Có một loài rau “vua”

Thứ hai, ngày 20/01/2014 08:01 AM (GMT+7)
Rau dớn là nguồn thực phẩm dồi dào mà thiên nhiên hào phóng tặng riêng cho người miền ngược. Người dưới xuôi lên, 1 lần ăn qua rồi “lỡ” ghiền ra dớn, thể nào khi về cũng kiếm vài bó để chia sẻ món ngon với gia đình, bạn bè.
Bình luận 0
Một đồn mười, mười đồn trăm. Các nhà hàng ở phố cũng tìm mọi cách đưa rau dớn vào thực đơn. Cứ thế, hương vị rau dớn giờ đã đi xa khỏi núi rừng.

1. Đồng bào miền núi gần như được ăn rau dớn quanh năm, nhưng ngọt ngon nhất là từ mùa mưa vắt sang xuân - mùa vươn chồi nảy nở, non tươi của rau dớn. Cứ như người bạn thân thuộc, kề cận với đồng bào và cách không xa những mái nhà sàn, rau dớn thật dễ tìm, dễ hái. Rau mọc rải rác, xen kẽ với các loài cây cỏ khác dọc ven hai bên bờ sông, suối, quanh vách đá. Đồng bào lên rẫy về, trong chiếc gùi trên vai, thể nào cũng có mớ rau dớn tươi non.

img
Bà Đinh Thị Thanh hái rau dớn ở suối Nước Đinh, thôn 5, xã An Vinh, huyện An Lão.

Rau dớn có đặc điểm dễ úa, mất đi cái ngon. Rau có ở quanh mình, người miền núi ăn rau rất sành, hái đâu ăn đó, cần ăn mới hái. Tìm ở những bụi dớn mà có vài chiếc vòi dài, lá đang còn xoắn chưa kịp bung, chính đấy, và ngắt ngang đọt non tầm gang tay! Cứ thế, đến khi đủ dùng cho món luộc hay canh, xào, bóp gỏi. Một buổi trưa nắng dịu, tôi theo chị Đinh Thị Thanh (ở thôn 5, xã An Vinh, huyện An Lão) ra con suối Nước Đinh gần nhà chị hái rau dớn. Vo gạo, cắm nồi cơm điện, xong chị mang gùi thong thả ra suối tìm rau.

“Trong thời gian chờ… điện nấu cơm, mình đi hái rau về rồi rửa sạch, đem luộc, xào hoặc nấu canh, thức ăn mặn đã có sẵn chỉ cần hâm nóng lại. Mới qua đợt lũ, dớn bị trốc gốc, trôi đi nhiều, 1-2 tháng nữa, đất, rừng lại cho rau dớn mọc lên tua tủa, xanh um thôi”, chị Thanh vừa đi vừa nói.

Đi bộ chừng 5 phút, con suối Nước Đinh hiện ra trước mắt chúng tôi, nước mát rượi, trong veo. Lẫn trong vạt cây hai bên bờ, những vòi dớn non vươn thẳng, lá xoắn lại xa trông như những chú sâu rau lười biếng cuộn mình. Sát mặt đất, có những ngọn dớn mới lú đọt chừng nửa gang tay, non nhoẻo, giòn rụm, đầy nhựa. Dọc theo bờ suối, vừa đi chậm vừa tìm hái, rau đầy nắm tay thì cho vào gùi sau lưng, chỉ khoảng trăm bước chân và cũng chừng ấy quãng đường ở vòng về bờ bên kia, 10-15 phút chị Thanh đã có đủ lượng rau dùng cho cả nhà 6 người ăn.

2. Lùng sục mãi, cuối cùng tôi cũng tìm ra được một địa chỉ ăn uống (có lẽ là duy nhất) ở Quy Nhơn mà trong thực đơn có các món từ rau dớn: nhà hàng cơm niêu Hội An - Quy Nhơn (đường Nguyễn Tất Thành nối dài). Anh Võ Vinh Ca, chủ nhà hàng cho biết, các món rau rừng, rau tự nhiên là thực đơn “độc” và chủ lực của nhà hàng. “Riêng rau dớn, mỗi ngày nhà hàng tiêu thụ khoảng trên dưới 10kg, người nhà có xe chạy tuyến An Lão - Quy Nhơn mỗi ngày nên nhà hàng có nguồn rau khá ổn định”, anh Ca cho biết.

img
Rau dớn đi vào nghệ thuật tạo hình của người Hre An Lão. Ảnh: Trang trí mô phỏng rau dớn trên cây nêu của huyện An Lão tại một ngày hội.

Về cách chế biến, rau dớn đi vào nhà hàng cũng tương tự như cách chế biến của đồng bào: rau dớn luộc, rau dớn xào tỏi và xào với thịt bò, thịt nai. Nhưng ngon nhất không gì bằng rau dớn đem trụng sơ, bóp gỏi với cá niên nướng. Người Hre gọi cá niên - rau dớn là cặp uyên ương! Cá niên mỗi ngày mỗi hiếm, ngày nay đồng bào còn “phăng” thêm món rau dớn bóp gỏi với thịt ba chỉ luộc, bao tử heo luộc…

3. Rau dớn là món ăn truyền thống, quen thuộc và phổ biến bậc nhất của đồng bào thiểu số ở An Lão và Vĩnh Thạnh, đặc biệt là đồng bào Hre An Lão. Không chỉ có mặt trong bữa cơm hằng ngày, đây là món không thể thiếu khi người Hre đãi khách quý, khi cưới hỏi, ma chay, lễ hội… Tại các ngày hội Văn hóa - Thể thao miền núi toàn tỉnh, phần thi ẩm thực của huyện An Lão không bao giờ thiếu rau dớn, cá niên.

img

Từ ý nghĩa vật chất, rau dớn trở thành biểu trưng của văn hóa, hiện hữu đầy thiêng liêng trong đời sống tâm linh của đồng bào Hre An Lão. Rau dớn là đối tượng được miêu tả, khắc họa trong nghệ thuật tạo hình và trang trí. Tôi đã thấy, hình ảnh đọt rau dớn cong cong, mềm mại đầy duyên dáng tại cầu thang bắc lên nhà, cửa ra vào, mái nhà sàn, nhà mồ, cột đâm trâu, cây nêu ngày hội… trong khắp các thôn, làng Bana, Hre ở Vĩnh Thạnh, An Lão.

Nói về rau dớn, ông Đinh Văn Thênh, Phó Bí thư Đảng ủy xã An Vinh, tự hào: “Ở đây, đứa trẻ lên 3 cũng biết rau dớn là thức ăn, không phải loài “chết dại”, người già trước khi về với trời, tổ tông cũng muốn thêm lần nữa được ăn gỏi rau dớn bóp với cá niên nướng. Rau dớn là thức ăn thay cơm khi khó khăn, giáp hạt…. Với đồng bào Hre, đây là món ăn “thiêng!””

Theo đồng bào Hre An Lão, không chỉ để ăn, rau dớn còn dùng làm thuốc: lá rau dớn non rửa sạch giã nhỏ đắp lên vết thương giúp cầm máu, mau lành; thân, rễ rửa sạch sắc nước chữa ho, trị sốt rét…

Khải Thư (Khải Thư)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem