TS Vũ Thành Tự Anh lý giải nguyên nhân Việt Nam "thoát" án phạt của Mỹ

Quốc Hải Thứ ba, ngày 16/07/2019 15:29 PM (GMT+7)
Nói về việc vì sao Việt Nam không nằm trong danh sách Mỹ trừng phạt thương mại, TS Vũ Thành Tự Anh cho biết trong 3 tiêu chí đánh giá, Việt Nam đã có tới 2 tiêu chí vượt ngưỡng. Rất may là tiêu chí thứ 3 liên quan đến chính sách tiền tệ, chúng ta chưa vượt. Có thể nói, Việt Nam đã “thoát hiểm trong gang tấc".
Bình luận 0

Liên quan đến việc Việt Nam bị đưa vào “danh sách giám sát” của Hoa Kỳ, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, phân tích: Tiêu chí thứ 1 là “Thặng dư thương mại hàng hóa với Hoa Kỳ”, ngưỡng cho phép (ngưỡng cũ và ngưỡng mới là 20 tỷ USD), tuy nhiên con số này với Việt Nam là tới 40 tỷ USD, cao gấp đôi mức cho phép.

Tiêu chí thứ 2 là đánh giá về “Thặng dư tài khoản vãng lai” thông qua cán cân tài khoản vãng lai, con số ngưỡng cũ là 3%GDP, nhưng ngưỡng mới được Hoa Kỳ điều chỉnh là 2% GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Việt Nam lên tới trên 5% GDP, vượt hơn 3% quy định.

Riêng tiêu chí thứ 3 là “Tình trạng can thiệp liên tục, một chiều vào thị trường ngoại hối” với căn cứ để so sánh là thời gian mua ngoại hối ròng liên tục (tháng); ở ngưỡng cũ là 8 - 12 tháng và tỷ lệ là 2% GDP, được điều chỉnh theo ngưỡng mới là từ 6 - 12 tháng với tỷ lệ 2% GDP; tuy nhiên, Việt Nam lại mua ròng liên tục trong cả 12 tháng nhưng… “rất may” là chỉ có tỷ lệ 1,7% GDP.

img

Toàn cảnh hội thảo Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào từ thương chiến Mỹ - Trung đến EVFTA.

“Chỉ cần chúng ta vượt thêm 0,3% nữa ở tiêu chí thứ 3 thì chắc chắn sẽ bị đưa vào những nước ‘thao túng’ tiền tệ và sẽ bị Hoa Kỳ trừng phạt. Có thể nói, chúng ta đã thoát hiểm trong gang tấc”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Ông Vũ Thành Tự Anh cũng lưu ý, chúng ta dù không bị trừng phạt thương mại nhưng cũng đã bị Hoa Kỳ đưa vào ‘danh sách giám sát’. Vì vậy, nếu Việt Nam không có chính sách kiểm soát chặt chẽ cán cân thương mại, điều hành tỷ giá ổn định thì nguy cơ sẽ rất cao.

“Tôi nhớ cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói Việt Nam lạm dụng thương mại trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Căn cứ vào một số chỉ tiêu kinh tế nửa đầu năm 2019, tôi đã có ý kiến với Thủ tướng để có những biện pháp can thiệp vì những chỉ số này đúng là đang có những bất thường”, ông Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.

img

Toàn cảnh hội thảo Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào từ thương chiến Mỹ - Trung đến EVFTA.

Cụ thể, ông Vũ Thành Tự Anh dẫn chứng: 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu nội thất từ Trung Quốc tăng 35,1%, thì xuất khẩu nội thất sang Hoa Kỳ tăng 35%. Tương tự, tỷ lệ nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm tăng tới 81% và xuất khẩu hàng điện tử sang Mỹ tăng 72%.

Nói về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc với Việt Nam, ông Vũ Thành Tự Anh, chia sẻ trong ngắn hạn, sẽ tăng xuất khẩu sang Mỹ nhưng sẽ không qua đột biến; giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu từ  Trung Quốc, bao gồm cả hàng quá cảnh; kế đến là áp lực tỷ giá (VNĐ lên giá so với NDT, giảm giá so với USD).

“Những nhân tố này có hệ quả quan trọng đối với cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối của Việt Nam”, chuyên gia tổ tư vấn của Thủ tướng, dự báo.

Trong trung hạn, Việt Nam có thể đón đầu làn sóng điều chỉnh đầu tư ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành máy móc thiết bị cơ khí, điện - điện tử là những ngành bị trừng phạt nặng nhất. Khi đó, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia đăng ký FDI  lớn nhất ở Việt Nam, hơn cả Singapore và Hàn Quốc.

“Tất nhiên, không phải cứ nói Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam là tốt, còn rất nhiều vấn đề phải xem xét”, ông Vũ Thành Tự Anh đúc kết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem