Việt Nam không chỉ có cà phê ngon, còn có cà phê hương vị đặc biệt

Duy Hậu Chủ nhật, ngày 10/03/2019 21:24 PM (GMT+7)
Chiều 10.3, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển Cà phê đặc sản (CPĐS) Việt Nam.
Bình luận 0

Hội thảo nhằm hướng tới mục tiêu nhận diện thị trường CPĐS thế giới và ở Việt Nam; tìm hiểu kinh nghiệm và mô hình phát triển CPĐS trên thế giới; xác định khả năng tham gia thị trường CPĐS của cà phê Việt Nam; đề xuất các giải pháp để phát triển CPĐS Việt Nam.

img

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại Hội thảo phát triển CPĐS.

Tại Hội thảo, Cục Chế biến và phát triển Thị trường Nông sản đã có báo cáo đề dẫn về thực trạng, giải pháp của ngành cà phê Việt Nam. Trong đó, báo cáo tập trung nêu các bất cập của việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu của cà phê Việt Nam.

Cục Chế biến và phát triển Thị trường Nông sản cho biết, theo kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 20120, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 245 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ngành cà phê đã đề ra định hướng nhằm nâng cao giá trị cà phê Việt Nam.

img

Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Theo đó, các giải pháp chủ yếu để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam là: Nâng cao hiệu quả và giảm chi phí sản xuất; cải tiến trong thu hái và chế biến sâu; phát triển thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao giá trị cà phê Đắk Lắk. Riêng ở Đắk Lắk, ngành định hướng sẽ phát triển các vùng trồng CPĐS, tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm cà phê Đắk Lắk.

Trên cơ sở báo cáo đề dẫn này, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chính về những cơ hội và thách thức để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam. Hội thảo cũng nghe một số đại biểu nước ngoài như: ông Koju Matsuzawa (đại diện Japan Cofee Exchange), ông Marcos On Huan Sheau (Trường Đào tạo nghề D'codes coffee Lab, Maylaysian)…chia sẻ một số vấn đề về thị trường, những ảnh hưởng của phương pháp sơ chế đối với CPĐS…

img

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đề nêu đề xuất phát triển cà phê đặc sản.

Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Daklak (SIMEXCO Daklak) - đơn vị đã có 5 năm tiếp cận việc sản xuất CPĐS- cho biết, hiện nay CPĐS Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể là chất lượng và thương hiệu loại cà phê này chưa được nhiều nhà máy rang xay biết đến. Thậm chí, họ không hề nghĩ Việt Nam có CPĐS.

Ở thị trường trong nước, người tiêu dùng vẫn chưa hiểu được CPĐS, các thương hiệu rang xay, chuỗi cà phê cũng còn hạn chế quan tâm. Trong khi đó, do việc sản xuất chủ yếu trên quy mô nhỏ, nên chi phí sản xuất CPĐS cao, không đem lại lợi nhuận.

img

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết CPĐS đã được sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Đại diện SIMEXCO Daklak đề xuất, nhà nước cần có chính sách để phát triển CPĐS. Đồng thời, đưa CPĐS của Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế để khẳng định chất lượng nhằm quảng bá thương hiệu, phát triển mạnh loại cà phê này.

Chủ tịch Hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Trịnh Đức Minh cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển CPĐS. Thực tế đã có nhiều vùng sản xuất cà phê ở Việt Nam như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Sơn La có bộ giống, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển CPĐS.

Hiện cả nước có 50 đơn vị, nông hộ, trang trại nhà sản xuất, trồng, chế biến cà phê đặc sản, sản lượng 200 tấn mỗi năm, một số nhà sản xuất đã tiên phong đầu tư phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng, dạy nghề, cung ứng cung cấp thiết bị đánh giá chất lượng cà phê.

Để phát triển ngành hàng CPĐS, theo ông Trịnh Đức Minh, CPĐS cần được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia, có cơ chế cho người trồng, doanh nghiệp chế biến, tăng cường quảng bá, mời gọi đầu tư, liên kết tạo ra thị trường cung cầu ổn định.

img

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định Việt Nam không chỉ có cà phê ngon mà còn có CPĐS.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, việc phát triển CPĐS là hướng đi đúng đắn. Với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được biết đến trên thị trường thế giới, Đắk Lắk cần phải tinh tế hơn trong việc canh tác để tạo ra những hạt cà phê có hương vị thơm ngon đặc biệt hơn.

"Nếu tạo ra được hương vị đặc biệt thì giá sẽ được đẩy lên rất cao và như vậy sẽ phân chia được lợi nhuận cho người nông dân"- Dương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dương, thực tế tại Đắk Lắk, CPĐS đã triển khai ở một số vùng, bắt đầu từ việc liên kết sản xuất tạo ra những dòng cà phê mang thương hiệu riêng. Hiện nay, một số vùng, người nông dân sản xuất cà phê hữu cơ, loại cà phê phục vụ cho cà phê đặc sản và đã thu lợi hơn sản xuất cà phê truyền thống. 

Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định, Bộ cam kết đồng hành cùng chính quyền địa phương, các doanh nghiệp xây dựng chương trình, đề án cụ thể phát triển CPĐS Việt Nam.

Thứ trưởng đề nghị, để phát triển ngành hàng CPĐS, tham gia vào thị phần cà phê nhiều tiềm năng này, trước mắt các doanh nghiệp, người nông dân trồng cà phê phải vào cuộc thay đổi tư duy sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, cần tăng cường mời gọi, quảng bá cà phê và các sản phẩm cà phê "Chúng ta phải khẳng định rằng Việt Nam không chỉ nhiều cà phê, có phê ngon mà còn có CPĐS" Thứ trưởng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem