Chủ tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình trên biển sẽ bị phạt 700 triệu đồng

Trần Quang Thứ sáu, ngày 12/04/2024 07:11 AM (GMT+7)
Đó là khuyến cáo của ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) tại hội nghị "Triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 11/4.
Bình luận 0
Chủ tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình trên biển sẽ bị phạt 700 triệu đồng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị "Triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 11/4.

 Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính

Ngày 04/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), so với Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật giúp các địa phương đơn giản hóa một số thủ tục hành chính.

Cụ thể, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện một số thủ tục hành chính thông thoáng hơn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, đánh giá duy trì, giám sát điều kiện của cơ sở: áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến (khoản 9 Điều 4 Nghị định số 26); Đăng ký lồng, bè nuôi trồng thủy sản (Điều 36 Nghị định số 26); Công bố đóng, mở cảng cá (Điều 61 Nghị định số 26)

Sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản: Quy định cụ thể về quy trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (khoản 4 Điều 8 Nghị định số 26); Bổ sung các hoạt động được thực hiện trong phân khu của khu bảo tồn biển để phù hợp với thực tế và bảo đảm yêu cầu quản lý (khoản 1 Điều 10 Nghị định số 26); Quy định rõ về quyền và trách nhiệm của ban quản lý khu bảo tồn biển (Điều 11 Nghị định số 26); Quy định rõ nội dung nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển (Điều 13 Nghị định số 26).

Sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến Đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (Điều 36 Nghị định số 26): Quy định bổ sung hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè phải đăng ký bao gồm nuôi trồng thủy sản bằng lồng, giàn treo, đăng quầng trên bãi triều, trên biển, sông, hồ và đầm phá tự nhiên.

Chủ tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình trên biển sẽ bị phạt 700 triệu đồng- Ảnh 2.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), so với Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật giúp các địa phương đơn giản hóa một số thủ tục hành chính.

Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến khai thác thủy sản, cụ thể: Bổ sung quy định về chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi (khoản 4, 5, 6 Điều 43 Nghị định số 26); Quy định rõ về việc chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản giữa các nghề trong tổng số hạn ngạch giấy phép và quy định theo hướng chuyển đổi hạn ngạch khi chuyển, bán tàu cá giữa các tỉnh (bảo đảm không tăng tổng số hạn ngạch trong cả nước).

Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá (Điều 44 Nghị định số 26): Quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá; Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển;

Cũng theo ông Luân, trong nghị định mới có quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá; quy định rõ yêu cầu và quản lý việc lắp đặt đối với thiết bị giám sát tàu cá và quy định yêu cầu đối với việc lắp thiết bị chống va, đâm khi hoạt động trên biển để tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý.

Đồng thời bổ sung quy định Giám sát viên trên tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam (Điều 45a) nhằm tạo khung pháp lý để duy trì và thúc đẩy việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Bổ sung điều kiện, quyền và nghĩa vụ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá cho phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 (bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện "đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá") (Điều 54a Nghị định số 26).

Ông Luân cho hay: Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam theo hướng phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh (nhằm thực hiện phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ) (Điều 57 Nghị định số 26).

Sửa đổi, bổ sung quy định Kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam và Kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu công ten nơ nhập khẩu vào Việt Nam (Điều 70, Điều 70 a, Điều 70b dự thảo Nghị định) nhằm thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy đinh tại khoản 34 Điều 1 Nghị định 37/2024).

Kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam (Điều 70 Nghị định số 26)

Thời gian tổ chức, cá nhân có tàu nước ngoài thông báo trước khi tàu cập cảng: 72 giờ (Nghị định số 26 là 24 giờ). Đa dạng hình thức nộp hồ sơ nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Cụ thể: nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax) (Nghị định số 26 chỉ có hình thức qua Cổng thông tin một cửa quốc gia)

Quy định cụ thể hơn về: Kiểm tra thực tế trên tàu khi tàu cập cảng; Nội dung kiểm tra thực tế khi tàu cập cảng; Quy trình kiểm tra thực tế khi tàu cập cảng; Thông báo và xử lý kết quả kiểm tra thực tế khi tàu cập cảng; Tiêu chuẩn, quyền của người kiểm tra...

Kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu công ten nơ nhập khẩu vào Việt Nam (Điều 70a Nghị định số 26): Trước 48 giờ khi lô hàng được vận chuyển cập cảng, tổ chức, cá nhân khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ NNPTNT để thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không vi phạm IUU...

Chủ tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình trên biển sẽ bị phạt 700 triệu đồng- Ảnh 3.

Tàu thuyền hoạt động trên vùng biển tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Quyết gỡ "thẻ vàng" trong năm 2024

Cùng với ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019, ngày 05/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản cũng có nhiều điểm mới.

Trong đó, tại điểm 5, Vi phạm quy định về khai thác thuỷ sản của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP bổ sung một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, một số hành vi được chia theo chiều dài của tàu. Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định: Quy định mới đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng từ 500-700 triệu đồng. Xử nặng như thế sẽ tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng úp nồi cơm hay che lấp thiết bị, tắt thiết bị để trốn tránh quy định này.

Trao đổi với các đại biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Để thực hiện cam kết của Việt Nam với đoàn thanh tra của Uỷ ban Châu Âu, chúng ta phải đồng lòng hoàn thành mục tiêu  gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024.

"Trong 6 năm qua, chúng ta tưởng không thể xử lý hình sự các hành vi vi phạm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Vừa qua, đã có địa phương xử lý hình sự hành vi này giúp nâng tính răn đe. 

Bên cạnh việc nâng cao các hình thức xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự, chúng ta phải vào cuộc cùng hành động, áp dụng nhiều giải pháp khác để có kết quả thật mới gỡ được "thẻ vàng như mục tiêu đã đặt ra", Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói và khẳng định: Công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản đang được thực hiện quyết liệt và nhất quán từ Ban Bí thư, Thủ tướng, Chính phủ, Bộ NNPTNT và các bộ ngành, địa phương sẽ giúp cho nhiệm vụ gỡ "thẻ vàng" có tiến triển nhanh, hiệu quả hơn.

Chủ tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình trên biển sẽ bị phạt 700 triệu đồng- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Nếu năm nay, chúng ta không gỡ được "thẻ vàng" thì 2,3 năm tới sẽ càng khó khăn hơn".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay chúng ta đã có Nghị định 37, Nghị định 38, sắp tới sẽ có thêm thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.

"Văn bản quy phạm pháp luật đã có, các vướng mắc trong các văn bản này sẽ được giải quyết thông qua Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Theo đó, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, Trung ương nỗ lực thì địa phương phải nỗ lực thực hiện quyết liệt hơn, làm tốt hơn để đạt mục tiêu gỡ "thẻ vàng", Thứ trưởng BNNPTNT nói.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sắp tới các địa phương phải rà soát lại số lượng tàu và sơn lại từng loại tàu cho bài bản dễ quản lý, giám sát hơn. Thứ 2 là đối với thiết bị hành trình hiện đã lắp đặt trên 98% nhưng phải quản lý, giám sát chặt chẽ hơn, không để xảy ra tình trạng các tàu mất tín hiệu ở vùng giáp ranh.

Thứ trưởng Tiến khẳng định: Năm nay chúng ta đạt mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đạt 10,5 tỷ USD nhưng nếu vướng thêm các vấn đề vi phạm công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản sẽ rất khó khăn.

"Nếu năm nay, chúng ta không gỡ được "thẻ vàng" thì 2,3 năm tới sẽ càng khó khăn hơn", Thứ trưởng Bộ NNPTNT khuyến cáo.

Trao đổi tại hội nghị, các đại biểu đánh giá các nghị định, thông tư vừa ban hành sẽ giúp công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản hiệu quả hơn. 

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh) ông Đỗ Đình Minh đề xuất Bộ NNPTNT cần sớm bổ sung, hướng dẫn các địa phương đưa tọa độ vào cấp giấy phép nuôi trồng, vùng khai thác thủy sản trên biển giúp các địa phương thực hiện đúng hướng, hiệu quả hơn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem