Chương trình EPS: Nhiều niềm vui, lắm nỗi lo

Thứ năm, ngày 08/12/2011 09:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong 3 chương trình XKLĐ đi Hàn Quốc, số lao động Việt Nam đi theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) đông nhất với 63.271 người.
Bình luận 0

Cùng với đó là 63.271 niềm vui khi lao động có việc làm ổn định, thu nhập khá. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui vẫn còn nhiều nỗi lo của lao động về tình trạng lừa đảo…

Những làng quê thay da đổi thịt

Gia đình ông Hồ Được ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nổi tiếng nhất huyện vì có tới 5 con đi XKLĐ ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Ông cho hay, 2 con trai đầu của ông xuất cảnh từ năm 2008: “Nhờ số tiền 2 con gửi về, gia đình tôi mới đủ trang trải chi phí cuộc sống và lo cho 3 con còn lại xuất cảnh”.

img
Lao động Việt Nam lên đường đi XKLĐ tại Hàn Quốc.

Các con ông Được hiện có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, tính ra, gia đình ông từ nghèo đói giờ đã thành tỷ phú trong thôn. Tương tự, gia đình chị Đoàn Thị Thu Vân có 2 con trai đi XKLĐ Hàn Quốc làm nghề hàn, tiện. Vì có tay nghề cao, làm thêm nhiều nên thu nhập của mỗi người đạt tới 300 triệu đồng/năm.

Ông Đoàn Khắc Chỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ngãi cho biết, thôn 1 xã Nghĩa Lâm hiện có 60 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, nếu tính thu nhập trung bình 100 triệu đồng/lao động/năm thì mỗi năm lượng tiền mặt đổ về đây cũng khoảng 6 tỷ đồng: “Người dân ở đây cũng rất giản dị, họ không xây nhà to, mua xe đẹp mà để đầu tư vào sản xuất nên kinh tế phát triển mạnh”- ông Chỉnh nói.

Xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng có trên 2.000 người đi XKLĐ, trong đó hơn 1.000 người đang làm việc tại Hàn Quốc. Mỗi năm, người lao động gửi về hơn 200 tỷ đồng. Ông Hoàng Đình Hùng- Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho hay, bộ mặt làng xã ở đây thay đổi hoàn toàn từ khi người dân tham gia XKLĐ, nhất là đi Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Ông Đào Công Hải - Cục phó Cục Quản lý việc làm ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho hay, Chương trình EPS được thực hiện từ năm 2004 theo thỏa thuận giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Kể từ khi thực hiện chương trình này, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với phía Hàn Quốc tổ chức 8 kỳ kiểm tra tiếng Hàn, với hơn 110.000 người tham dự.

Nhìn chung, đa số người lao động Việt Nam được phía bạn đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo… Chính vì vậy số lượng người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động lựa chọn luôn dẫn đầu so với lao động của 14 quốc gia phái cử khác.

“Với mức thu nhập trung bình khoảng trên 1.000 USD/người/tháng, nếu làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần thì người lao động được hưởng tiền lương cao hơn nên thị trường này thu hút rất nhiều lao động nông thôn”- ông Hải nói.

Nhiều nỗi lo…

Nỗi lo này trước hết là ở phía người quản lý. Ông Nguyễn Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), đơn vị duy nhất được đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS giãi bày: “Năm 2004-2005 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình EPS, Bộ LĐTBXH tổ chức tuyển lao động là quân nhân xuất ngũ để đảm bảo tính kỷ luật, sau đó mở rộng tuyển học sinh các trường nghề. Giờ số lượng tăng lên, đối tượng tuyển là bất cứ ai biết tiếng Hàn và có nhu cầu đi XKLĐ nên số người đăng ký rất lớn và là cơ hội cho “cò” hoành hành”.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tổng số lao động Việt Nam đã xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS là 63.271 người. Riêng 9 tháng đầu năm 2011 là 12.300 người.

Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong ngành sản xuất chế tạo (gần 90%), nông nghiệp, đánh cá, xây dựng và dịch vụ.

Cũng theo thống kê của Bộ LĐTBXH, trong số 110.000 người dự các kỳ kiểm tra tiếng Hàn, mới chỉ có 63.271 người xuất cảnh, điều đó có nghĩa gần 1 nửa số lao động còn lại không có cơ hội xuất cảnh, gây tâm trạng lo lắng, chờ đợi, thậm chí mất tiền cho “cò”. Lao động Lê Tấn Trường (Vụ Bản, Nam Định) cho biết, sau khi qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn và chờ đợi mãi không xuất cảnh được, Trường đã đóng tiền cho trung gian với mong muốn được đi sớm, đến nay tiền mất mà việc làm thì chưa thấy.

Ngoài nỗi lo về “cò”, về hồ sơ không được chọn thì nỗi lo lừa đảo cũng thường trực. Ông Phan Văn Minh cho hay: Lực lương an ninh đã chỉ ra một số mánh khoé mà tội phạm lừa lao động là: Đưa ra các hợp đồng lao động giả; Dụ dỗ người lao động là có thể đi theo kênh tự do, cá nhân; Lừa người lao động đi theo visa du lịch…

Bài tiếp: Kỳ thi được mong đợi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem