Có tin được phim ma "dựa trên chuyện có thật"?

Thứ tư, ngày 31/10/2012 20:11 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nổi bật nhất trong mùa phim kinh dị năm nay là phim "Sự chiếm hữu" (The Possession) được quảng cáo dựa trên một câu chuyện có thật.
Bình luận 0

Nội dung cơ bản của The Possession chẳng mới lạ: một con quỷ “ám” cô bé thơ ngây tên Emily (Natasha Kalis đóng), sau khi “nó” chui ra khỏi chiếc rương cổ có khắc những chữ Do Thái mà ông bố Clyde Brenek (Jeffrey Dean Morgan) mua từ chợ đen để tặng cho con gái út.

img
Emily và chiếc hộp đựng quỷ

Lúc đó, Clyde là HLV bóng rổ đã ly dị vợ Stephanie (Kyra Sedgwick) được một năm. Việc bố mẹ chia tay, mẹ là nhà thiết kế đồ kim hoàn có người đàn ông khác là một nha sĩ, đã khiến hai con gái Hannah (Madison Davenport) và Emily 10 tuổi bị trục trặc tâm lý. Em thuyết phục bố mua chiếc hộp lạ mắt cho mình, mà không biết đời chủ trước, một bà cụ già đã bị “con quỷ” hành hạ đến nằm liệt giường.

Khi chiếm hữu linh hồn và thể xác Emily, “con quỷ” lại ra tay khiến em trở thành một con quái vật hung tợn, có những hành vi bạo lực, phản xã hội, ví dụ em “xơi” trọn cả một chiếc tủ lạnh to đùng, trước sự bàng hoàng của bà mẹ.

img
Poster phim

Cuối cùng, cũng đến lúc ông bố phải cứu con bằng cách mời “thầy trừ tà” là Tzadok, con trai một giáo sĩ Do Thái giáo (ngôi sao nhạc reggae Matisyahu thủ vai) sống ở khu Brooklyn (New York). Sau cuộc khám sức khỏe cho thấy “con quỷ” xuất hiện trên máy quét cộng hưởng từ, họ thực hiện cuộc trừ tà tại một bệnh viện bỏ hoang…

Dòng chữ “dựa trên chuyện có thật” thường xuất hiện ở cuối các bộ phim, nhưng liệu chúng ta có thể tin được nó có thật, hay đó chỉ là một chiêu trò tiếp thị để thu hút sự chú ý, tò mò? Theo một nhà báo kể lại, sau khi xem "Sự chiếm hữu" của đạo diễn Ole Bornedal, một nhóm khán giả nhí khi ra về còn kể lại những cảnh rùng rợn, như “Rồi bàn tay lòi ra khỏi mồm con bé. Nó bị ám hoàn toàn nên dùng nĩa đâm bố nó”. Một cậu bé đáp: “Mình không xem cảnh đó” và tên bạn khuyên: “Sao lại không xem? Chuyện có thật đó”.

Thực tế là xuất phẩm kinh dị này được khẳng định “dựa trên chuyện có thật”, thậm chí trong thông cáo báo chí còn trích đoạn một rao bán gốc trên mạng eBay nhằm bán chiếc “hộp đựng quỷ” dybbuk. Theo truyền thuyết dân gian, dybbuk là một hồn ma xấu xa có thể thâu tóm linh hồn của người.

Năm 2004, nhà báo Leslie Gornstein đã viết trên báo Los Angeles Times về vụ rao bán này: Jason Haxton (quản thủ thư viện bảo tàng y tế ở bang Missouri) đã mua hộp dybbuk trên eBay, sau đó các nhân viên bảo tàng bị ám và Haxton nói có một hồn ma Do Thái ám họ. Thực tế là đạo diễn Bornedal, người Đan Mạch, từng làm các phim "Nightwatch", "Just Another Love Story" kể một câu chuyện khác hẳn vụ Haxton, và thay vì thuật lại những thuật trừ tà ếm quỷ ma của các linh mục đạo Thiên Chúa, ông vận dụng chuyện trừ quỷ của đạo Do Thái.

Cho đến nay, phim trừ quỷ hay nhất phải là xuất phẩm "Thầy trừ quỷ" (The Exorcist) của đạo diễn William Friedkin, đoạt giải Oscar 1973. Phim này dựa theo cuốn sách cùng tên xuất bản năm 1971 của nhà văn William Peter Blatty, người viết kịch bản phim.

img
Cảnh Emily bị ám nên hành hung bác sĩ trong Sự chiếm hữu

Cuốn sách lại dựa theo một bài báo năm 1949, kể cậu bé 14 tuổi Roland Doe ở bang Maryland giúp bà mẹ nọ đuổi quỷ khỏi ếm con gái bà. Tác phẩm được giới thiệu là “dựa trên câu chuyện có thật”, nhưng một nhà báo điều tra sau đó khẳng định chẳng hề có cô bé nào bị trù ếm.

"Thầy trừ quỷ" được hãng phim Warner Bros công chiếu từ ngày 26.12.1973, được đề cử 10 giải Oscar và đoạt 2 giải chuyển thể kịch bản hay nhất và âm thanh hay nhất, trở thành một trong các phim bán được nhiều vé nhất mọi thời, 441 triệu USD trên toàn thế giới. Đó cũng là phim kinh dị đầu tiên được đề cử giải Oscar cho phim hay nhất nhưng không thành công. Tạp chí Entertainment Weekly xếp Thầy trừ quỷ là phim khiến khán giả sợ nhất.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem