Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh: Đồng tiền chưa chắc đi liền chất lượng

Chủ nhật, ngày 03/09/2023 05:10 AM (GMT+7)
Ngoại hạng Anh tiếp tục dẫn đầu công cuộc mua sắm cầu thủ ở châu Âu. Nhưng nếu nhìn vào thực chất, nhiều thương vụ chỉ là sự thổi phồng giá trị.
Bình luận 0

Cuộc chạy đua kim tiền của Ngoại hạng Anh

Phiên chợ hè 2023 đã khép lại, giải Ngoại hạng Anh thêm một lần dẫn đầu các giải VĐQG hàng đầu châu Âu về số tiền chi tiêu trong những tháng hè đã qua. Đây đã trở thành kịch bản quen thuộc nên không nhiều người thắc mắc hay nghi ngờ về điều đó.

Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh: Đồng tiền chưa chắc đi tiền chất lượng - Ảnh 1.

Ngoại hạng Anh thực hiện nhiều thương vụ lớn

Sau khi đã chi ra một số tiền khổng lồ, không ngạc nhiên khi giải VĐQG nước Anh có nhiều thương vụ "bom tấn". Chelsea tiếp tục là đội gây ra muôn vàn sóng gió cho toàn bộ giải đấu, khi mà họ hoạt động tấp nập ở cả chiều đến lẫn chiều đi.

Moises Caicedo trở thành bản hợp đồng kỷ lục mới của giải Ngoại hạng Anh. Để thuyết phục Brighton nhả lại tuyển thủ Ecuador, Chelsea phải chi ra 110 triệu bảng trả trước, kèm theo phụ phí 5 triệu bảng. Tổng giá trị của thương vụ có thể đẩy lên mức 115 triệu bảng. Do vậy, Chelsea tiếp tục phá kỷ lục chính mình tạo ra ít tháng sau Enzo Fernandez.

Các đội bóng khác cũng "chạy đua kim tiền" không kém cạnh. Theo tờ Daily Mail, nhà đương kim vô địch Man City tốn tới 88 triệu bảng để đón trung vệ Josko Gvardiol, biến tuyển thủ Croatia trở thành trung vệ đắt giá nhất lịch sử, vượt qua kỷ lục 80 triệu bảng của Harry Maguire.

Arsenal còn bạo tay hơn thế. Đội bóng Bắc London sau khi thất bại trong cuộc đua vô địch mùa trước, lập tức chi ra 105 triệu bảng để đón Declan Rice. Nhờ vậy, chiều sâu đội hình của "Pháo thủ" tốt hơn trước rất nhiều.

Những thương vụ như Rasmus Hojlund, Mason Mount của M.U, Sandro Tonali đến Newcastle, Dominik Szoboszlai cùng Alexis Mac Allister gia nhập Liverpool, Christopher Nkunku đến Chelsea... đều được xem là thương vụ "bom tấn", dựa trên giá trị chuyển nhượng.

Tiền không đi liền chất lượng

Bạo chi mua sắm, bỏ xa các giải VĐQG hàng đầu châu Âu khác như La Liga, Serie A, Bundesliga hay Ligue 1 về các thương vụ "bom tấn", nhưng không phải lúc nào giải Ngoại hạng Anh cũng thành công với các khoản tiền khổng lồ của mình. Thậm chí không ít trong số đó, các thương vụ "bom tấn" lại gây thất vọng tràn trề.

Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh: Đồng tiền chưa chắc đi tiền chất lượng - Ảnh 2.

Maguire là dẫn chứng tiêu biểu cho vấn đề tiền không đi liền chất lượng

Ví như trường hợp Moises Caicedo. Màn trình diễn của cầu thủ đang giữ kỷ lục chuyển nhượng của giải Ngoại hạng Anh đến thời điểm hiện tại chưa thuyết phục được các fan Chelsea. Nếu như Enzo Fernandez còn cho thấy những tố chất của một ngôi sao lớn trong tương lai, thì với Caicedo, ranh giới giữa thành công và thất bại mong manh hơn rất nhiều.

Với các fan M.U, màn thể hiện của Mason Mount chỉ đem đến nỗi thất vọng tràn trề. Thời gian sắp tới, không rõ HLV Ten Hag sẽ có phương án nào để phát huy giá trị của bản hợp đồng 60 triệu bảng này. Bởi nếu không, khả năng thất bại của thương vụ là rất cao.

Một cách lý giải khác cho thấy rất nhiều thương vụ "bom tấn" của giải Ngoại hạng Anh không đúng với giá trị thực tiễn của cầu thủ. Đó là khi các CLB chủ quản khi muốn thanh lý cầu thủ của mình đều gặp nhiều khó khăn, khoản tiền thu về kém rất xa những gì họ phải bỏ ra trước đó.

Harry Maguire là ví dụ điển hình. Mùa hè 2019, M.U phải tiêu tốn đến 80 triệu bảng, lập kỷ lục thế giới cho một trung vệ. Nhưng chỉ 4 năm sau, "Quỷ đỏ" vất vả thanh lý trung vệ người Anh, bởi các đội bóng muốn có Maguire đều đưa ra cái giá rất "bèo".

Tiến Long (Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem