Có một mặt trận mới 'dữ dội' không kém chiến trường trong cuộc chiến Israel-Gaza

Phương Đăng (theo Thenationalnews) Thứ hai, ngày 06/11/2023 21:56 PM (GMT+7)
Trong những tuần gần đây, cuộc chiến Israel-Gaza đã khuấy động hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới sử dụng sức mua của mình – tẩy chay các sản phẩm hoặc thương hiệu mà họ cho rằng đang thúc đẩy xung đột.
Bình luận 0
Có một mặt trận mới 'dữ dội' không kém chiến trường trong cuộc chiến Israel-Gaza - Ảnh 1.

Một chủ nhà hàng ở Afghanistan cầm một chai Mecca Cola. Loại đồ uống này được một doanh nhân người Pháp gốc Tunisia tung ra thị trường vào đầu những năm 2000 như một sản phẩm thay thế cho Coca-Cola và các nhãn hiệu cola của phương Tây khác. Ảnh Getty

Năm 2002, một doanh nhân người Pháp gốc Tunisia tên là Tawfik Mathlouthi đã cho ra mắt Mecca-Cola như một sản phẩm thay thế cho Coca-Cola và các nhãn hiệu cola "phương Tây" khác.

Ông Mathlouthi đã làm điều này trong bối cảnh xảy ra vụ 11/9 và vào thời điểm có thành kiến lan rộng đối với người Hồi giáo ở phương Tây. Mục đích là cung cấp cho người tiêu dùng Hồi giáo một sản phẩm thay thế. Đó cũng là thời điểm mà những người Hồi giáo trẻ tuổi và ngày càng giàu có nhận ra sức mạnh tiêu dùng của họ, và ý tưởng của ông Mathlouthi đã gây được tiếng vang với nhiều người trong số họ.

Người tiêu dùng Hồi giáo cũng thể hiện sức mạnh tiêu dùng của mình vào năm 2005, sau khi xuất bản bộ phim hoạt hình gây tranh cãi về Nhà tiên tri Mohammed ở Đan Mạch. Việc tẩy chay nhiều thương hiệu Đan Mạch ở Trung Đông sau đó đã ảnh hưởng xấu đến doanh số bán hàng của các công ty này.

Và giờ đây, cuộc chiến Israel-Gaza cũng đang khuấy động hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới sử dụng sức mua của mình – tẩy chay các sản phẩm hoặc thương hiệu mà họ cho rằng đang thúc đẩy xung đột.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của chủ nghĩa tiêu dùng, khi mà sự lựa chọn thương hiệu nói lên điều gì đó về người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với giới trẻ, sự yêu thích với một thương hiệu không chỉ giới hạn ở chất lượng của nó mà còn ở những nguyên nhân và hành vi mà thương hiệu đó gắn kết cũng như vai trò của nó đối với chúng. Cuộc xung đột Israel-Gaza rõ ràng đã dẫn đến một số sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các doanh nghiệp.

Ví dụ, Starbucks và công đoàn đại diện cho nhiều nhân viên của họ đã kiện nhau vào tháng trước do một bài đăng trên mạng xã hội về cuộc chiến Israel-Gaza. Quan điểm của công ty được cho là khiến người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới xa lánh họ.

Tình huống mà McDonald's đang gặp phải còn đáng kinh ngạc hơn. Một cửa hàng nhượng quyền thương mại của McDonald's ở Israel cho biết họ sẽ cung cấp bữa ăn miễn phí cho binh lính Israel, trong khi một cửa hàng nhượng quyền thương mại khác ở Oman tuyên bố họ đang gửi viện trợ đến Gaza.

Tuần này, các thương hiệu lớn ở Anh bắt đầu phát hành quảng cáo Giáng sinh. Nhưng một quảng cáo của M&S hiển thị hình ảnh những chiếc mũ dự tiệc bằng giấy bị đốt trên ngọn lửa thật đã vấp phải phản ứng dữ dội. Chúng có màu xanh lá cây, trắng và đỏ - màu của lá cờ Palestine. Không có gì đáng ngạc nhiên vì nó được phát hành trong thời điểm Gaza đang bị bắn phá.

Hơn 13.000 lời chỉ trích đã khiến quảng cáo của M&S bị rút lại dù công ty cố giải thích rằng quảng cáo đã được quay vào tháng 8. Nhưng tệ hơn là, dù đúng hay sai, vụ việc giờ đây khiến nhiều người dùng có cảm giác rằng công ty này ủng hộ việc giết hại người Palestine. 

Điều đó cho thấy, người tiêu dùng trên thế giới đang ngày càng nhận thức và tăng cường sử dụng quyền lực của họ. Do vậy, để tránh tình trạng bị tẩy chay vì lý do chính trị, các thương hiệu nên nắm bắt tín hiệu và tương tác tốt với người tiêu dùng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem