Chuyện về ngôi chùa cầu duyên lừng danh đất Bắc

Kim Thư Thứ sáu, ngày 04/08/2023 11:22 AM (GMT+7)
Nổi tiếng với “danh hiệu” ngôi chùa cầu duyên linh nghiệm nhất đất Bắc, nhiều bạn trẻ đến chùa Hà với hy vọng “khi đi lẻ bóng, khi về có đôi”...
Bình luận 0

Video du khách chia sẻ lý do khi đến với chùa Hà. Thực hiện: Kim Thư.

Người Hà Nội vẫn thường nói với nhau rằng: "Muốn cầu công danh tài lộc thì lễ phủ Tây Hồ, cầu bình an đến chùa Trấn Quốc, còn cầu tình duyên thì đến chùa Hà". Nằm ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chùa Hà là một trong những quần thể chùa chiền đẹp, thu hút rất nhiều phật tử, du khách ghé thăm. 

Đến chùa Hà vào một ngày không phải mùng 1, cũng chẳng phải ngày rằm thế nhưng vẫn rất nhiều bạn trẻ đến chùa Hà cùng mâm lễ đầy đủ hoa, quả, cau trầu cùng mong muốn "thoát ế".

Một ngôi chùa, hai truyền thuyết

Thực tế, ngoài sự nổi tiếng với "danh hiệu" ngôi chùa cầu duyên linh nghiệm nhất đất Bắc, chùa Hà còn là một công trình có lịch sử thú vị liên quan mật thiết tới 2 truyền thuyết từ thời Lý và Hậu Lê.

Chuyện về ngôi chùa cầu duyên lừng danh đất Bắc - Ảnh 2.

Chùa Hà - Ngôi chùa thiêng cầu duyên linh ứng nhất Hà Nôi tại số 86, phố Chùa Hà, Cầu Giấy - Hà Nội. Ảnh: Kim Thư.

Theo các cụ cao niên trong Tiểu ban Quản lý Đình – chùa Hà, vào thời Lý vùng Dịch Vọng có nhiều danh thắng nổi tiếng. 42 tuổi, nhưng Vua Lý Thánh vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức. 

Từ đó, ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa (trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay). Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác (chính là chùa Hà) và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại. Vì vậy, chùa Hà còn có tên là Thánh Đức tự.

Theo một truyền thuyết khác, chùa Hà được xây dựng lên để Vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497). Đến đời Vua Lê Hy Tông (1675-1705) có hai người quê làng Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ tại thành Thăng Long. 

Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức tiền để xây dựng lại chùa. Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà.

Sau này, chùa Hà cùng với đình Bối Hà - nơi thờ thành hoàng làng Triệu Chí Thành tạo nên cụm di tích Đình - chùa Hà độc đáo và vô cùng nổi tiếng.

Chuyện về ngôi chùa cầu duyên lừng danh đất Bắc - Ảnh 3.

Phía sau cổng Tam quan lần lượt là vườn cây xanh, hồ bán nguyệt, cây đa, sân chùa. Ảnh: Kim Thư.

Chùa Hà cũng có điểm khác biệt so với những ngôi chùa khác ở cách "vận hành" đặc biệt. "Các chùa khác đều có sư trụ trì nhưng chùa Hà nhiều năm nay không có, chịu sự quản lý của Tiểu ban Quản lý di tích lịch sử. Mặc dù không có sư trụ trì nhưng các hoạt động tại chùa vẫn tiến hành theo đúng giáo lý của Phật giáo. Hằng ngày, chúng tôi vẫn chia người túc trực, trông nom tại đình, chùa", đại diện Tiểu ban Quản lý di tích Đình – Chùa Hà cho biết.

Tổ hợp kiến trúc Đình – chùa Hà

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngày nay tổ hợp kiến trúc Đình – chùa Hà được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng. Chùa Hà nhìn ra hướng tây, chùa chính kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, Tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo nhiều lớp.

Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5 gian làm theo kiến trúc cổ.

Chuyện về ngôi chùa cầu duyên lừng danh đất Bắc - Ảnh 4.

Kiến trúc cổ nổi bật bên trong chùa Hà.

Đình Bối Hà nhìn về hướng tây, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, tuân thủ quy luật âm dương: tiền quảng đại, hậu thần mật; tiền náo nhiệt, hậu túc tĩnh. Phía ngoài là thiên trụ, trên đắp phượng hoàng chầu tứ phương và hổ phù, nổi bật là câu đối: Đền miếu huy hoàng, nhân kiệt địa linh thiên cổ mãi; Uy thần vời vợi, người khỏe của lắm vạn năm dài.

Với khuôn viên rộng rãi, khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, bước qua những ồn ào của phố xá, quần thể chùa Hà trở thành nơi ghé thăm của không ít người dân và khách du lịch.

Không có điển tích, vẫn nổi tiếng về cầu duyên

Chùa Hà mặc dù không hề thờ bất cứ nhân vật nào có điển tích liên quan đến tình yêu, nhưng kỳ lạ thay, nơi đây lại trở thành chốn cầu duyên đặc biệt thu hút các bạn trẻ.

Chuyện về ngôi chùa cầu duyên lừng danh đất Bắc - Ảnh 5.

Dù là ngày thường, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn tranh thủ đến lễ chùa Hà. Ảnh: Kim Thư.

Vừa trải qua kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia, Thùy Phương đến chùa Hà để cầu cho việc học hành, thi cử và cũng để kiểm chứng lời đồn. Phương chia sẻ: "Ở Hà Nội, mình nghe nhiều câu chuyện cầu duyên tại chùa Hà nên mình cũng muốn đến tham quan và tìm ‘duyên’ cho bản thân".

Dạo quanh các hội nhóm trên Facebook, chúng ta cũng có thể bắt gặp không ít những câu chuyện thú vị về các mối lương duyên được chùa "độ". Nhiều người đến chùa Hà không đơn thuần chỉ là cầu tình yêu trai gái mà còn cầu những duyên lành khác trong cuộc sống. 

Đến chùa cầu để cầu sức khỏe, tài lộc cho bản thân và gia đình, chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Mình đến chùa nhưng không phải vì cầu duyên như nhiều bạn trẻ. Mình thường đi lễ để cầu sức khỏe, bình an cho gia đình. Đặc biệt, mỗi lần đến, chỉ cần bức qua cổng mình cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái hơn", chị Hà nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem