Techcombank chào sàn giữa "tâm bão" Trần Bắc Hà

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 03/06/2018 14:48 PM (GMT+7)
Sáng mai, cổ phiếu TCB của Techcombank sẽ giao dịch phiên đầu tiên tại HOSE với giá khởi điểm là 128.000 đồng/cp. Tuy nhiên, phiên chào sàn của cổ phiếu TCB rơi đúng "tâm bão" Trần Bắc Hà sau kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Bình luận 0

img

Hơn 1,1 tỷ cổ phiếu TCB của Techcombank chuẩn bị chào sàn ngày mai 4.6 (Ảnh: IT)

Ngày 4.6, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB) sẽ chính thức niêm yết trên sàn HoSE.

Với mức giá niêm yết 128.000 đồng/CP (tương đương 5,6 USD), Techcombank sẽ ghi nhận kỷ lục “quán quân” ở nhóm ngân hàng về giá cổ phiếu và có mức vốn hóa gần 150 nghìn tỷ đồng (khoảng 6,5 tỷ USD), chỉ xếp thứ 2 trong dòng cổ phiếu ngân hàng sau Vietcombank, cao gấp rưỡi so với BIDV, VietinBank. Tuy nhiên, thời điểm chào sàn này của cổ phiếu Techcombank có vẻ đang gặp nhiều bất lợi đến từ các thông tin ngành tài chính.

Cơ sở định giá đầy... màu hồng

Đơn vị tư vấn lên sàn cho Techcombank là Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC). Theo đó, giá tham chiếu của cổ phiếu Techcombank mà BVSC đưa ra trong ngày giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng/CP, được tính toán dựa theo kết quả định giá cổ phiếu theo phương pháp thị trường dựa trên so sánh hệ số P/E (trọng số 60%) và P/B (30%) và phương pháp giá trị sổ sách (10%).

Tại sao nói cơ sở định giá của cổ phiếu Techcombank đầy... “màu hồng”? Cụ thể, BVSC lấy mức bình quân P/E và P/B của 6 ngân hàng: BIDV, VietinBank, HDBank, MBBank, VPBank và ACB - là những cổ phiếu có giá trị cao nhất trên thị trường tại ngày giao dịch 9.4, đỉnh cao nhất của thị trường chứng khoán khi chỉ số VnIndex vượt mức 1.200 điểm. Tại thời điểm này, bình quân P/E và P/B của 6 ngân hàng lần lượt là 23,1 lần và 2,8 lần. Còn hệ số thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS) được lấy theo giá trị của năm 2017, giá trị sổ sách của cổ phiếu cũng tính theo kết quả kinh doanh của năm 2017.

Từ cách tính toán này, BVSC tính ra giá cổ phiếu Techcombank theo P/E là hơn 178,3 nghìn đồng, giá trị cổ phiếu Techcombank trên P/B là hơn 90,3 nghìn đồng và giá trị sổ sách trên một cổ phiếu của Techcombank ở mức 32.251 đồng.

Theo trọng số lần lượt là P/E (60%) và P/B (30%) và giá trị sổ sách (10%), BVSC tính ra giá giá cổ phiếu Techcombank ở mức 137.301 đồng/CP. Tuy nhiên, do Techcombank đã bán được cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với giá bình quân 128.000 đồng/CP nên ngân hàng này đề xuất mức giá niêm yết bằng mức giá 128.000 đồng/CP.

Cách tính giá chào sàn của Techcombank đã dấy lên làn sóng nghi ngờ của giới đầu tư, bởi mức giá này cao gấp 2,5 lần so với mức giá của Vietcombank - Ngân hàng đứng đầu trong hệ thống và gấp hàng chục lần so với các ngân hàng khác như Sacombank, Eximbank... Trước thắc mắc này của giới đầu tư, lãnh đạo Techcombank cho biết, sau khi lên sàn, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:2 (tỷ lệ 200%) thì giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh xuống còn... "bốn mấy ngàn đồng" thì không phải là quá cao.

“Thiên thời, địa lợi” đều... bất lợi?

Câu chuyện về giá cổ phiếu Techcombank được định giá quá cao càng sát ngày niêm yết lại càng nóng thêm. Bên cạnh việc mổ xẻ nguyên nhân khiến cổ phiếu Techcombank được định giá cao, nhiều nhà đầu tư còn đặt vấn đề “có đáng bỏ 128.000 đồng mua 1 cổ phiếu TCB để rồi nhận cổ tức với giá điều chỉnh giảm còn 1/3 hay không?”.

img

Những thông tin bị kỷ luật của ông Trần Bắc Hà có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên đầu tuần tới (Ảnh: IT)

Anh Nguyễn Huy Hùng, một nhà đầu tư lướt sóng tại TP.HCM, phân tích: “Lãnh đạo Techcombank chọn năm 2017  - năm đỉnh cao nhất trong hoạt động của Techcombank từ trước tới nay để lấy làm cơ sở để tính toán giá khiến cổ phiếu TCB mới tăng mạnh như vậy. Tuy nhiên, nên nhớ là năm này dù đạt mức lãi ròng tới 6.446 tỷ đồng nhưng là ghi nhận một khoản thu bất thường tới gần 1.500 tỷ đồng đến từ dịch vụ liên kết độc quyền với bảo hiểm Manulife và khoản thu này chỉ được ghi nhận một lần duy nhất. Do vậy, nếu trừ đi khoản thu bất thường này thì lợi nhuận ròng của ngân hàng chỉ đạt gần 5.000 tỷ đồng và giá cổ phiếu TCB sẽ không được định giá ‘khủng’ như vậy”.

Trong khi đó, theo quan sát của PV, trên sàn OTC, cổ phiếu TCB của Ngân hàng Techcombank đến sát ngày lên sàn chỉ được giới đầu tư chào mua, chào bán ở mức giá 110.000 đồng/CP, nhưng rất ít giao dịch. Thêm vào đó, các mã chứng khoán trong nhóm 6 ngân hàng được dùng làm cơ sở định giá của cổ phiếu TCB dù đang trên đà phục hồi nhưng vẫn còn giảm khoảng 20%-30% so với mức “đỉnh” ngày 9.4; chưa kể chỉ số VnIndex cũng chỉ còn hơn 992 điểm, giảm mạnh so với con số hơn 1.200 điểm tại thời điểm dùng để định giá cổ phiếu TCB (ngày 9.4).

Một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, thời điểm này để nhà đầu tư “xuống tiền” mua cổ phiếu Techcombank với giá 128.000 đồng/CP thì hơi khó bởi giá cổ phiếu nhóm ngân hàng thời gian qua sụt giảm mạnh từ 20-40%, dù đang trên đà hồi phục nhưng mới đây lại có thông tin liên quan đến ông Trần Bắc Hà nên có thể sẽ làm nhiễu thông tin trong phiên đầu tuần này.

“Thời điểm có tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà 2 lần trước (năm 2013 và 2017), thị trường chứng khoán đều ‘bốc hơi’ tỷ USD, và nhóm cổ phiếu ngân hàng với vai trò dẫn dắt thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do vậy thời điểm này tin ông Hà bị kỷ luật và nhiều thông tin trên thị trường khác ở mức nghiêm trọng hơn có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt tới nhóm cổ phiếu ngân hàng”, chuyên gia này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem