Chuyện đặc biệt về người giữ lửa cho rối nước làng Ra

Duy Huy - Song Phúc Thứ tư, ngày 19/07/2023 15:22 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hữu Chính là nghệ nhân cao tuổi nhất ở phường rối nước làng Ra. 50 năm làm nghề, cũng là ngần ấy năm ông Chính đặt hết tình yêu của mình vào con rối. Từ trái tim của người nghệ nhân, ông đã đưa nghệ thuật múa rối nước tới gần hơn với khán giả.
Bình luận 0

Video nghệ nhân 50 năm giữ gìn và phát huy rối nước làng Ra. Thực hiện: Duy Huy-Song Phúc.

Ký ức về một phường rối cổ

Chúng tôi gặp và nói chuyện với ông Nguyễn Hữu Chính ngay sau khi ông vừa khắc xong một con rối bát tiên. Chân tay còn bám đầy bụi gỗ, ông Chính mời nước và vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện hơn 50 năm giữ gìn vốn quý của ngôi làng cổ xứ Đoài.

Ông Chính bồi hồi: "Tôi sinh ra tại một làng quê có truyền thống về nghệ thuật rối nước là làng rối nước Ra (xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) và là người có niềm đam mê với rối nước từ nhỏ. Từ những năm 70 thế kỷ trước tôi đã được học nghề và biểu diễn cùng với phường rối địa phương".

Chuyện đặc biệt về người giữ lửa cho rối nước làng Ra - Ảnh 2.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chính.

Lục lọi ký ức xưa trong chiếc tủ gỗ góc nhà, ông Chính lấy ra cho chúng tôi xem những bức ảnh kỷ niệm khi mới chập chững theo nghiệp tổ. Ông cho biết, đặc trưng của nghề rối nước làng Ra là "cha truyền, con nối", không truyền cho con gái, không truyền cho người ngoài. Vì vậy, nhà nào có cha ông là nghệ nhân thì rất vinh dự. 

Đi biểu diễn nhiều nơi, ông Chính cho biết, để thuận tiện, phường rối nước làng Ra đã lên sẵn một chương trình với thời gian hơn 1 giờ đồng hồ với nhiều tích, trò cổ, độc đáo của làng như: Trưng Vương dựng nước, Sơn tinh, Thủy tinh,….

Trong đó, điểm đặc biệt của rối nước làng Ra là các trò rối bằng dây với độ khó và đòi hỏi sự kỳ công, kỹ thuật cao so với rối nước bằng sào, có những trò hoàn toàn sử dụng dây nên người nghệ nhân phải điều khiển con rối từ dưới nước, việc biểu diễn rất khó khăn.

"Mùa nóng còn đỡ, chứ mùa lạnh, có những hôm rét buốt đến mấy, anh em cũng vẫn phải lội xuống ao biểu diễn. Nhưng lội xuống rồi, bao nhiêu lạnh buốt như không còn nữa bởi mình chỉ tập trung vào hoạt động của những con rối để nhịp nhàng, chân thật nhất, mang đến cho khán giả niềm hứng khởi với nét văn hóa cổ truyền. Những lúc ấy, ao có bẩn, có lạnh hay có ra sao đi nữa cũng chẳng còn quan trọng, cứ thấy khán giả vỗ tay, chăm chú theo dõi là người nghệ nhân lại nỗ lực hết mình", ông Chính trải lòng.

Chuyện đặc biệt về người giữ lửa cho rối nước làng Ra - Ảnh 4.

Thủy đình của phường rối nước làng Ra - nơi đào tạo ra những nghệ nhân xuất sắc của làng.

Trong các chuyến lưu diễn, để dàn dựng sân khấu dưới nước là cả quá trình công phu, nỗ lực của những người nghệ nhân. Từ các ao làng sâu 5 – 7 mét, bùn đất lầy lội, ông Chính cùng những người khác phải cải tạo, dàn dựng thủy đình để làm sao nước chỉ chạm tới rốn của nghệ nhân (khoảng 1 mét nước). Đó là công việc khó nhọc nhất của người nghệ nhân rối nước.

Đối với những nghệ nhân như ông Chính, rối nước không chỉ là nghề biểu diễn mà còn là niềm đam mê. Dẫu có buổi biểu diễn hay không, ông Chính vẫn hàng ngày kiểm tra các con rối, chỉnh sửa lại những phần hỏng hóc.

Ít ai biết, những con rối cũng là sản phẩm từ bàn tay tài hoa của chính các nghệ nhân rối nước như ông Chính mà ra. Từ tìm kiếm vật liệu phù hợp đến tạo hình, tô vẽ, sơn sửa đều được các nghệ nhân tự tay thực hiện, vì thế, mỗi con rối như linh hồn của người nghệ nhân, đặt vào đó biết bao tâm tư và khát vọng.

Trăn trở bảo tồn trò rối nước

Không riêng ông Nguyễn Hữu Chính, trăn trở lớn nhất của các nghệ nhân trong làng Ra là việc truyền nghề, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của làng.

Nghề biểu diễn rối nước đòi hỏi sức khỏe tốt bởi thường phải lội xuống nước hàng tiếng đồng hồ, chẳng quản ngại thời tiết, mọi hoạt động điều khiển con rối đều diễn ra dưới nước, thế mới nói "người trần mà làm việc âm". Không như các nghề biểu diễn khác, phục trang đẹp đẽ lên sân khấu, nghệ nhân rối nước phải mặc sao cho gọn gàng, biểu diễn xong, lên đến bờ là người ướt như lột...

Khó khăn, đặc thù là vậy nhưng những nghệ nhân của phường rối nước làng Ra luôn tin tưởng tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của cha ông như mạch nguồn chảy mãi trong trái tim, tâm trí những người con của làng. Để rồi, khi cuộc sống bớt bộn bề hơn, những người trẻ sẽ lại tìm đến rối nước, nối dài tình yêu với một nét văn hóa cổ truyền của quê hương.

Chuyện đặc biệt về người giữ lửa cho rối nước làng Ra - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hữu Chính bộc bạch: "Chúng tôi đều là nông dân nên hiểu tường tận về cuộc sống ở làng quê. Vậy nên, biểu diễn rối nước đấy mà như kể câu chuyện làng quê của chính mình. Các trò rối có lẽ cũng bởi vậy mà chân thật và gần gũi".

Ở cái tuổi bát tuần, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chính vẫn miệt mài với những con rối và đem hết tâm huyết của mình truyền cho thế hệ trẻ trong làng. 

"Rất may là các bạn trẻ ở Đào Thục cũng rất nhiệt huyết, đam mê với những con rối của quê hương. Ngoài những giờ học tập hay lao động kiếm tiền, các bạn trẻ làng Ra – những nghệ nhân tương lai rất chăm chú học tập nghề múa rối và làm con rối. Vì vậy, "vốn xưa" của làng vẫn được kế thừa và phát huy", ông Chính bày tỏ.

Lớp này kế lớp khác, đến nay phường rối đã quy tụ được 4 thế hệ, với khoảng 30 thành viên chính thức sinh hoạt trong phường rối nước truyền thống, là điều rất đáng mừng, là động lực để ông Chính và mọi người cùng nhau gìn giữ và phát huy vốn quý của địa phương.

Nhờ những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, năm 2015, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chính đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem