“Phải trả ta cho mạch giống nòi”

Lê Thọ Bình Thứ năm, ngày 07/02/2019 06:00 AM (GMT+7)
Ông là người khiêm nhường, nhưng nguyên tắc; nhân từ, nhưng quyết liệt; chí nghĩa, chí tình, nhưng không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Gần đây, ông được nhiều người dân trìu mến gọi là “người đốt lò”... Ông là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Bình luận 0

Một nhân cách lớn

“Đã vay dòng máu thơm thiên cổ/Phải trả ta cho mạch giống nòi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn lại lời thơ của Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Đi như để nói thay tâm sự của lòng mình. Hôm ấy là một ngày sát tết Mậu Tuất (2018), Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Lễ trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư, đợt 3.2.

img

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: P.V)

Khi ông Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng Bí thư, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận xét: “Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định”.

Còn người trợ lý thân cận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là ông Hồ Mậu Ngoạt, có lần nói với tôi về ông: “Anh là nhà lý luận nhất quán. Các anh cứ đọc những bài anh ấy viết từ 20- 30 năm trước thì thấy ở đó đã toát lên những tư tưởng của anh ấy trong ngày hôm nay”.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại - “cha đẻ” của Công nghệ giáo dục, người bạn thân thiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần nói với tôi, ông Trọng là một nhân cách lớn. Nghĩa tình, yêu thương đồng chí, đồng đội, sống liêm khiết, trong sạch. Vì vậy ông rất ghét thói xa hoa, bòn rút của công, bè phái, cánh hẩu. Ông là người trọng danh dự và xa lánh mọi ham hố vật chất, sự ích kỷ vun vén quyền lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của Nhà nước, của Đảng, nhưng từ việc lớn cho đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn, giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn của ông để mưu lợi cho mình, cho người thân.

Theo lời kể của ông Dương Đức Quảng - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin báo chí Văn phòng Chính phủ, người bạn học thời đại học với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “ông Trọng có hai người con, môt gái, một trai đều là những viên chức nhà nước và là các công dân bình thường như bao công dân khác. Có thể có người gặp họ trong công việc hay cuộc sống thường ngày không hề biết bố các cháu là Tổng Bí thư vì chẳng bao giờ các cháu tự nói ra điều này”.

“Đạp bằng trở lực, vượt gian nguy”

Trong Báo cáo trước 1.510 đại biểu tham dự Đại hội Đảng XII và cũng là với toàn dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nhưng đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “lấy Dân làm gốc”, vì lợi ích Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân. 

Mùa xuân đến, chúng ta có niềm tin lớn lao rằng, người đứng đầu Đảng ta, Nhà nước ta sẽ “đạp bằng trở lực vượt gian nguy”, lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều quan trọng nhất mà người đứng đầu Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh là “Đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, yếu tố quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược, ông đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền.

Có lẽ chưa bao giờ, công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt và thu được nhiều thành công như thời gian vừa qua. Hàng loạt cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng, bị truy tố và nhận hình phạt rất cao của pháp luật. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực được đưa ra xử lý nghiêm khắc. Câu nói của Tổng bí thư hôm nào “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” tiếp tục phát huy hiệu quả.

Có thể khẳng định, công cuộc phòng chống tham nhũng không chỉ làm trong sạch đội ngũ của đảng cầm quyền, thu hồi lại tài sản quốc gia mà quan trong hơn nữa, nó đã đem lại niềm tin tưởng cho nhân dân để từ đó, tạo động lực cho sự phát triển đất nước.

Con số tăng trưởng 6,81% của năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt 6,98%, ước cả năm sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%) cùng với bảng xếp hạng cao trong thị trường đầu tư quốc tế đã khẳng định công cuộc phòng chống tham nhũng không làm “nản chí” ai đó dẫn đến kéo lùi sự phát triển mà ngược lại, chính là nguồn lực cho sự phát triển hôm nay.

Có được những thành công này là sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là sự kiên định, là quyết tâm và đồng thời cũng thể hiện sách lược của “Người đốt lò”- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Có thể nói hơn ai hết, Tổng Bí thư là người hiểu rõ nhất sự gian nan, phức tạp, khốc liệt khi đánh vào “thành trì tham nhũng”. Có thể công khai, có thể ngấm ngầm, song sự chống đối chắc chắn là không nhỏ. Tuy nhiên:

“… Ta đã đi, là ta quyết đi!

Đạp bằng trở lực, vượt gian nguy

Ngực còn thoi thóp, tim còn đập

Còn nghiến răng giương thẳng nghĩa kỳ!”

(Trích bài thơ Đi của Tố Hữu)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem