Chùa trên nóc chung cư: Nếu chỉ để tiện cầu khấn là coi thường Phật

Mỵ Lương Thứ năm, ngày 25/02/2016 10:29 AM (GMT+7)
"Theo tôi, có lẽ những người nghĩ ra việc xây chùa trên nóc chung cư, cao tầng người ta chỉ nghĩ để tiện cho việc cầu khấn, xin xỏ Phật. Như vậy là hạ thấp và coi thường Phật...", ông Nguyễn Hoài Nam - Hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ.
Bình luận 0

Lên chùa phải đi thang máy vì chùa nằm trên tầng thượng của chung cư, tòa nhà cao tại Hà Nội, có người bảo vệ với đầy đủ tượng Phật là những hình ảnh lạ đối với nhiều người. Nhiều  ý kiến đã được các nhà nghiên cứu đưa ra…

Hình ảnh ngôi chùa có tên “Nam Xa Tự” trên nóc khu tổ hợp chung cư Nam Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) vừa được báo chí phản ánh khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Trên tầng thượng của tòa nhà là một ngôi chùa khang trang rộng rãi, bên trong với đầy đủ tượng Phật như một ngôi chùa ở dưới đất và có người bảo vệ. Một hình ảnh tương tự có thể bắt gặp ở sân thượng tòa nhà 27 đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội). Báo chí phản ánh đó là chùa nhưng một cán bộ quản lý nói đó là điện thờ.

Trao đổi với với phóng viên Dân Việt về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, ngôi chùa trên nóc các tòa nhà để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của những người sống trong chung cư đó. Theo ông, đó là điều hay bởi con người sống dù sống ở nông thôn, thành thị, tại những chung cư, họ giống nhau là có và mong muốn được sống đời sống tâm linh của mình.

img

img

Chung cư Nam Xa La (Hà Đông, Hà Nội) và ngôi chùa ở tầng trên cùng của tòa nhà này. Ngôi chùa khá rộng rãi, khang trang. Ảnh: Nhị Tiến/Vietnamnet

 “Những người sống trong chung cư cũng có ước mong, cầu khấn, mong được giải tỏa. Và đây có lẽ là biện pháp hay thay vì người ta phải đi đến một ngôi chùa xa xôi nào khác, khi họ có tâm hướng Phật chỉ việc lên thang máy là đến ngay được chùa. Điều này cũng phải thông cả cho hoàn cảnh của họ. Vì chùa trên nóc chung cư khác so với không gian của một ngôi chùa dưới mặt đất” – GS Thịnh cho biết

Tuy nhiên, GS Ngô Đức Thịnh khuyến cáo, việc chùa xây dựng trên nóc những tòa nhà cần phải được xem xét, tìm hiểu “cơ chế” vận hành của ngôi chùa. Có thể là do người dân của chung cư đó đóng góp xây dựng, hay do một ai đó đứng lên nhằm dựng chùa để trục lợi. Điều này cần phải được tìm hiểu vì hai nghĩa hoàn toàn khác nhau giữa một bên là người dân xây, còn một bên xây lên để lợi dụng vào niềm tin của người dân. 

Nhìn từ góc độ khác, ông Nguyễn Hoài Nam - Hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá, về kiến trúc, giữa một bên ngôi chùa mang kiến trúc truyền thống, một bên là hiện đại, rõ ràng sự kết hợp này là không hợp lý.

img

Hình ảnh được cho là ngôi chùa trên nóc tòa nhà 27 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Ảnh: Vietnamnet

“Nếu hiểu theo nghĩa chùa là nơi thanh tịnh để tu hành, để đạt đến giác ngộ có thể thấy, việc xây chùa trên nóc chung cư là bất hợp lý, phản cảm và cũng đi ngược lại những ước mong tu hành như vậy. Theo tôi, có lẽ những người nghĩ ra việc xây chùa trên nóc chung cư, cao tầng người ta chỉ nghĩ để tiện cho việc cầu khấn, xin xỏ Phật. Như vậy là hạ thấp và coi thường Phật.

Hiện nay, phải thừa nhận giá đất tại các khu vực đô thị, thành phố là cao, nếu không muốn nói là rất cao. Hơn nữa việc xây dựng chùa chiền có lẽ cũng phải được sự đồng ý của pháp luật và Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, để né những chi phí, thủ tục ấy, người ta đã xây chùa trên nóc những chung cư.

Thực tế, xưa nay chúng ta đều quen với những hình ảnh ngôi chùa nằm hòa mình giữa thiên nhiên, phong cảnh, gần gũi với người dân, xóm làng, dù có cao, có xa nhưng cũng không quá xa đến nỗi người dân không thể tiếp cận với thần Phật, không thể bày tỏ những ước mong của mình và muốn có những sư tĩnh tâm trước cửa thiền. Việc xây chùa trên nóc chung cư như vậy vô hình chung đẩy Phật vào nơi xa cách, không phù hợp với tâm lý, truyền thống của người Việt” – ông Hoài Nam nhìn nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem