Ông Trịnh Xuân Thanh, người đầu tiên bị hủy tư cách ĐBQH sau trúng cử

Ngọc Lương Thứ sáu, ngày 15/07/2016 17:08 PM (GMT+7)
Việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từng có nhiều trường hợp. Nhưng việc ông Trịnh Xuân Thanh vừa bị hủy tư cách ĐBQH sau khi trúng cử là trường hợp xảy ra lần đầu tiên.
Bình luận 0

Nhiều vị đại biểu đã tham gia nhiều khóa ĐBQH cho Dân Việt biết, hầu hết họ chưa bao giờ gặp trường hợp một người trúng cử ĐBQH nhưng ngay sau đó không được xác nhận tư cách như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh bị hủy tư cách ĐBQH sáng nay (15.7) tại phiên họp của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trường hợp người trúng cử ĐBQH được xác nhận tư cách trở thành ĐBQH chính thức, trong quá trình hoạt động có vi phạm đến mức Quốc hội phải tiến hành bãi miễn tư cách thì đã có nhiều trường hợp xảy ra.

img

Hội đồng Bầu cử quốc gia họp phiên thứ 7 sáng 15.7.

Như tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) vì lý do thiếu trung thực trong kê khai lý lịch. Còn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành bãi miễn đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) vì lý do vi phạm pháp luật, bị cơ quan công an khởi tố điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không chỉ có hai trường hợp trên, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, cũng có hai trường hợp Quốc hội phải tiến hành bãi miễn tư cách đại biểu, đó là trường hợp ông Mạc Kim Tôn (Thái Bình) và ông Lê Minh Hoàng (TP.HCM).

Là ĐBQH hai khóa XI và XII, ông Lê Văn Cuông (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ông đã dành nhiều thời gian dõi theo hoạt động nghị trường từ nhiều khóa Quốc hội trở lại đây, tuy nhiên ông chưa bao giờ thấy trường hợp một người vừa trúng cử ĐBQH sau đó không được công nhận tư cách đại biểu.

"Ông Thanh chính là trường hợp đầu tiên trúng cử ĐBQH nhưng không được công nhận tư cách đại biểu" - ông Cuông xác nhận.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), ở những khóa Quốc hội trước đây, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, Quốc hội ra Nghị quyết để xác nhận tư cách ĐBQH cho những người trúng cử. Còn hiện nay theo Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, thẩm quyền này thuộc về Hội đồng Bầu cử quốc gia.

“Hội đồng Bầu cử quốc gia trên cơ sở xem xét, thảo luận báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu rồi ra Nghị quyết, ai đủ tư cách thì công nhận, không đủ tư cách thì không công nhận. Những người đủ tư cách sẽ được cấp giấy chứng nhận và thẻ trở thành ĐBQH chính thức” - ông Lịch lý giải.

Đánh giá về việc này, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông cho rằng, đó là quyết định phù hợp và đúng đắn. Bởi sự việc của ông Thanh đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng kết luận rõ ràng.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nội dung trong bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Tới đây, các cơ quan chức năng còn phải  tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra thua lỗ tới gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - nơi ông Thanh từng là Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị" - ông Cuông cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem