Chứng chỉ hành nghề giáo viên: Kinh nghiệm từ các nước và đề xuất cho Việt Nam

Tào Nga Thứ tư, ngày 22/05/2024 14:57 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.
Bình luận 0

Chứng chỉ hành nghề giáo viên tại các nước trên thế giới

Dự thảo Luật Nhà giáo với quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo đang nhận được quan tâm từ dư luận mấy ngày qua. 

PGS.TS Lê Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy. 

Các cơ quan cấp phép như yêu cầu các ứng viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn và thường xuyên cập nhật kiến thức để duy trì chứng chỉ qua các khoá đào tạo nâng cao. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bảo vệ quyền lợi của người học bằng cách đảm bảo rằng họ được giáo dục bởi những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.

Chứng chỉ hành nghề giáo viên: Kinh nghiệm từ các nước và đề xuất cho Việt Nam- Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Tại Mỹ, quyền quản lý giáo dục chủ yếu thuộc về các tiểu bang, mỗi tiểu bang có thể áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho việc cấp phép giáo viên. Các kỳ thi cấp phép thường bao gồm kiểm tra kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Ngoài ra, các tiêu chuẩn cấp phép còn yêu cầu giáo viên phải tiếp tục phát triển chuyên môn qua các khoá học và chương trình cập nhật kiến thức định kỳ. 

Một số tiểu bang yêu cầu giáo viên phải tái chứng nhận mỗi vài năm thông qua quá trình đào tạo liên tục và thi lại các bài kiểm tra để đảm bảo họ cập nhật với các phương pháp giảng dạy mới và tiêu chuẩn giáo dục (Goldhaber & Brewer, 2000).

Yêu cầu chung đối với chứng chỉ giảng dạy bao gồm lấy bằng Cử nhân và hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên. Có một số tiểu bang có yêu cầu về các môn học cụ thể hoặc yêu cầu về số giờ tín chỉ đại học để được chứng nhận trong các lĩnh vực chuyên môn. Chứng chỉ hành nghề được cấp theo từng bang. Khi giáo viên chuyển việc giảng dạy ở các bang, cần xin cấp phép lại hoặc chuyển giấy phép ở một số bang có cơ chế chứng nhận ngang hàng.

Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên sư phạm cần hoàn thành bài kiểm tra năng lực để được cấp giấy phép hành nghề. 

Tại Úc, có hai con đường phổ biến để trở thành giáo viên: Hoàn thành bằng sư phạm 4 năm, tùy thuộc vào nơi học và hoàn thành bằng đại học về một chuyên ngành cụ thể như khoa học hoặc âm nhạc cộng với bằng sư phạm sau đại học.

Ở Anh, để trở thành giáo viên có trình độ tại các trường do nhà nước quản lý trên khắp Vương quốc Anh cần phải tham gia chương trình Đào tạo Giáo viên Ban đầu (ITT - Initial Teacher Training hoặc ITE - Initial Teacher Education). Đầu vào của các chương trình này nhìn chung có tính cạnh tranh nhưng ít hơn đối với các môn học như toán, vật lý và ngôn ngữ.

Để có thể nhận được chứng chỉ hành nghề ở Singapore, các ứng viên cần đạt được những bằng cấp cần thiết để giảng dạy. Ví dụ đối với Mầm non, giáo viên cần có Chứng chỉ/văn bằng về Chăm sóc và Giáo dục Mầm non (ECCE - Early Childhood Care and Education). Chứng chỉ ECCE được cấp thông qua các trường đã đăng ký thuộc Viện Phát triển Mầm non Quốc gia (NIEC - National Institute of Early Childhood Development). Điều này cho phép giáo viên làm việc với trẻ từ 18 tháng đến 4 hoặc 6 tuổi từ mẫu giáo đến mẫu giáo.

Ngoài chứng chỉ, giáo viên ở Singapore còn phải trải qua quá trình phát triển chuyên môn thường xuyên để duy trì kỹ năng và kiến thức của mình. Điều này có thể bao gồm việc tham dự các hội thảo, hội nghị và khóa học cũng như tham gia vào các chương trình cố vấn và quan sát ngang cấp.

Ở Trung Quốc, chứng chỉ năng lực giáo viên là chứng chỉ hợp pháp mà người sở hữu có trình độ chuyên môn giáo viên được công nhận trên toàn quốc. Giáo viên trong các trường học và cơ sở giáo dục khác ở các cấp, loại hình phải có trình độ chuyên môn nhà giáo theo quy định của pháp luật và có chứng chỉ trình độ giáo viên tương ứng.

Chứng chỉ năng lực giáo viên là chứng chỉ do cơ sở quản lý giáo dục cấp để chứng nhận nhân sự tham gia hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật. Cơ quan cấp chứng chỉ này chủ yếu bao gồm Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục tỉnh và Phòng Giáo dục Thành phố. 

Mỗi năm, các tỉnh có 2 đợt thi để cấp chứng nhận: đợt mùa xuân từ tháng 3-7 hàng năm (có tỉnh chia thành 2 đợt nhỏ) và đợt mùa thu từ tháng 9-11 hàng năm. 

Đề xuất cấp Chứng chỉ hành nghề giáo viên tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, với vai trò đặc biệt quan trọng của đối ngũ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông, việc xem xét đưa vào quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo để thực hiện các yêu cầu đổi mới. Thông qua đó, người học sẽ được hưởng thụ môi trường giáo dục tốt cùng với đội ngũ giáo viên có kiến thức chuyên môn cập nhật, phương pháp giảng dạy và giáo dục phù hợp, kĩ năng và sự kiên nhẫn trong quá trình giảng dạy, giáo dục. 

Tuy nhiên việc triển khai cũng cần chú ý tới các chính sách đối với nhà giáo một cách tương xứng, đảm bảo các điều kiện thiết yếu để giáo viên có thể tập trung vào hoạt động nghề nghiệp của mình. Để nghề giáo thực sự là nghề nghiệp có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều ứng viên có chất lượng theo học và cam kết gắn bó lâu dài. Cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên cần đi đối với các chính sách đào tạo, bồi dưỡng liên tục đội ngũ nhà giáo.

Việc triển khai thi cấp chứng chỉ hành nghề cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn: khung đánh giá, ngân hàng câu hỏi, quy trình, thủ tục để đảm bảo những người được cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo có đủ năng lực và phẩm chất nghề nghiệp, đủ sức khoẻ tinh thần và sự kiên trì trách nhiệm với công việc đặc biệt quan trọng này. Việc phân cấp hoặc cho phép các đơn vị tổ chức cấp phép cần có tiêu chuẩn để thực hiện việc giám sát, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc thi cấp chứng chỉ.

Chứng chỉ hành nghề giáo viên: Kinh nghiệm từ các nước và đề xuất cho Việt Nam- Ảnh 2.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và một số chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo về chứng chỉ hành nghề. Ảnh: Bộ GDĐT

TS. Hồ Thu Hà và PGS.TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất: "Cơ quan cấp phép hành nghề là cơ quan chịu trách nhiệm chính về nghề (ví dụ với tâm lý trị liệu tại các quốc gia, vì liên quan đến chăm sóc sức khoẻ con người, Bộ Y tế hoặc các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế là đơn vị quản lý và triển khai cấp phép). Việc cấp phép và tuyển dụng nhà giáo cũng nên là trách nhiệm và thầm quyền của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Quy trình cấp phép ở tất cả các nước đều yêu cầu các điều kiện về đào tạo: ứng viên muốn đăng ký cấp phép thì bước đầu cần nộp hồ sơ xác nhận đã hoàn thành điều kiện về trình độ đào tạo yêu cầu (như bằng thạc sĩ, hay xác nhận thực tập và hồ sơ thực tập). Tiếp theo đó, một số quốc gia sẽ xét duyệt hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề, một số quốc gia sẽ yêu cầu ứng viên thi các bài thi về kiến thức/năng lực/đạo đức và luật để xác định ứng viên đủ năng lực để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Với nhà giáo cũng cần xác định khối lượng thực tập và hội nhập nghề nghiệp đủ để rèn các năng lực chuyên môn và cách xử lý các tình huống sư phạm theo các quy chuẩn đạo đức một cách nhuần nhuyễn.

Một số quốc gia yêu cầu ứng viên đạt các bài đánh giá về kiến thức và năng lực sau khi đã đạt các yêu cầu cơ bản về đào tạo. Bài đánh giá này được xây dựng bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, và dựa trên các tiêu chuẩn về kiến thức, năng lực, luật và quy tắc đạo đức đối với nghề nghiệp. Nhưng các bài thi thường đặt trọng số nhiều hơn vào tiêu chuẩn chuyên môn trong khi các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp cũng chỉ được kiểm tra trên phương diện lý thuyết.

Các quốc gia đều có bộ tiêu chuẩn cho hành vi nghề nghiệp và đạo đức nghề do Hiệp hội Nghề hoặc Uỷ ban nghề của chính phủ xây dựng. Tổ chức này cũng chịu trách nhiệm quản lý việc hành nghề tuân thủ theo các tiêu chuẩn này, và thi hành việc điều tra, xử lý các hành vi sai phạm. Việc đình chỉ, thu hồi hay cấp lại chứng chỉ hành nghề sau khi thu hồi có các quy trình riêng theo từng quốc gia nhưng cơ bản được nêu rõ trong các hướng dẫn liên quan đến cấp phép và thực hành nghề. 

Đối với bối cảnh Việt Nam, khi tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo được luật hóa, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục nên là đầu mối quản lý việc hành nghề tuân thủt heo các chuẩn mực và quyết định việc đình chỉ, thu hồi hay cấp lại chứng chỉ hành nghề với những giáo viên không đạt chuẩn về đạo đức hay năng lực chuyên môn".

Tại Hội thảo khoa học lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo do Bộ GDĐT phối hợp với Trường Đại học Luật và Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận các vấn đề xung quanh chứng chỉ hành nghề như quy định pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ, kinh nghiệm và bài học quốc tế…

GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần có những điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, quy định đạo đức nghề nghiệp của mọi nhà giáo cả khu vực công, khu vực tư và được áp dụng đối với cả nhà giáo nước ngoài làm việc ở các cơ sở giáo dục của Việt Nam, cơ sở giáo dục của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Không phân biệt đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở các cấp học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem