với công chức có các hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc. Trong đó việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Nhìn nhận về vụ việc của bà Trần Thị Ngọc Thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong vi phạm của bà này có trách nhiệm từ cơ quan, tổ chức. Trách nhiệm từ việc kiểm tra hồ sơ tuyển dụng, đề bạt, đặc biệt trách nhiệm trong quá trình xác minh lý lịch khi giới thiệu kết nạp bà Thảo vào Đảng. Chính vì thế ngoài việc xử lý sai phạm của bà Thảo thì phải xem xét trách nhiệm của những người có liên quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem