Con đi thi tốt nghiệp THPT muộn: Bố mẹ ở đâu?

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 29/06/2023 15:03 PM (GMT+7)
Trước tình trạng năm nào cũng có thí sinh đến điểm thi tốt nghiệp THPT muộn, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, các sĩ tử đã có chiến lược ôn tập không phù hợp, không quản lý sức khoẻ và thiếu sự quan tâm từ gia đình.
Bình luận 0

Hầu như năm nào cũng có thí sinh đến điểm thi tốt nghiệp THPT muộn

Chiều 28/6, mạng xã hội xôn xao câu chuyện nam sinh Nguyễn Anh Đ. (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) bật khóc tại điểm thi THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội, vì đến muộn 30 phút so với giờ làm bài thi môn Toán.

Lý giải về việc đến muộn của mình, Đ. cho biết, do trưa ngủ quên ở nhà, hẹn chuông báo thức không kêu. Trong khi trước đó, Đ. đã ôn luyện vất vả nên ngủ thiếp đi. 

Năm nào cũng có thí sinh đến điểm thi tốt nghiệp THPT muộn: Do đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Nam sinh khóc nức nở khi đến muộn trong buổi thi Toán chiều 28/6 tại Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: T.B

"Khi tỉnh dậy, em bàng hoàng và hốt hoảng, không nhớ lúc đó là mấy giờ, em chỉ nhớ lúc đến cổng điểm thi là 14 giờ 40, đã quá giờ được vào phòng thi", Nguyễn Anh Đ. nói và cho biết, sau khi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, có rất nhiều người nhắn tin hỏi thăm, chia sẻ.

"Lỗi này là của bản thân em, em xin chịu trách nhiệm và chấp nhận năm sau thi lại", Đ. chia sẻ. Nam thí sinh cũng cho biết thêm, sau khi không vào được phòng thi đã bị sốc, vì quá lo lắng cho tâm lý và sức khỏe nên em được tình nguyện viên và người dân đưa vào trạm y tế gần điểm thi.

Năm nào cũng có thí sinh đến điểm thi tốt nghiệp THPT muộn: Do đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Hình ảnh thí sinh Nguyễn Kim Đ. không được vào điểm thi vì đến muộn năm 2021. Ảnh: Gia Khiêm

Tình trạng thí sinh đến muộn tại điểm thi hầu như năm nào cũng xảy ra. Điển hình như năm 2022, hai thí sinh Vương Ngọc T. và Nguyễn Hữu D. (cùng sinh năm 2004, trú tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai), học sinh Trường PT Nguyễn Trực (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đi xe máy đến địa điểm thi Trường THPT Minh Khai (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) cách nhà 16km. Tuy nhiên, hai thí sinh đã đi nhầm đến Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Hoài Đức, cũng với khoảng cách tương tự. Sau đó, 2 em đã được lực lượng chức năng trợ giúp nhưng vẫn đến muộn và không được thi.

Năm 2021, nam sinh Nguyễn Kim Đ., học sinh trường THPT Lương Văn Can, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã bật khóc khi đến điểm thi Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam muộn. Trước đó, vì mải mê ôn bài nên Đ. ngủ quên và không được vào làm bài thi. Nam sinh khóc rất nhiều ngoài cổng trường gây xôn xao dư luận. 

Năm nào cũng có thí sinh đến điểm thi tốt nghiệp THPT muộn: Do đâu nên nỗi? - Ảnh 3.

Bà Nghiêm Thị H. (mẹ Đ.) đã vô cùng day dứt, bật khóc tại điểm thi. Ảnh: Gia Khiêm

Sau khi nghe tin con trai không được thi tốt nghiệp THPT vì đến điểm thi muộn, bà Nghiêm Thị H. (mẹ Đ.) đã vô cùng day dứt. Là người mẹ, bà tự trách mình vì công việc mà không bên cạnh để rồi xảy ra sự việc đáng tiếc. 

Hay hồi thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nam sinh Lê Hoàng Q. (lớp 12D1, trường THPT Số 1 Lào Cai) đã ngủ quên đến mức cảnh sát giao thông phải đến tận nhà phá cửa gọi dậy đi thi, mặc nguyên chiếc quần ngủ đến điểm thi. Sau đó, nam sinh giải thích chuyện ngủ quên là do gia đình có buổi khai trương nhà hàng, bản thân đặt báo thức nhưng điện thoại lại hết pin. Gia đình sau khi biết chuyện cũng được một phen hoảng loạn, phải vội cắt cử người đến chăm sóc cho Q. tốt hơn.

"Các bạn trẻ đến điểm thi muộn... thiếu sự quan tâm từ cha mẹ!"

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, từ những vụ việc trên cho thấy các sĩ tử đã có chiến lược ôn tập không phù hợp, không quản lý sức khoẻ phù hợp để có kỳ thi tốt nhất.

Năm nào cũng có thí sinh đến điểm thi tốt nghiệp THPT muộn: Do đâu nên nỗi? - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

"Việc thi cử đang ngày một căng thẳng, có tính chất hơi đe doạ cho thí sinh. Có nhiều bạn ôn thi theo lộ trình không khoa học, trong những ngày cận thi phung phí sức khoẻ quá mức. Từ những hệ quả đó có thể mất cân bằng cùng với nhu cầu sinh lý của cơ thể. Cuối cùng bạn nào không quản lý sức khoẻ tốt có thể dẫn đến kiệt sức hoặc não bộ hoạt động quá căng thẳng có thể rơi vào trạng thái tê liệt. Trước ngày thi thức khuya quá dẫn đến sáng ngày hôm sau có thể ngủ muộn dẫn đến trễ giờ thi", ông Nam cho hay.

Ông Nam cũng nhấn mạnh rằng, mọi người nhận thấy sau những sự việc như trên là do đa phần các bạn trẻ thiếu sự quan tâm của gia đình. Đáng ra bố mẹ cũng là người quản lý thời gian cũng như giúp con quản lý sức khoẻ tốt, khoa học nhưng bố mẹ vì lý do gì đó không hướng dẫn con được đầy đủ.

"Những trường hợp để con quên thi cũng một phần lỗi ở bố mẹ. Bậc làm cha mẹ cần phải hiểu thời điểm quan trọng mình cần có cách thức nào đó giúp cho con như tối khuyên con ngủ sớm, sáng dậy hỗ trợ con về mặt tinh thần, đồng hành cùng con. Để con đi muộn thể hiện một phần bố mẹ không tập trung vào con cái của mình, điều đó làm cho các bạn trẻ cảm thấy áp lực. 

Những thất bại đầu đời này nếu không xử lý tốt có thể còn để lại những hậu quả tiêu cực cho nhận thức của các bạn trẻ. Có những người chỉ vì thất bại nhỏ trong cuộc sống giai đoạn thi thế này nhưng có thể thay đổi hẳn hướng rẽ cuộc đời, thân phận của họ trong khi họ có tiềm năng thì rất đau khổ và không đáng", PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.

Vị chuyên gia giáo dục này cũng đánh giá: "Nhiều người sẽ thấy tổ chức các kỳ thi cần phải mang tính chất đột phá. Chúng ta đang hướng đến giáo dục theo năng lực thế nhưng năm nào cũng phải bốc thăm đề hay cầu may, chọn đề có phải là Vợ nhặt hay Người lái đò sông Đà… trong môn Ngữ văn hoặc các bộ môn thi khác. 

Có nhiều người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng xã hội cũng lên mạng dự báo vào đề này đề kia. Tôi cho rằng đó là đánh giá theo kiểu tiếp cận nội dung chứ không phải đánh giá theo tiếp cận năng lực, ôn tủ… Như vậy chúng ta phải đổi mới cơ bản toàn diện về việc đánh giá, đừng để đánh giá theo nội dung nữa, việc này càng làm các bạn trở nên căng thẳng".

Bên cạnh đó, ông Nam đưa ra lời khuyên phụ huynh và các bạn học sinh phải tìm hiểu các nguyên tắc hoạt động của não bộ cũng như những kiến thức chung. Phụ huynh cần lên kế hoạch từ sớm giúp con ôn tập, giúp các bạn duy trì sức khoẻ tốt trước, trong và sau những kỳ thi căng thẳng, cam go như thế này. 

"Bản thân mỗi bạn trẻ cần được hướng dẫn về các phương pháp học tập có hiệu quả, phù hợp với quy luật, sự phát triển của hệ thần kinh. Bố mẹ cần biết một số nguyên tắc có thể giúp cho con lên kế hoạch học tập trong mùa thi hiệu quả, quan tâm hơn… Đây là những giai đoạn không chỉ quan trọng với con mà đây còn quan trọng với cả tương lai của cả gia đình trong đó có bố mẹ", ông Nam nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem