Tình hình trên biển Đông: Cân nhắc đấu tranh pháp lý

Vinh Hải Thứ ba, ngày 01/07/2014 20:57 PM (GMT+7)
Chiều nay (1.7), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Tình hình trên biển Đông là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ bàn thảo trong hai ngày 30.6 và 1.7.
Bình luận 0
Ứng phó với tình huống xấu

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Chính phủ đã họp trong hai ngày 30.6 và 1.7, đi sâu kiểm điểm tình hình 6 tháng đầu năm. Theo đó, Chính phủ đã kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội có gắn với tình hình biển Đông và các giải pháp ứng phó khi tình hình xấu xảy ra”.

Cụ thể, phiên họp Chính phủ diễn ra với bối cảnh đặc biệt - từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc bất chấp đạo lý và pháp lý, luật pháp quốc tế; thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, đưa trái phép giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt - Trung, tác động tiêu cực đến việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó với những tiêu cực về kinh tế - xã hội do tình hình phức tạp trên biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chủ trương Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. “Việt Nam hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào” - Thủ tướng khẳng định.

Cùng với việc triển khai quan hệ hợp tác bình thường, cùng có lợi với Trung Quốc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động tính toán các phương án ứng phó phù hợp khi xảy ra các tình huống xấu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế. Trong nước cần khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Ứng phó tình huống có thể xảy ra, chúng ta có chuẩn bị từ lâu với quan hệ đường lối độc lập tự chủ. Chúng ta cố gắng trong các mối quan hệ bang giao không để tập trung quá vào một thị trường để hạn chế rủi ro. Khi Trung Quốc chính thức có hành vi xâm phạm chủ quyền, chúng ta rà soát đánh giá lại thấy rằng các giải pháp đã làm cần đẩy nhanh hơn. Trong  tình huống phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, kể cả tình huống xấu nhất nhưng chúng ta không đến mức quá khó khăn, không thể giải quyết được. Chính phủ thống nhất tình hình chung là có ảnh hưởng nhưng mức độ ảnh hưởng không phải lớn lắm”.

Với nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt hơn trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP tăng ổn định qua các quý (quý II đạt 5,25%, cao hơn mức 5,09% của quý I); 6 tháng đạt 5,18%, cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ 2013); giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,38% so với tháng 12.2013, thấp nhất trong 13 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu; cán cân thanh toán thặng dư. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức như tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; xử lý nợ xấu chậm; tốc độ tăng tổng cầu thấp, sức mua chậm phục hồi…

Củng cố hồ sơ pháp lý

Về tình hình trên biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Về chiến lược, Việt Nam không bất ngờ về sự việc này, tuy nhiên hậu quả của nó là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, kiên định, kiên trì các giải pháp, biện pháp, đối sách đấu tranh bằng biện pháp hoà bình trên thực địa, bằng chính trị - ngoại giao, bằng thông tin, truyền thông trong nước và nước ngoài, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Đồng thời, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ để các cấp lãnh đạo xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem