Chuyện chưa biết về vụ án Năm Cam: Ai phát hiện nhóm sát thủ 12 người từ Bắc vào Nam xử Dung Hà? (kỳ 6)

Nhóm phóng viên điều tra Thứ tư, ngày 16/08/2023 07:30 AM (GMT+7)
Một cán bộ Công an TP Hải Phòng báo cáo với tướng Nguyễn Việt Thành – Trưởng Ban chuyên án vụ Năm Cam về tài liệu liên quan đến một nhóm sát thủ gồm 12 đối tượng đã từ Hà Nội vào TP.HCM với mục tiêu hạ sát Dung Hà, trước khi xảy ra trọng án 2 tháng.
Bình luận 0

Cuộc chiến tranh giành quyền lực, lợi nhuận giữa các băng nhóm "xã hội đen"

Năm 2001-2002, trong thời điểm diễn ra cuộc truy quét các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến trùm "xã hội đen" Năm Cam, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cho lực lượng công an các tỉnh, thành phố trọng điểm trên địa bàn cả nước triển khai các phương án rà soát lại toàn bộ các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đặc biệt là các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen".

Chuyện chưa biết về vụ án Năm Cam: Ai phát hiện nhóm sát thủ 12 người từ Bắc vào Nam xử Dung Hà? (kỳ 6) - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành - Trưởng Ban chuyên án vụ Năm Cam và đồng bọn. Ảnh T.L

Thời điểm đó, lực lượng công an của cả nước đã rà soát thống kê được 887 băng nhóm tội phạm nguy hiểm gồm 3.645 đối tượng các loại, trong đó có nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu "xã hội đen". Cuối tháng 12/2001, trả lời báo chí, Thượng tướng Lê Minh Hương lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Trong một năm qua, toàn quốc xảy ra 90 nghìn vụ án hình sự, thì riêng mấy thành phố lớn (như TP.HCM, Hà Nội…) đã chiếm tới 50% số vụ, gồm cả các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lực lượng công an đã phá được nhiều tổ chức băng nhóm tội phạm, nhưng vụ Năm Cam nổi cộm nhất và hậu quả lớn nhất.

Chuyện chưa biết về vụ án Năm Cam: Ai phát hiện nhóm sát thủ 12 người từ Bắc vào Nam xử Dung Hà? (kỳ 6) - Ảnh 2.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - khắc tinh của tội phạm, người từng trực tiếp bắt trùm giang hồ Năm Cam năm 1995. Ảnh Báo ANTG

Đặc biệt, trong số nói trên, cơ quan công an đang điều tra, làm rõ 149 đối tượng "xã hội đen" thuộc loại có nhiều tiền án, tiền sự nằm trong mạng lưới chân rết của băng nhóm Năm Cam tại TP.HCM và một số địa phương khác. Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an cũng cho biết, sau khi các băng nhóm tội phạm bị truy quét liên tục ở các địa phương phía Bắc, thời điểm ấy, đã có tới 42 băng nhóm tội phạm kéo quân về các tỉnh, thành phố phía Nam để hoạt động. Chính vì thế từ cuối năm 1999 đến cuối năm 2001, tại địa bàn TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, trong giới tội phạm "xã hội đen" đã nổ ra cuộc "chiến tranh" giữa các băng nhóm nhằm tranh giành, phân chia địa bàn làm ăn.

Thời gian đó, tại TP.HCM chỉ trong một thời gian ngắn đã dồn dập xảy ra các vụ thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm tội phạm có tổ chức theo kiểu "xã hội đen" như vụ bắn chết 2 trùm Dũng Hà, Thắng Chập; vụ 2 băng nhóm tội phạm đâm chém nhau và bắn chết Trần Ngọc Hiền trước khách sạn Metropolis; vụ đánh nhau trước vũ trường Thiên Hà…cho thấy cuộc chiến phân chia quyền lực và lợi nhuận giữa các băng nhóm tội phạm đã lên tới đỉnh điểm. Nghiêm trọng hơn, một số băng nhóm "xã hội đen" đã chuyển hướng hoạt động theo kiểu đâm thuê, chém mướn theo đơn đặt hàng.

Nguồn tin từ Bộ Công an cũng cho thấy, trước đó bố già Năm Cam đã có quan hệ mật thiết với một số phần tử tội phạm quốc tế. Trong mấy năm trước khi bị bắt, Năm Cam đã đi Ma Cao, Hồng Kông, Mỹ, Hàn Quốc… để gặp gỡ các phần tử này. Một số đối tượng tội phạm quốc tế thâm nhập vào Việt Nam cũng đã từng gặp gỡ Năm Cam.

Chuyện chưa biết về vụ án Năm Cam: Ai phát hiện nhóm sát thủ 12 người từ Bắc vào Nam xử Dung Hà? (kỳ 6) - Ảnh 3.

Năm Cam (áo trắng) và Dung Hà - người đứng thứ hai từ trái sang. Ảnh T.L

Chiêu "mượn gió bẻ măng" của trùm Năm Cam

Để điều phối các lĩnh vực làm ăn, Năm Cam đã từng kết hợp với hai Việt kiều Mỹ để tổ chức các sòng rulet bài cẩu. Các sòng bạc này luôn được tổ chức trong các địa bàn phức tạp về hình sự, được bao bọc bởi các xóm nhà của bọn đàn em trong giới giang hồ. Có thể nói, chính quyền một số phường xã, một số quận, huyện biết khá rõ về sự hoạt động của các sòng bạc này. Nhưng bởi Năm Cam lại có mối quan hệ bạn bè thân hữu với một số cán bộ giới chức quận, huyện, nên các sòng bạc đó đều được bảo kê an toàn.

Năm 1989, Năm Cam bị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM bắt, và y đã "lập công chuộc tội" tố giác địa điểm hoạt động của 20 sòng bạc khác. Số sòng bạc này đã bị công an truy quét, những trớ trêu là 20 sòng bạc này không nằm trong hệ thống sòng bạc do Năm Cam điều hành, y đã tố giác chỉ để mượn tay công an tiêu diệt các sòng bạc đang cạnh tranh với băng nhóm của y. Do thủ đoạn này, Năm Cam đã "dựa hơi công an" để trùm lấp và đe nạt các đối thủ làm ăn. Đi đâu, y cũng xưng danh mình "là cơ sở, là người của công an" để thao túng giới giang hồ. Y đã tung tiền một cách hào phóng đúng kiểu "Anh hai Nam Bộ" để mua chuộc một số cán bộ cơ sở, nâng cao uy lực với các băng nhóm giang hồ ở TP.HCM.

Tháng 4/1994, Đội hình sự công an một quận ở TPHCM đã bắt một sòng bạc rulet do đàn em Năm Cam tổ chức cùng nhiều tang vật và khách nước ngoài. Thế nhưng chỉ vài hôm sau, bàn rulet mang từ nước ngoài về này đã được hoàn trả lại và được khai trương tưng bừng hơn. Tiếng tăm của Năm Cam từ đó vang dậy như cồn. Trong cùng thời gian này, sòng bạc của một đàn em Năm Cam bị bắt tại địa bàn một quận khác, cùng với nhiều tang vật và tay chơi người Đài Loan, Hồng Kông. Thế nhưng chủ sòng bạc cũng được thả ngay, còn con rể của chủ sòng bị tạm giữ, hôm sau cũng được thả nốt.

Chuyện chưa biết về vụ án Năm Cam: Ai phát hiện nhóm sát thủ 12 người từ Bắc vào Nam xử Dung Hà? (kỳ 6) - Ảnh 4.

Năm Cam và đồng bọn thời điểm ra tòa. Ảnh T.L

Ai đã chỉ đạo sát hại "bà trùm" Dung Hà?

Có một tình tiết khá đặc biệt cho đến nay chưa từng công bố, liên quan đến việc "bà trùm" Dung Hà bị hạ sát công khai tại TP.HCM vào đêm rạng ngày 2/10/2000. Ngay lúc đó, dư luận xã hội đặt câu hỏi lớn: Ai là kẻ cả gan đứng đằng sau chỉ đạo, tổ chức sát hại bà trùm "xã hội đen" nổi danh của thành phố Hải Phòng?

Được biết, sau vụ việc này ít tháng, có một cuộc họp của Ban chuyên án liên tỉnh gồm TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định để nhằm tìm ra: ai là thủ phạm chính, ai là kẻ dứng sau chỉ đạo, sát hại Dung Hà? Tại cuộc họp này, theo tài liệu điều tra ban đầu của Công an TP.HCM cho thấy kẻ giết Dung Hà có thể là đối tượng giang hồ cộm cán tên là Hoàng Hán nổi tiếng trong giới "xã hội đen" Hà Nội (trước đó Hoàng Hán liên quan đến việc đâm chết một tay giang hồ cộm cán khác ở khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm) và đang bị truy nã toàn quốc.

Sở dĩ có chuyện này, vì đêm Dung Hà ngồi trước quán bar tại phố Bùi Thị Xuân bị một người hạ sát bằng súng ngắn, lúc đó ngồi chơi cùng Dung Hà có mấy người. Trong số này, có vợ chồng một người bạn của Dung Hà, sau đó họ xác nhận với cơ quan điều tra, có khả năng đối tượng bắn Dung Hà là tay côn đồ cộm cán Hoàng Hán. Hai vợ chồng này đã nhận diện qua 5 bản ảnh cơ quan công an đưa ra, chỉ ngay vào ảnh Hoàng Hán (là ảnh chụp đối tượng này ở trong tù cách đó 3 năm).

Điều đáng nói, tại cuộc họp của Ban chuyên án liên tỉnh hôm đó, có một sĩ quan cảnh sát hình sự giàu kinh nghiệm của Công an TP Hải Phòng đã cho rằng, việc kết luận Hoàng Hán bắn Dung Hà có hai điểm không đúng.

Thứ nhất, việc hạ sát Dung Hà khoảng 24h đêm rạng sáng 2/10/2000 diễn ra rất nhanh, mấy người ngồi quanh đó dưới trời tối, trong tâm trạng hoảng loạn, làm sao nhận diện chính xác được kẻ gây án đã lướt qua rất nhanh, bất ngờ rút súng bắn rồi bỏ chạy luôn.

Thứ hai, trong hàng ngàn đối tượng tội phạm bị truy nã toàn quốc, tại sao chỉ có 5 ảnh được đưa ra nhận diện, trong đó ảnh chụp Hoàng Hán ở trong tù, đầu cắt trọc, mặc quần áo lính, còn đối tượng bắn lại để tóc dài, mặc quần áo khác. Do vậy, việc nhận diện này có sai số và rủi ro rất cao, nên vị cán bộ Công an Hải Phòng trình bày với Ban chuyên án liên tỉnh, việc kết luận kẻ bắn Dung Hà là chưa đúng, thực chất không phải Hoàng Hán như tài liệu điều tra ban đầu.

Vạch kế hoạch phá vụ án Năm Cam ngay trên máy bay

Ngày hôm sau, tướng Nguyễn Việt Thành -Trưởng ban Chuyên án đã gặp riêng vị cán bộ Công an TP Hải Phòng để làm rõ tài liệu, chứng cứ mà Hải Phòng thu thập được qua việc đối tượng Dung Hà đã vào TP.HCM đã liên lạc thường xuyên với trùm xã hội đen Năm Cam để nhận sự bảo trợ của y trong việc tổ chức sòng bạc.

Tiếp theo, vị cán bộ Công an TP Hải Phòng báo cáo với tướng Nguyễn Việt Thành về tài liệu liên quan đến một nhóm sát thủ gồm 12 đối tượng đã từ Hà Nội vào TP.HCM với mục tiêu hạ sát Dung Hà (trước khi xảy ra trọng án 2 tháng), chúng đã ở những khách sạn, nhà nghỉ nào, số điện thoại của số đối tượng này và việc chúng hiện đang tụ tập đánh bạc tại một khách sạn ở Vũng Tàu.

Trong số 12 đối tượng này, có hai tên sau này đã tham gia vụ hạ sát Dung Hà. Từ những tài liệu trên, Ban chuyên án liên tỉnh đã khoanh vùng theo dõi các hoạt động của thế giới ngầm tội phạm do Năm Cam điều hành, để làm rõ việc đối tượng Hải Bánh đã theo chỉ đạo của Năm Cam cho đàn em sát hại Dung Hà, vì nữ quái này và băng nhóm "xã hội đen" Hải Phòng đã tiến hành quậy phá các sòng bạc, khách sạn, nhà hàng do băng nhóm Năm Cam bảo kê.

Sau này, trao dổi với nhóm phóng viên chúng tôi, tướng Nguyễn Việt Thành cho biết: Sau khi Ban chuyên án di lý đối tượng Hải Bánh từ khám Chí Hòa TP.HCM về trại tạm giam của Công an Tiền Giang, được sự động viên của các điều tra viên, Hải Bánh đã khai nhận việc trùm xã hội đen Năm Cam chỉ đạo y cho hai đàn em tổ chức hạ sát Dung Hà. Ngay lập tức việc bắt giữ Năm Cam được triển khai.

Để tránh bị lộ lọt tin tức, Ban chuyên án quyết định điều lực lượng của Công an Tiền Giang lên TP.HCM phục bắt Năm Cam. Tướng Thành kể lại: "Lúc đó, tôi nói với anh em ở Tổng cục Cảnh sát, Công an TP.HCM và các tỉnh lân cận rằng, tôi đi máy bay ra Hà Nội khoảng nửa tháng để báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an về chuyên án Năm Cam. Sau đó, tôi cùng với 2 sĩ quan là Nguyễn Thế Bình và Hoàng Tân Việt lên máy bay ra Hà Nội, hẹn làm việc với Thượng tướng Lê Thế Tiệm, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an.

"Đến sân bay Nội Bài khoảng 10 giờ, Thượng tướng Lê Thế Tiệm cho xe ra đón về cơ quan làm việc ngay. Tôi làm việc với anh Tiệm khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, báo cáo về vụ Năm Cam và đề nghị vụ việc này không thể mở rộng cho người khác biết để đảm báo bí mật việc bắt giữ Năm Cam. Ngay sau đó, chúng tôi mua vé máy bay thần tốc quay trở lại TP.HCM, tôi cùng anh Nguyễn Thế Bình và Hoàng Tân Việt vạch kế hoạch phá án ngay trên máy bay.

Sau khi máy bay hạ cánh, tôi không về cơ quan ngay, để đề phòng chuyện bị nhận diện mà ở lại sân bay Tân Sơn Nhất đến 20 giờ mới gọi xe về. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, tôi gọi anh em Công an Tiền Giang lên tham gia phá án và bắt Năm Cam, không phải vì tôi không tin anh em ở TP.HCM mà là để tránh việc lộ lọt tin phá án.

Sáng hôm sau, khi Năm Cam ăn sáng và uống café ở chỗ quen trên đường Bà Huyện Thanh Quan, tôi bố trí cho anh em theo dõi. Khoảng 9 giờ 30, tôi ra lệnh cho anh em vào cuộc thì Năm Cam đã lẻn đi ra ngoài từ trước đó. Lập tức mấy mũi trinh sát tỏa đi mấy phía để tìm y. Ở một hướng, phát hiện thấy Năm Cam đang đứng gọi ở một cột điện thoại bên đường. Tôi yêu cầu anh em bám sát, thấy Năm Cam rẽ vào một khách sạn nhỏ của vợ bé y ở gần đó, rồi vào phòng khách ngồi chơi.

Tôi bảo anh em nói với cô lễ tân: "Tôi là Việt Thành, Tư Bốn bạn thân của anh Năm Cam muốn vào thăm anh Năm". Cô lễ tân đâu có biết gì, tôi liền dẫn ba anh em trinh sát vào gõ cửa phòng, khi Năm Cam vừa đi ra, liền bị anh em rút súng kê luôn vào bụng nói " Năm Cam, mày bị bắt", khiến Năm Cam hoảng loạn, tè ướt hết cả quần. Ngay lập tức, lực lượng trinh sát công an dẫn Năm Cam ra xe, áp giải ngay về trại giam ở Tiền Giang. Còn các lực lượng công an, cảnh sát tiếp tục tiến hành khám xét các địa điểm liên quan đến Năm Cam và đồng bọn. Trước đó, Năm Cam có tung tin nói rằng, y với ông Việt Thành cùng tuổi sinh năm 1947, không lý gì ông Thành ra tay với tôi!", tướng Nguyễn Việt Thành kể.

Được biết, khi chưa bị bắt, Năm Cam đã yêu cầu con trai của mình là "Bảo thái tử" theo sát tướng Nguyễn Việt Thành rồi dùng tiền bạc, vật chất và gái để hối lộ, mua chuộc ông nhưng bất thành vì ông Thành là người chuyên "ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân" tại cơ quan, không thể nào vô được.

Điều đáng chú ý, sau khi bắt giữ trùm "xã hội đen" Năm Cam, tại một cuộc họp, có lãnh đạo chất vấn tướng Nguyễn Việt Thành: "Tại sao bắt Năm Cam không báo cáo với cấp ủy?". Ông Thành cự lại luôn: "Không luật nào quy định bắt một thằng lưu manh phải báo cáo với cấp ủy".

Chưa hết, trong một cuộc họp rất quan trọng khác, có ý kiến của một ông tướng cho rằng phải xem xét kỷ luật 3 sĩ quan: Trương Hữu Quốc, Nguyễn Việt Thành, Nguyễn Thế Bình trong vụ Năm Cam. Tướng Nguyễn Việt Thành (anh hùng lực lượng vũ trang thời kháng chiến) nói thẳng tưng: "Tôi sẵn sàng trả lon, cởi áo, trở về quê ngay". Còn tướng Trương Hữu Quốc phản đối ông tướng đòi kỷ luật mình: "Tôi với anh cùng cấp ngành, cấp ủy, sao anh lại đòi kỷ luật tôi, chỉ có cấp trên mới có thể đề nghị kỷ luật tôi, còn anh nói thế là không đúng". Sau đó, ông tướng này đã phải xin lỗi tướng Trương Hữu Quốc. Những việc này cho thấy, việc triệt phá băng nhóm của trùm xã hội đen Năm Cam thật vô cùng phức tạp và khó khăn ở thời điểm ấy, vì có những ý kiến không đồng thuận ngay cả trong nội bộ.

Bài học từ vụ án trùm Năm Cam và đồng bọn

Tháng 2/2003, Tòa án Nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử vụ án đường dây tội ác của trùm tội phạm Năm Cam với 155 bị cáo (có khá nhiều bị cáo là cán bộ một số cơ quan công quyền và pháp luật). Việc xét xử vụ án đã diễn ra hơn 3 tháng với 57 ngày làm việc đã kết thúc chiều 5/6/2003. Trong bản luận tội dài 400 trang của hai công tố viên, có tới 152 trang luận tội Năm Cam và 21 bị cáo đầu vụ.

Bản luận tội khẳng định: "Năm Cam đã gây nên nhiều nỗi khiếp sợ không chỉ cho người dân bình thường mà ngay cả nhiều người làm việc ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, có người né tránh, có người hòa mình vào cái tổ chức hắc ám không tên của Trương Văn Cam, để nhận được những đồng tiền tội lỗi do Năm Cam trích ra một phần nhỏ trên tổng số thu lợi lớn từ các hoạt động phạm tội, lại cũng có kẻ lợi dụng nghề nghiệp, chức trách tự tìm đến với mưu toan kiếm lợi từ Năm Cam.

Trong nhiều năm, Năm Cam đã chủ động quan hệ, tạo mối thân tình với những cán bộ công tác ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, y chú ý tới công an phường, quận nơi y mở sòng bạc. Cao hơn nữa, Năm Cam tạo mối thân tình với cảnh sát điều tra, cảnh sát hình sự Công an thành phố với cái vẻ bề ngoài lương thiện là hợp tác với cơ quan công an để phát hiện và giúp bắt tội phạm. Nhưng thực tế đó chỉ là tấm bình phong che giấu cho hành vi phạm tội của y đồng thời dựa thế cơ quan pháp luật triệt hạ các băng nhóm tội phạm khác không ăn cánh hoặc không chịu quy phục".

Chuyện chưa biết về vụ án Năm Cam: Ai phát hiện nhóm sát thủ 12 người từ Bắc vào Nam xử Dung Hà? (kỳ 6) - Ảnh 10.

Đầu năm 2022, Hải Bánh- đệ tử của trùm giang hồ Năm Cam ra tù sau 21 năm thụ án. Ảnh MXH

Về tội danh giết người của Năm Cam, bản luận tội xác định: " Năm Cam đã có hành vi chỉ đạo Hải Bánh cho đàn em sát hại Dung Hà là một bước phát triển cao trong hoạt động tội phạm của y. Năm Cam đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và thừa nhận chỉ đạo cho Nguyễn Tuấn Hải giết Vũ Hoàng Dung, phù hợp với lời khai của Hải, Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Xuân Trường (hai sát thủ vụ Dung Hà)"

Tòa đã công bố bản án với mức hình phạt: Tử hình đối với Năm Cam và 5 bị cáo khác; 5 bị cáo tù chung thân; 6 bị cáo tù từ 20 năm trở lên; 28 bị cáo được hưởng án treo; các bị cáo còn lại bị tuyên phạt tù 1 đến 19 năm tù.


Phát biểu với các nhà báo trong nước và quốc tế ngay sau khi kết thúc phiên tòa, thẩm phán Bùi Hoàng Danh, chủ tọa phiên tòa, khẳng định: "Phiên tòa được tiến hành xét xử công khai, dân chủ theo tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo được quyền và nghĩa vụ cho tất cả những người tham gia tố tụng, thực hiện đầy đủ và đúng những quy định của của Bộ luật tố tụng hình sự cũng như Bộ luật hình sự".

Trung tướng Nguyễn Việt Thành: "Đội ngũ chúng ta đông, có rất nhiều người biết các hoạt động của băng nhóm tội phạm Năm Cam nhưng tại sao không ra tay và đấy là một bài học? Rồi khi xảy ra các vấn đề lớn, chúng ta lại không có sự đồng thuận của các cấp, ngành và ngay cả trong nội bộ".

Trả lời câu hỏi của các hãng thông tấn nước ngoài "Vụ án có phải là một thông điệp gửi tới các quan chức tham nhũng khác hay không?", thẩm phán Danh nói: "Vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn là vụ án hình sự, mang tính chất trị an, hoàn toàn không phải là vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, trong vụ án này có một số bị cáo phạm tội nằm trong nhóm tội tham nhũng".

Sau vụ án nghiêm trọng nói trên, trao đổi với nhóm phóng viên chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, trưởng ban chuyên án (giờ đã về hưu) cho biết: Bài học lớn nhất trong công tác đấu tranh chống tội phạm qua vụ án này cho thấy những kẽ hở trong công tác cán bộ và việc xây dựng và quản lý lực lượng cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Được biết, Năm Cam và đồng bọn đã có ý định và tìm cách mua chuộc, hối lộ tướng Nguyễn Việt Thành nhưng không được, nên bọn chúng cũng từng lên kế hoạch ám sát ông nhưng cũng chưa triển khai được. Cũng theo tướng Nguyễn Việt Thành, vụ án băng nhóm xã hội đen của Năm Cam không thể để kéo dài hơn nữa, nên tháng 12/2001 phải triệt phá, bắt giữ ngay vì Năm Cam đã mua một biệt thự lớn ở bên Mỹ và có dấu hiệu muốn ra nước ngoài, xin nhập quốc tịch bên đó.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem