‘Cò’ tung chiêu thổi giá đất, người mua chịu thiệt

V.D Thứ tư, ngày 14/04/2021 10:44 AM (GMT+7)
Giá đất bị nhóm “cò” tung chiêu thổi giá rồi “lướt sóng” ngày một tăng lên, điều này chỉ mang lại lợi ích cho nhóm “cò đất” và đầu cơ, còn người mua sau cùng sẽ phải chịu thiệt vì giá quá cao.
Bình luận 0

Nhiều năm qua, giá đất liên tục tăng cao, nhiều cơn "sốt ảo" xuất hiện khi có những thông tin về cơ chế, chính sách hay quy hoạch từ phía Nhà nước.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, tưởng chừng thị trường bất động sản sẽ suy thoái và đóng băng theo. Tuy nhiên, trong năm 2020 và đầu năm 2021, giá bất động sản lại đảo chiều, tăng mạnh trên diện rộng, từ Hà Nội, TP.HCM cho đến Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa.

Nhiều chuyên gia lý giải việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 góp phần giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ năm 2021.

Cùng với đó là hàng loạt quy hoạch mới được công bố, tất cả tạo ra tác động tích cực cũng như những kịch bản lạc quan cho các nhà đầu tư bất động sản trong năm 2021.

‘Cò’ tung chiêu thổi giá đất, người mua chịu thiệt - Ảnh 1.

"Cò" đất tung chiêu thổi giá để tạo cơn sốt ảo, người mua sẽ chịu thiệt.

Tuy nhiên, không đợi đến khi có dự án xây dựng sân bay, đường xá, trung tâm hành chính mà ngay lúc mới chỉ là thông tin, thậm chí chỉ là đề xuất của một cơ quan tham mưu, hay ý kiến của một cá nhân trong hội nghị, hội thảo nào đó, thì nhiều người đã lợi dụng để tung tin, đẩy giá bất động sản nhằm trục lợi. Không ít "cò đất" đã dùng chiêu trò để tạo sóng, thu lợi rồi rút, để lại hậu quả nhiều mặt.

Chẳng những nhà đầu tư nhỏ bị chôn vốn, mất vốn, gánh nợ ngân hàng, mà còn để lại những khu đất bỏ hoang, làm xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội của cả khu vực. Đáng nói hơn, phần lớn các vụ sốt đất tại các khu vực quy hoạch đều liên quan đến việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, giao dịch viết tay, phần thiệt bao giờ cũng rơi về phía người mua.

Các chuyên gia nhận định, hầu hết các cơn "sốt" đất gần đây, đều mới chỉ là chủ trương trên giấy tờ, chưa có ranh giới quy hoạch, chưa có gì rõ ràng. Cả người mua lẫn cơ quan chức năng đều thiếu chuyên nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho một số đối tượng lợi dụng, xúi giục mọi người mua đất, bán đất làm náo loạn thị trường. Mặt khác, giới "cò đất" lại chuẩn bị sẵn kịch bản tung tin, kích thích mọi người có tiền lao vào cuộc tranh giành đất đai bằng cách trả giá cao hơn.

Từ đó, giá đất ngày càng leo thang do đầu tư "lướt sóng", thay đổi từng ngày, từng giờ. Các chuyên gia khẳng định, việc tạo ra các cơn "sốt ảo" về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm "cò đất", còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản. Trường hợp ý tưởng quy hoạch bị bãi bỏ, bong bóng bất động sản vỡ, giá đất trở về như trước, người mua mất tiền oan, còn nhóm "cò đất" thì "ngư ông đắc lợi".

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, quyết định giao dịch đất đai của người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư luôn bị tác động mạnh mẽ bởi quy hoạch. Do đó, những động thái của Nhà nước về quy hoạch hoặc bất kỳ thông tin nào về quy hoạch hạ tầng, đô thị đều có thể bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá đất.

Từ đó, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý, sử dụng đất tại địa phương, giải phóng mặt bằng phục vụ thực hiện các dự án hạ tầng mà còn cản trở sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Chính vì vậy, khách hàng, nhà đầu tư cần thận trọng hơn, không mua bán theo phong trào, trước khi quyết định đầu tư phải tìm hiểu kỹ càng sản phẩm để tránh hậu quả tiền mất tật mang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem