Chuyện về vị già làng hòa giải xuyên biên giới Việt - Lào

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 13/01/2016 06:20 AM (GMT+7)
Người dân thôn Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn nhắc đến già làng Hồ Văn Thái (84 tuổi) với lòng kính trọng. Nhờ uy tín của ông, nhiều vụ mâu thuẫn trong thôn, xã, thậm chí giữa người Việt và người Lào đã được giải quyết êm đẹp.
Bình luận 0

Người hùng thôn Loa

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn cũ kỹ, ông Thái cho biết trong những năm tham gia kháng chiến, ông may mắn được học đọc, học viết nên khi về địa phương, bà con tin tưởng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng. Đến tuổi nghỉ hưu, ông lại được bà con bầu là già làng và làm công tác hòa giải suốt 5 năm qua.

img

Thấy bà con vất vả, phải dùng nước suối bẩn nên ông Thái (trái) đã bỏ tiền túi ra đào giếng phục vụ cộng đồng.   Ảnh: N.V

Già làng Hồ Văn Thái kể: Vì thói quen sống “không biên giới”, tình cảm hai dân tộc Việt-Lào thân thiết, và thực chất người dân sống dọc biên giới mang quốc tịch Lào nhưng gốc Việt chiếm đa số. Bởi vậy, lâu nay thanh niên thôn Loa vượt sông sang Lào đi sim (tìm người yêu) là chuyện bình thường. Nhưng năm 2012, khi thanh niên thôn Loa đi sim qua Lào thì bị đánh, phá xe máy. Hay tin, ông Thái đã cùng các già làng khác ở thôn Loa lặn lội sang Lào cùng chính quyền địa phương tìm hướng giải quyết. Có chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng hai bên chứng kiến, sau khi phân tích đúng sai, thanh niên ở Lào đã nhận lỗi, bồi thường thiệt hại cho thanh niên thôn Loa. Sau đó, hai bên ngồi lại uống nước, trò chuyện giảng hòa. Nhờ vậy mà nhiều năm nay ở khu vực đã không xảy ra vụ việc tương tự.

Không ngại khó

"Bữa nay mà hỏi bà con thôn Loa sao đẻ ít vậy thì họ bảo đẻ nhiều làm gì, nuôi không nổi. Đẻ ít để có tiền cho con đi học” - Già làng Hồ Văn Thái.

Nhắc đến chuyện ông Thái đi vận động bà con dân bản thực hiện kế hoạch hóa gia đình, ai cũng phì cười. Chả là hồi năm 2010, ông Thái đến nhà chị Hồ Thị Ni tập hợp chị em quanh xóm lại để tuyên truyền. Nghe đến chuyện sinh đẻ chị em đã ngại lắm rồi nên khi ông Thái đưa bao cao su, thuốc tránh thai ra thì chị em bỏ chạy, bảo ông... làm chuyện động trời. Giải thích mãi chị em mới hiểu rồi từ từ nghe, làm theo và tuyên truyền cho nhau cùng hiểu. Từ chỗ ngày xưa nhà nào cũng sinh trên 4 con, có nhà tới 12-13 đứa con thì nay mỗi gia đình ở thôn Loa chỉ sinh 3 con trở xuống. “Bữa nay mà hỏi bà con sao đẻ ít vậy thì họ bảo đẻ nhiều làm gì, nuôi không nổi. Đẻ ít để có tiền cho con đi học” – ông Thái khoe.

Ở thôn Loa, nguồn nước sạch để sử dụng là điều xa xỉ. Bà con phải ra suối gánh nước, biết bẩn nhưng vẫn phải dùng. “Thôn mình còn nghèo lắm, đào giếng hết hai ba chục triệu, tiền đâu ra” – chị Hồ Thị Chương buồn bã. Thấy dân bản khổ cực, ông Thái thu xong vụ sắn, chạy khắp nơi vay mượn thêm được 27 triệu đồng đào ngay cái giếng, bà con từ đó có nước sạch sử dụng, không phải dùng nước suối nữa.

Nhắc đến chuyện ông Thái nhận con nuôi, ai cũng rơi nước mắt. Đó là vào năm 1990, sau cơn bạo bệnh thì ba mẹ của 2 em Hồ Văn Hôn và Hồ Văn Hà qua đời. Hôn lúc đó lên 5, còn Hà vừa tròn 3 tuổi phải đào củ sắn, hái lá rừng ăn tạm qua ngày. “Hồi ấy có ai dám nhận nuôi đâu, đến cái ăn của con cái họ sinh ra còn chưa lo nổi cơ mà” – ông Thái nhớ lại. Nhưng với tấm lòng bao dung, thương người, ông Thái đã nhận chúng làm con nuôi. Nay Hôn và Hà đều đã lập gia đình và được ông Thái xây cất cho 2 căn nhà thuộc hàng khá giả nhất thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem