Sự trùng hợp với cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 12/02/2019 08:00 AM (GMT+7)
“Cuốn sách ra mắt vào thời điểm này có giá trị rất lớn: Vừa tròn 40 năm kỷ niệm ngày thành lập Quân đoàn 14, cũng là tròn 40 năm kỷ niệm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sự trùng hợp này đã thôi thúc chúng tôi phải làm điều gì đó để tri ân hàng vạn liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương”, Đại tá Ngô Văn Học, chủ biên cuốn sách "Những người đi giữ biên cương" chia sẻ với PV Dân Việt.
Bình luận 0

img

Cuốn sách Những người đi giữ biên cương ra mắt đầu năm 2019. (Ảnh: I.T)

Vừa qua cuốn sách “Những người đi giữ biên cương” đã ra mắt bạn đọc. Cuốn sách ra đời có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi trùng với kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17.2.1979 - 17.2.2019). PV Dân Việt đã trao đổi với Đại tá Ngô Văn Học, nguyên Tổng Biên tập báo Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng), chủ biên cuốn sách này.

Thưa ông, vào những dịp kỷ niệm 20 - 30 hay 35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, vì sao lúc đó ông và các đồng nghiệp chưa nghĩ tới việc cho ra mắt cuốn sách mà lại để đúng dịp tròn 40 năm sự kiện lịch sử này?

- Thực tế có mấy lý do: Thứ nhất điều kiện 20, 30 năm về trước, do hoàn cảnh, công tác tuyên truyền của chúng ta chưa nhắc nhiều tới sự kiện này. Đây cũng là nỗi niềm của các cựu chiến binh Quân đoàn 14 (Binh đoàn Chi Lăng mặt trận Lạng Sơn) nói riêng và cựu chiến binh tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc nói chung.

Chúng tôi nghĩ lần này cuốn sách ra mắt được bạn đọc sẽ có giá trị rất lớn, vừa tròn 40 năm kỷ niệm ngày thành lập Quân đoàn 14 cũng vừa tròn 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sự trùng hợp này đã thôi thúc chúng tôi, bằng tấm lòng, bằng nghĩa cử, cần phải làm gì đó trước hết để tri ân hàng vạn liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương.

img

Đại tá Ngô Văn Học, chủ biên cuốn "Những người đi giữ biên cương". (Ảnh: NVCC)

Về tư liệu, chúng tôi vẫn còn lưu giữ những tác phẩm, bài viết cách đây 40 năm. Những bài viết này đều ở dạng văn học, hừng hực trào dâng khí thế... Sau một quá trình tập hợp, cuối cùng cuốn sách cũng đã ra mắt đúng dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Không riêng cựu chiến binh của Quân đoàn 14 mà rất nhiều cựu binh cũng như người dân cả nước đã quan tâm tới cuốn sách này.

Giá trị của cuốn sách là tuyên truyền và giáo dục truyền thống để các thế hệ sau biết rõ hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nội dung cuốn sách mang đậm tính văn học đồng thời mang tính sử thi, phản ánh cuộc sống, cuộc chiến đấu của quân và dân ta vào thời điểm đó.

img

Những người lính đi bảo vệ biên cương cách đây 40 năm. (Ảnh tư liệu)

Trong quá trình làm sách, các ông có gặp khó khăn gì không?

- Ban biên soạn cuốn sách gồm tôi, các anh Đặng Vương Hưng, Hoàng Thiềng, Lê Anh Sáng. Đây là những người không những tâm huyết về nội dung mà còn rất am hiểu tình hình thời cuộc hiện giờ. Vì thế nên tất cả các bài viết được chúng chúng tôi chỉ đạo biên soạn một cách tập trung, theo định hướng.

Cũng phải nói thêm rằng, nguyên văn những bài viết cách đây 40 năm có ngôn ngữ, cụm từ, cách hành văn của giai đoạn đó, khi đăng tải lại ở giai đoạn này cũng cần phải biên tập, thay đổi một chút cho phù hợp hơn. Phương châm của nhóm biên soạn là giữ được cốt cách, bản chất của vấn đề.

Khi xong phần bản thảo, chúng tôi đã đưa đến Nhà xuất bản Thông tin – Truyền thông. Khi chúng tôi đến đặt vấn đề, Nhà xuất bản thấy được ý nghĩa to lớn của cuốn sách nên đồng ý ngay về mặt quan điểm, sau đó họ tiếp cận bản thảo. Hai bên làm từng bước và có sự thống nhất cao nên việc ra sách cũng khá suôn sẻ.

Vậy cuốn sách là tập hợp những bài viết cách đây 40 năm của những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc?

- Đúng, cuốn sách chủ yếu là những bài viết cũ cách đây 40 năm. Vì sao lại như vậy? Vì chúng tôi không muốn có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, đó là tư tưởng xuyên suốt khi biên soạn cuốn sách. 

Chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc các bài viết cũ vẫn còn nguyên khí thế hừng hực của những năm tháng lịch sử đó, để bạn đọc tiếp cận và trực tiếp cảm nhận được không khí một thời rực lửa.

Các bài viết trong cuốn sách đều được ghi lại kiểu như nhật ký. Tác giả các bài viết trong cuốn sách đều là những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở các mũi, các tuyến trên mặt trận Lạng Sơn. Có một số rất ít bài viết của những nhà văn, nhà báo lúc bấy giờ tác nghiệp ngay tại chiến trường. Những bài có giá trị chúng tôi cũng lựa chọn sử dụng. Trong số những tác giả này, có người tuổi đã cao, thậm chí có người không còn nữa.

Cuốn sách sau khi xuất bản được bạn đọc đón nhận và phản hồi ra sao, thưa ông?

- Sau khi xuất bản, được các phương tiện truyền thông giới thiệu nên cuốn sách có tính lan tỏa và có tác động sâu rộng đến bạn đọc trong và ngoài nước. Nhiều người đánh giá việc xuất bản cuốn sách là đúng thời điểm và có ý nghĩa. Còn những bài viết cụ thể trong cuốn sách người ta chưa quan tâm nhiều, nhưng tinh thần chủ đạo, tính khái quát của cuốn sách mà các phương tiện truyền thông đã giới thiệu được người dân hết sức ủng hộ và phản hồi rất tích cực. Người dân cho rằng không thể không nói rõ những vấn đề của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước. Có thể nói cuốn sách đã ra mắt đúng thời điểm.

Ông và nhóm biên soạn có kỳ vọng cuốn sách sẽ tác động ít nhiều đến thế hệ trẻ, những người còn ít hiểu biết về cuộc chiến đấu của cha ông cách đây 40 năm?

- Cuốn sách này mang nặng tính văn học và lịch sử, và thường thì các tác phẩm văn học dễ đi vào lòng người, kể cả đối tượng là thế hệ trẻ. Tính văn học trong cuốn sách này mang hơi thở của cuộc sống, chứa đầy chất sử thi trong đó, do đó kỳ vọng của chúng tôi là khi cuốn sách này đến tay bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, họ sẽ hứng thú với những bài viết.

Chính điều này sẽ giúp cho việc truyền lửa cho các thế hệ sau, giúp các cháu hiểu hơn về những giai đoạn lịch sử của đất nước, trong đó có sư kiện lịch sử vô cùng quan trọng là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, một cuộc chiến vô cùng gian khổ nhưng cũng rất oanh liệt của dân tộc ta.

Xin cảm ơn ông (!)

Cách đây 40 năm (1979) cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, buộc toàn dân ta phải bước vào cuộc chiến mới. Theo quyết định của Chủ tịch nước, ngày 24.2.1979, Quân đoàn 14 chính thức được thành lập với nhiệm vụ chiến đấu chống quân Trung Quốc mặt trận Lạng Sơn - tuyến phòng thủ chủ yếu của quốc gia.

Trong quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tháng 2.1979, Quân đoàn 14 đã cùng với quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn loại khỏi vòng 19.000 quân xâm lược; tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn và 4 tiểu đoàn địch; phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp, 52 xe quân sự. Để lập được chiến công này, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 14 đã anh dũng hy sinh.

Trong suốt 10 năm từ 1979 đến 1989 làm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng tuyến phòng thủ trên tuyến biên giới Lạng Sơn, Quân đoàn 14 đã đánh bại nhiều âm mưu, hành động lấn chiếm phá hoại của địch. Tiêu biểu như các trận đánh bảo vệ cao điểm bình độ 400 (tháng 5.1981); cao điểm 820 và 636 ở Tràng Định, Thất Khê; đẩy lùi các cuộc tiến công lấn chiếm của hàng sư đoàn địch.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, 20 cá nhân và 14 tập thể, đơn vị của Quân đoàn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quân đoàn 14 đã vinh dự được mang danh hiệu: “BINH ĐOÀN CHI LĂNG”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem