"Ông thủy điện" xả lũ chuẩn, dân chết không đúng quy trình(!?)

Thứ năm, ngày 28/11/2013 07:15 AM (GMT+7)
Câu chuyện xả lũ ở các hồ thủy điện miền Trung trong đợt lũ vừa qua vẫn còn nóng vì có nhiều ý kiến tranh luận. Một bên đòi lôi "ông thủy điện" ra tòa, một bên bênh "ông thủy điện".
Bình luận 0
Một số đại biểu Quốc hội chưa đồng tình với kết luận từ phía Bộ Công Thương.

Các địa phương có dự án thủy điện đều báo cáo rằng đã xả lũ đúng quy trình. Phản biện gay gắt cho việc này là câu hỏi, vậy thì dân chết không đúng quy trình hay sao?

Cũng có nhiều ý kiến đề xuất lôi “ông thủy điện” ra tòa.

Nhưng mới đây, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM cho rằng thiếu cơ sở khoa học để kết tội thủy điện. Theo ông, hồ thủy điện không tự sinh ra nước mà nước là từ trời đổ xuống. Ông nói: “Lũ là lũ trời, thủy điện chỉ chứa nước để sản xuất điện và tham gia cắt lũ vào mùa mưa, cung cấp nước vào mùa hạn”.

Những phân tích của TS Nguyễn Bách Phúc khá thuyết phục, nước từ trời xuống, cho dù có hồ chứa thủy điện hay không thì lượng nước không thể thay đổi, và ông khẳng định:“ Nếu không có hệ thống thủy điện nhỏ ở miền Trung thì trận lũ vừa qua vẫn xảy ra và thiệt hại cũng như vậy thôi”.

Sẽ còn nhiều ý kiến phản biện các quan điểm của TS Nguyễn Bách Phúc. Tuy nhiên, cho dù lập luận và phân tích lũ tại trời, không do thủy điện của TS Phúc là đúng, thì cũng xin được đi tìm một nguyên nhân khác. Đó là, chính hàng chục dự án thủy điện góp phần không nhỏ vào nạn phá rừng, biến đổi tự nhiên, dẫn đến hệ lụy khi có nước “từ trời xuống”.

Nhiều cánh rừng bị san phẳng, trở thành đất trống đồi trọc, những “con đê” làm bằng cây cối tự nhiên không còn nên không thể ngăn nước, giữ nước. Khi mưa xuống, nước tràn về quá nhanh, quá mạnh nên dân không trở tay kịp, thiệt hại lớn là vì vậy.

Cần phải có một thống kê đầy đủ, đó là khi xây dựng 15 nhà máy thủy điện ở miền Trung, người ta đã chặt phá bao nhiêu hécta rừng? Và với diện tích rừng bị phá đó, sẽ tác động như thế nào đến môi trường và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng ngăn lũ của tự nhiên?

Chắc chắn các chủ dự án thủy điện sẽ nói rằng, họ đã có con số đó trong báo cáo đánh giá tác động môi trường khi lập hồ sơ thực hiện dự án. Nhưng xin thưa rằng, rất khó tin vào các hồ sơ đã được phê duyệt đó, khi mà quyền lợi ràng buộc từ các nhóm lợi ích.

Nếu như không ngăn chặn việc xây dựng các dự án thủy điện, nếu như nghe lời ngon ngọt thủy điện “tham gia cắt lũ vào mùa mưa, cung cấp nước vào mùa hạn” thì sẽ có thêm nhiều cánh rừng bị phá.

Lúc đó, khi có lũ từ trời xuống thì lấy gì để ngăn?
Chân Tâm (Chân Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem