Quan hệ Việt-Trung đặt trong quan hệ chung với quốc tế

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ năm, ngày 05/11/2015 08:25 AM (GMT+7)
Trưa 5.11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tiến sĩ, cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế đã có những bình luận xung quanh chuyến thăm này.
Bình luận 0

Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc?

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh hồi tháng 4.2015.   Ảnh: T.H.X

- Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là dấu mốc lớn trong quan hệ Việt- Trung. Trung Quốc thì triển khai chính sách láng giềng, Việt Nam thì triển khai quan hệ đa dạng hóa với các nước lớn và các nước láng giềng.

Năm 2015, ngoại giao Việt Nam triển khai quan hệ với tất cả các trung tâm quyền lực lớn trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU. Giờ là lúc ta phải tiếp tục chuyển hóa “Thế mới” thành “Lực mới”.

Truyền thông Trung Quốc đang có những nhận định rằng, chuyến thăm sẽ mở ra "kỷ nguyên mới" trong quan hệ hai nước. Vậy “kỷ nguyên mới” này được hiểu như thế nào?

-Tôi cho rằng, chúng ta không nên sa vào chữ nghĩa như “16 chữ vàng”, “4 tốt”, nay lại thêm “kỷ nguyên mới”. Kỷ nguyên mới là cách nói của Trung Quốc. Đối với ta, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và gặp gỡ thượng đỉnh Việt-Trung tại Hà Nội là một sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, là việc rất tốt.

Còn nó là “kỷ nguyên” gì thì phải tính cả các lợi ích kinh tế thương mại nữa như xem hàng hóa Việt Nam có tăng thị phần tại Trung Quốc hay không, những nhà máy Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Việt Nam là đồ thừa hay đồ tốt. Và nhiều chuyện khác nữa.

Chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm Biển Đông đang “dậy sóng”. Dưới góc nhìn của chuyên gia vấn đề này sẽ được giải quyết theo chiều hướng nào trong chuyến thăm cấp cao, thưa ông?

- Nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lần này đến Việt Nam không phải để giải quyết vấn đề Biển Đông. Những nguyên tắc chung cho vấn đề này đã được đề cập qua các chuyến thăm cấp cao từ 2013 và tháng 4.2015 vừa rồi. Chúng tôi cũng đang chờ xem có gì mới trong chuyến thăm lần này không.

Gạt những bất đồng đang tồn tại sang một bên, mối quan hệ Việt -Trung trải qua những mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với cả hai nước và mối quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến hai quốc gia mà còn có tác động đến cả khu vực. Theo ông, triển vọng của quan hệ Việt- Trung sẽ như thế nào và cả hai sẽ phải làm gì để giữ vững được những phương châm có từ lâu đời trong quan hệ song phương?

- Quan hệ Trung-Việt rất quan trọng đối với Việt Nam, nếu không nói là quan trọng nhất. Ngày nay, quan hệ đó vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Quan hệ ấy tốt hay xấu không chỉ tùy thuộc phía Trung Quốc mà trước hết là ở bản lĩnh của ta. Ngoài ra, quan hệ Việt- Trung còn được đặt vào cuộc chơi lớn quốc tế. Có quan hệ tốt với Trung Quốc thì mới phát huy tốt quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và ngược lại. Lúc này, Mỹ hòa hoãn với Trung Quốc, quan hệ Nhật-Trung đang tan băng, Việt Nam ta lẽ nào lại không nắm bắt xu thế chính trị quốc tế!

Các nước nhỏ và vừa phải biết sử dụng thành thạo các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật trong quan hệ với các nước lớn thì mới tối ưu hóa lợi ích quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng:  “Muốn đi cho đúng thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên tình cảm”. Ngày nay, để đi đúng thời cuộc, ta vẫn cần đặt lý lên trên tình cảm.

Xin cảm ơn ông!

  Kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2015 đạt 49,16 tỷ USD tăng 16% so với cùng kỳ 2014, trong đó Việt Nam xuất khẩu 12,44 tỷ USD. Tính đến tháng 9.2015, Trung Quốc có 1.177 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.  

Một số chuyến thăm cấp cao Việt- Trung năm 2015

    Tháng 4.2015: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc.

     Ngày 2 và 3.9.2015: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít của nhân dân thế giới tổ chức tại Bắc Kinh và có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

     Ngày 31.8.2015: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có cuộc gặp với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang (tại New York, Mỹ).

     Tháng 7.2015: Triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ thăm Việt Nam.

     Tháng 6.2015:  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Trung Quốc, cùng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đồng chủ trì phiên họp lần thứ 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem