"Chú lính chì" Thiện Nhân gặp lại ekíp BS đã cứu sống mình

Kim Oanh Thứ hai, ngày 20/06/2016 14:27 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên sau 10 năm, “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân có cơ hội gặp lại các bác sĩ đến từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam – những bác sĩ đầu tiên trực tiếp sơ cứu, cứu sống và phẫu thuật cho em được ngày hôm nay.
Bình luận 0

Sáng 20.6, tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã tổ chức chương trình gặp gỡ cảm động mang tên “10 năm ươm mầm Thiện Nhân”.

Nhắc lại câu chuyện cảm động về cái tên Thiện Nhân

Năm nay, Thiện Nhân vừa tròn 10 tuổi, hơn 10 năm qua, nhờ những tấm lòng hảo tâm của nhiều người trong và ngoài nước đã cùng chung tay giúp sức để Thiện Nhân có thể trở về cuộc sống bình thường.

Không những vậy, từ hành trình cảm động của chú lính chì Thiện Nhân, các nhà hảo tâm và những bác sĩ lại tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích cho hàng trăm em nhỏ khiếm khuyết bộ phận sinh dục khác ở Việt Nam.

img

Bé Thiện Nhân chụp hình chung với đội ngũ bác sĩ cứu chữa em ngày mới nhập viện và bác sĩ phẫu thuật bộ phận sinh dục cho em. Ảnh Kim Oanh

Bác sĩ Đinh Thị Tố Trinh – một trong những bác sĩ phẫu thuật cho Thiện Nhân ngày đầu kể lại: “Cái đêm cách đây 10 năm, lúc đó khoảng 7-  8h tối,  có một cậu bé sơ sinh được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc đó tôi và nhiều y-bác sĩ tại bệnh viện đều bàng hoàng không tin vào mắt mình về một cậu bé vừa mới ra đời đã bị mất một chân và bộ phận sinh dục bị khiếm khuyết”

“Tôi còn nhớ lúc con nhập viện nhưng mất máu quá nhiều, Bác sĩ Kiều Trinh trong ê kíp trực lúc đó còn tình nguyện hiến máu để giữ mạng sống cho con. Trong những ngày Thiện Nhân được nhập viện, rất nhiều người tốt không cầm được với nước mắt khi trực tiếp hỗ trợ cho con. Bệnh cạnh đó, người lớn như chúng tôi cũng thầm cảm phục trước tinh thần của con để chống chọi với bệnh tật. Có lẽ trong cuộc đời làm bác sĩ của tôi, Thiện Nhân là một trường hợp đặc biệt khiến tôi nhớ mãi”, bác sĩ Tố Trinh nhớ lại.

Trong suốt một tháng sau khi được điều trị tại bệnh viện, với mong muốn động viên tinh thần con những ngày tiếp theo con chống chọi với bệnh tật, các y-bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã đặt cho con một cái tên.

“Với ước muốn sau này con sẽ lớn lên trở thành một người có ích nên những vị lương y tốt bụng ban đầu định đặt tên con là Thành Nhân, nhưng sau đó các bác sĩ góp ý rằng tên “Thiện” sẽ có ý nghĩa hơn nên từ đó tên Thiện Nhân đã ra đời từ đó”, bác sĩ Tố Trinh chia sẻ.

10 năm gieo mầm Thiện Nhân

Chị Trần Mai Anh, người trực tiếp nhận nuôi Thiện Nhân có mặt tại buổi trò chuyện đã không giấu được cảm xúc trước rất nhiều lòng tốt của những bác sĩ, nhà hảo tâm trong rất nhiều năm luôn dõi theo từng chặng đường của Thiện Nhân.

“10 năm trước đây con trai tôi là một bệnh nhân may mắn sống sót sau 72 tiếng phẫu thuật với một cơ thể bị mất chân, khuyết bộ phận sinh dục. 10 năm sau đó, con tôi lại trở về quê hương, nhưng lần này Thiện Nhân không còn là một bệnh nhân mà con trai tôi trở về để đồng hành cùng các trẻ em bị mất bộ phận sinh dục.

Khoảng 5 năm trước khi con được 6 tuổi, ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục đầu tiên do bác sĩ Roberto De Castro hoàn thành. Sau khi cuộc phẫu thuật thành công, tôi có hỏi con trai rằng, giờ mẹ cùng các anh sẽ tiếp tục hành trình phẫu thuật cho các em bé khác, riêng con có quyền trở về với cuộc sống hằng ngày, được vui đùa, được đến trường. Thiện Nhân lúc đó tuy nằm trên giường bệnh nhưng con vẫn cố gắng xin phép mẹ để tiếp tục tham gia chương trình ý nghĩa này”.

Tôi rất xúc động, sau khi đi gần 3 vòng trái đất với 6 cuộc phẫu thuật rồi con cũng quay về lại nơi con sinh ra. Thiện Nhân vẫn là cậu bé của quê hương, của đất và người Quảng Nam. Tôi cảm nhận được điều đó trong từng lời nói đến tính cách của con", chị Mai Anh tâm sự.

Giáo sư Roberto de Castro – người đã phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho bé Thiện Nhân và hàng trăm trẻ khác ở Việt Nam cho biết, ông gặp gỡ Thiện Nhân và gia đình em khi họ đưa Nhân đến nước Ý. Lúc đó, các bác sĩ ở đây đã có cuộc thảo luận muốn giúp đỡ những em bé có hoàn cảnh tương tự như bé Thiện Nhân. “Chương trình của chúng tôi đã thăm khám cho 600 em nhỏ và phẫu thuật gần 200 em. Một lần nữa tôi rất cảm ơn và cảm thấy hạnh phúc là một người trong chương trình”, giáo sư Roberto chia sẻ.

Được biết, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thuộc Quỹ phòng chống thương vong Châu Á. Dự án được khởi xướng từ việc giúp đỡ Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi tại vùng quê Quảng Nam khi bị thú hoang ăn mất bộ phận sinh dục và một chân khi mới chào đời. Tháng 8.2011, nhân chuyến đi của bác sĩ Roberto De Castro sang Việt Nam, dự án đã tổ chức thăm khám lần đầu tiên cho hơn 100 bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Và từ đó, mỗi năm, dự án tổ chức 2 lần khám và phẫu thuật trên cả nước cho các em nhỏ, cả trai và gái bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Đến nay, sau gần 5 năm, Chương trình đã thực hiện được gần 200 ca phẫu thuật miễn phí và khám tư vấn cho hơn 600 trẻ em không may khiến khuyết bộ phận sinh dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem