Chuyện “cổ tích” trên sông Danube

Chủ nhật, ngày 16/01/2011 07:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sông Danube như một điểm nhấn, tô điểm cho Budapest, Vienna... trở nên lãng mạn, lung linh. Trên dòng sông ấy, có nơi nước chảy cuồn cuộn, có nơi êm dịu bồng bềnh như những đám mây trôi.
Bình luận 0

Tôi đến Budapest (Thủ đô Hungary) những ngày cuối thu, trời bắt đầu trở lạnh, nhưng dòng người vẫn nườm nượp đổ về để chiêm ngưỡng bờ sông Danube - nơi được UNESCO xếp vào danh sách Di sản thế giới.

Lẵng hoa giữa lòng Budapest

img
Sông Danube chảy qua Bratislava (từ trên đồi nơi có tòa thành cổ nhìn xuống).

Quần thể văn hóa nơi đây với điểm nhấn là sông Danube đã khiến cho Busapest trở thành một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Từ trên đồi Gellert nhìn xuống, sông Danube uốn lượn như dải lụa giữa lòng thành phố.

Dọc hai bên bờ sông là những cung điện, đền đài nguy nga, tráng lệ được xây dựng từ thời trung cổ và hầu hết các công trình kiến trúc nghệ thuật của Budapest cũng tập trung ở đây. Trên sông, tàu du lịch như những khách sạn nổi, trôi nhè nhẹ giữa dòng nước như đưa ta vào thế giới chuyện cổ tích của Andersen.

Kia là bức tượng của nhà truyền đạo Đức Hồng y (Bishop) St. Gellert cheo leo trên vách đồi Gellert. Chuyện kể lại rằng, Đức Hồng y (Bishop) St. Gellert được Đức Giáo hoàng ở Ý cử sang Hung để truyền đạo nhưng đã bị những người dân địa phương (gọi là dị giáo) nhốt vào thùng gỗ rồi lăn từ trên đỉnh đồi cao nhất xuống sông Danube.

Khi nhà vua đầu tiên của Hung - St. Istvan được lên ngôi theo nghi lễ của Thiên chúa giáo đã cho dựng tượng của Đức Hồng y St. Gellert tại đồi này để nhớ tới ông. Từ đó ngọn đồi mang tên Gellert. Chót vót trên đỉnh đồi là tượng thần Tự do, hai tay nâng cao cành cọ - biểu tượng của khát khao tự do và chiến thắng...

Chếch về bên trái, nằm bên bờ sông phía Pest là tòa nhà Quốc hội. Đây là một trong những tòa nhà Quốc hội nổi tiếng thế giới và cổ nhất châu Âu - một kiệt tác của kiến trúc Gothic. Trong nắng vàng trời thu Budapest, tòa nhà soi bóng xuống dòng sông lấp loáng, ta có cảm giác như thực, như mơ.

Và cầu Xích (Szechengi) ngay dưới Cung Vua, nối hai bờ sông Danube được xây dựng từ năm 1839 như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Đêm đến, cây cầu như một chuỗi ngọc trai, trang điểm cho "nàng tiên Danube" càng trở lên lộng lẫy lung linh...

Câu cá trên sông Danube

Từ trên đỉnh núi phía sau Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, sông Danube như được chui ra từ trong vách núi. Tôi quyết định đạp xe dọc theo bờ sông Danube. Từ trên đỉnh núi, xe xuống dốc nhẹ tênh mang theo cảm giác bồng bềnh, Chạm vào chân sóng sông Danube, tôi bỗng thấy lòng mình nhẹ nhõm, bình yên. Như có phép màu, sông Danube cuốn đi mọi lo toan vương vấn...

Không có cung điện, đền đài, không tấp nập như ở Budapest, sông Danube chảy qua Vienna như quyện lấy thiên nhiên, không gian sâu lắng, thuần kiết, tinh khôi...

Tôi được Sồi - anh bạn Việt kiều rủ ra sông Danube câu cá. Trước khi đi, Sồi dặn phải mang theo áo khoác. Ngoài cần câu, mồi, Sồi còn chất lên xe ghế, đèn, đồ ăn… Chiều hè, sông Danube lộng gió, trên bãi cỏ, những đôi trai gái tắm nắng, thủ thỉ tâm tình, có người thì ngủ liu diu. Trên sông, những chiếc tàu chở khách du lịch dài hàng trăm mét, cao 3-4 tầng lướt sóng nhẹ tênh.

Khách ngồi hết cả trên boong ngắm cảnh, nhâm nhi những cốc bia và chụp ảnh ghi lại những kỷ niệm trên sông. Sồi là người sát cá, mới thả mồi được khoảng 10 phút, đã giật được con chép khoảng 3-4kg. Sau khi bỏ cá vào thùng, Sồi lấy ra một cuốn sổ ghi ghi, chép chép. Tò mò, tôi nhìn vào cuốn sổ thấy Sồi ghi "lý lịch trích ngang" con cá vừa câu được, ngày tháng, trọng lượng, loại cá…

Thấy tôi ngạc nhiên, Sồi giải thích, việc câu cá ở đây quy định rất chặt chẽ. Nếu muốn câu cá thì phải nộp thuế cho Nhà nước 15 Euro và mua thẻ 160 Euro/năm. Với cá chép, mỗi năm chỉ được câu 30 con, và mỗi con phải từ 45 phân trở lên mới được bắt. Riêng tháng 5 cá chép đẻ, không được câu đêm. Mỗi một loại cá có quy định riêng. Khi bắt được cá phải ghi nhật ký...

“Mình không ghi thì ai biết được?” - tôi hỏi. Sồi bảo, ở đây mọi người tự cảm thấy rất xấu hổ khi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, nếu bị kiểm tra phát hiện gian lận sẽ bị thu thẻ, ba năm sau mới được cấp lại.

Ở Bratislava (Thủ đô Slovakia), nơi lý tưởng nhất để ngắm sông Danube là trên đỉnh đồi - nơi tọa lạc của nhà Quốc hội và tòa thành cổ, hoặc ngồi trên tháp quay của cây cầu treo một mố nổi tiếng châu Âu - niềm tự hào của người Slovakia.

Khách du lịch đến Bratislava, ai cũng muốn được ngồi trên tháp quay nhâm nhi cốc cà phê để ngắm nhìn sông Danube. Đây là thắng cảnh đẹp nhất Slovakia. Cũng giống như Budapest, sông Danube chia Bratislava thành hai nửa, những cây cầu và các công trình văn hóa như nhà hát lớn, trung tâm triển lãm... nằm bên bờ sông đã trang điểm cho dòng sông thêm thơ mộng.

Với người châu Âu, sông Danube là báu vật vô giá của thiên nhiên trao tặng, bởi vậy dù ở Budapest, hay ở Bratislava... sông Danube cũng trong xanh, huyền diệu; mỗi khúc sông là một bài thơ do thiên nhiên và con người viết lên. Tôi mơ ước dự án thành phố bên sông Hồng của chúng ta sớm thành hiện thực và những con sông của chúng ta cũng chảy mãi không thôi...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem