Chủ tịch Hội Nông dân một huyện ở Thái Bình đề xuất 5 giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế biển

Đức Thịnh (ghi) Chủ nhật, ngày 20/08/2023 09:32 AM (GMT+7)
Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải đã phát biểu tham luận về nội dung “Tổ chức thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế biển”.
Bình luận 0

Huyện Tiền Hải phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải Hoàng Quốc Việt cho biết: Huyện Tiền Hải có bờ biển dài 23km, vị trí thuận lợi có quốc lộ 37B và 5 tuyến đường tỉnh dài 49,3km chạy qua địa bàn. Đặc biệt, huyện có 15 địa phương nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, với diện tích 12.214,8 ha, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên khá thuận lợi trong việc giao lưu, liên kết kinh tế với các huyện của tỉnh và các địa phương khác. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi cho cán bộ hội viên nông dân Tiền Hải đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải cho biết: Những năm gần đây, kinh tế biển của huyện ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Tiền Hải đã quan tâm, có bước đi thích hợp và những cách làm mới trong quy hoạch phát triển kinh tế biển. 

Chủ tịch Hội Nông dân một huyện ở Thái Bình đề xuất 5 giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế biển  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình). Ảnh: Bình Minh

Huyện Tiền Hải đã chú trọng phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi giá trị.

Song song với đó là tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ và nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ.

Cùng với phát triển công nghiệp, Tiền Hải đã triển khai bước đầu đồ án quy hoạch chung đô thị mới xã Nam Phú đến năm 2040. Theo quy hoạch, đô thị mới xã Nam Phú có diện tích 2.450ha, gồm 11 phân khu chức năng: khu trung tâm hành chính, khu đất hỗn hợp, khu cây xanh, khu du lịch, khu trung tâm văn hóa thể thao, khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, khu cảng Ba Lạt, khu dân cư hiện trạng, các khu ở mới, khu nghĩa trang, khu tôn giáo, tín ngưỡng.

Ngoài ra, Tiền Hải đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; ưu tiên đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản.

Chủ tịch Hội Nông dân một huyện ở Thái Bình đề xuất 5 giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế biển  - Ảnh 2.

Cơ sở ương cá giống, cá vược biển của hội viên nông dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Đức Thịnh

Toàn huyện Tiền Hải hiện có 402 hội viên nông dân là chủ phương tiện hoạt động nghề cá. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 98.661 tấn, trong đó, nuôi trồng đạt 72.616 tấn; sản lượng khai thác đạt 26.045 tấn. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 95ha và tăng dần theo từng năm, năng suất đạt trên 40 tấn/ha mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần so với nuôi truyền thống. 

Huyện Tiền Hải đã quy hoạch vùng ươm ngao giống diện tích 300ha; có 2 cơ sở của hội viên nông dân chuyên sản xuất giống thủy sản mỗi năm đáp ứng được 20% nhu cầu. 

Hội Nông dân huyện Tiền Hải đã hỗ trợ thành lập các Tổ hợp tác đầu mối chế biến hải sản cung cấp trong nước và từng bước tiến đến xuất khẩu. 

Để phát triển thủy sản bền vững, Hội Nông dân Tiền Hải đã tích cực tham mưu với huyện từng bước thực hiện khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với diện tích hơn 300ha tại các xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú.

Hội Nông dân huyện Tiền Hải thực hiện 5 giải pháp phát triển kinh tế biển

Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân huyện Tiền Hải tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo 5 giải pháp trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ 28 đã đề ra. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho nông dân về chủ trương đẩy nhanh tiến độ các khu vực quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư sản xuất, chế biến thuỷ hải sản.

Chủ tịch Hội Nông dân một huyện ở Thái Bình đề xuất 5 giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế biển  - Ảnh 3.

Lãnh đạo Huyện uỷ Tiền Hải tặng hoa chúc mừng Đại hội Hội Nông dân huyện Tiền Hải tổ chức tháng 5/2023 vừa qua. Ảnh Lê Chinh

Trong thời gian tới, để kinh tế biển phát triển mạnh hơn nữa với kỳ vọng thành lĩnh vực phát triển tiêu biểu, chủ đạo, nhân rộng được mô hình chuỗi giá trị, Hội Nông dân huyện đã chủ động một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, chủ động tìm tòi nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ kỹ thuật phát triển nuôi trông thuỷ sản nước lợ, nước mặn, tập trung vào các khâu giống, quy trình sản xuất, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, quản lý chặt chẽ chuỗi. Áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thuỷ sản đặc biệt trong nuôi tôm, nuôi ngao và quy trình sản xuất ngao giống, tôm giống và chủ động một phần các loại con giống trong nuôi trồng và phát triển kinh tế biển. 

Thứ hai, chủ động nắm bắt thông tin, dự báo, cảnh báo, thị trường để có hướng đi thích hợp vào từng thời điểm trong năm. Tích cực đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Thứ ba, phát triển thương hiệu Ngao Tiền Hải và các sản phẩm thuỷ hải sản chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ tư, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, các ngành tìm kiếm và thu hút các nguồn lực, mạnh dạn đầu tư để mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình, tăng cường chất lượng, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu về nông sản thực phẩm nói chung, thuỷ hải sản và chuỗi kinh tế biển nói riêng.

Thứ năm, là tiếp tục cùng với tổ chức Hội Nông dân các cấp tuyên truyền rộng dãi đến với hội viên nông dân áp dụng KHKT, nâng cao trình độ, thay đổi nhận thức, mạnh dạn đầu tư làm cho ngày càng có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao đi đôi với bảo vệ môi trường góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, kinh tế ven biển. 

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế biển, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải đã mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành một số nội dung sau:

Một là: Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời hơn nữa cho những sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, nhất là các sản phẩm OCOP. Tỉnh Thái Bình quy hoạch các vùng chuyên canh, tạo thuận lợi cho nông dân yên tâm đầu tư, phát triển. Đồng thời, có những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, có ưu đãi đặc biệt về đất đai, xây dựng hạ tầng đồng bộ để nông dân có điều kiện đầu tư phát triển.

Hai là: Tăng cường các nguồn vốn ưu đãi, tín chấp để nông dân có cơ hội tiếp cận, giảm bớt áp lực về vốn, mở rộng sản xuất với quy mô lớn hơn.

Ba là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển giao KHKT, hỗ trợ kiến thức thương mại cho nông dân nhất là các tổ hợp tác và HTX chuyên canh, liên kết sản xuất.

Ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết: Hàng năm, Hội Nông dân huyện Tiền Hải có 85% hội viên đăng ký thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, qua bình xét có trên 70% hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại.

Ngoài ra, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, nông dân được quan tâm. Hội Nông dân huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 1.158 buổi hội thảo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 115.857 lượt hội viên; tổ chức 40 lớp dạy nghề cho 1.991 lao động nông thôn.

Hội Nông dân huyện Tiền Hải còn phối hợp ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 188,58 tỷ đồng; vốn tín chấp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 410,98 tỷ đồng tạo điều kiện gần 9.700 hộ vay vốn.

Ngoài vốn của các ngân hàng, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội và Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đầu tư 6 dự án với tổng số tiền 3,1 tỷ đồng cho 62 hộ vay; quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện và cấp cơ sở đạt 565 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem