"Con voi chui lọt lỗ kim" nhìn từ vụ trốn thuế tiệm vàng mỗi ngày bán gần 1.000 lượng

N.Minh Thứ hai, ngày 07/06/2021 09:40 AM (GMT+7)
Từ câu chuyện chủ tiệm vàng Cà Mau ngày bán tới 1.000 lượng vàng nhưng lại được nộp thuế mỗi tháng dưới 10 triệu đồng vừa được khởi tố, theo chuyên gia Đỗ Vĩnh Phú đây là hiện tượng "con voi chui lọt lỗ kim", do công tác quản lý thuế còn lỏng lẻo, yếu kém, thậm chí tiêu cực.
Bình luận 0

Ngày 27/5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án trốn thuế xảy ra tại Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Khiêm (Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 11/2008 đến 3/2011 (28 tháng), giá trị vàng nguyên liệu tiệm vàng Hoàng Khiêm bán ra trong giai đoạn này lên tới gần 21.000 tỷ đồng. Tuy kinh doanh với số lượng vàng "khủng" nhưng doanh nghiệp này chỉ đóng mức thuế khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.

"Con voi chui lọt lỗ kim" nhìn từ vụ trốn thuế tiệm vàng mỗi ngày bán gần 1.000 lượng - Ảnh 1.

Tiệm vàng Hoàng Khiêm (Ảnh: IT)

Doanh thu "khủng", thuế "nhỏ giọt" không phải cá biệt

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhìn nhận, việc doanh nghiệp có doanh thu khủng nhưng đóng thuế "nhỏ giọt" như trường hợp kể trên không phải là cá biệt.

Thực tế, có hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng tiền thuế bị thất thu do hộ kinh doanh nhỏ, doanh nghiệp trốn thuế gây ra trong những năm gần đây khiến cho tình hình tội phạm trong lĩnh vực thuế ngày càng diễn biến phức tạp.

Câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng đã có những"kẽ hở" của chính sách thuế hay do công tác kiểm tra, giám sát, phân tích dự báo "rủi ro" của cơ quan chức năng vẫn còn những bất cập, dẫn đến những hành vi trốn thuế!?

Thứ nhất, phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý doanh nghiệp hiện nay của các cơ quan thuế vẫn chưa được chặt chẽ - theo vị chuyên gia này.

Đặc biệt, việc kiểm tra hồ sơ khai thuế, phân tích và quản lý rủi ro còn hạn chế, dẫn đến chưa nắm bắt, đánh giá chưa đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân tạo ra "kẽ hở" cho các hành vi trốn thuế.

Thậm chí có những trường hợp cán bộ thuế còn gợi ý để doanh nghiệp báo cáo làm sao cho có lợi cho cá nhân, doanh nghiệp hộ kinh doanh thuế khoán mà thực chất là dẫn tới thất thu lớn thuế đối với nhà nước.

Hai là, doanh thu và số thuế nộp của từng hộ, từng doanh nghiệp kinh doanh như dịch vụ kể trên đều không được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi để giám sát.

"Đây đúng là "con voi chui lọt lỗ kim" trong cách quản lý của ngành thuế hiện nay. Hệ quả của những việc làm trên do công tác quản lý còn lỏng lẻo, yếu kém, thậm chí tiêu cực.

Từ đó, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách ở các địa phương và Trung ương, trong lúc Nhà nước đang kêu gọi cần tăng các nguồn thu hợp lý để đầu tư ngân sách vào những việc rất cần thiết cho quốc tế dân sinh", ông Phú nhấn mạnh.

"Con voi chui lọt lỗ kim" nhìn từ vụ trốn thuế tiệm vàng mỗi ngày bán gần 1.000 lượng - Ảnh 3.

Cần phải thay đổi cách quản lý thuế (ảnh: IT)

Cần thay đổi cách quản lý thuế?

Đề cập về nguyên nhân sâu xa hơn, theo vị  chuyên gia này là do chính sách thuế hiện nay của Việt Nam áp dụng 2 loại thuế: thuế khoán cho các hộ cá thể và thuế VAT cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ thực tế kể trên, theo ông Phú quản lý thuế ngày nay với phương châm minh bạch công khai khoa học, và bằng các phương thức hiện đại thì không thể tồn tại phương thức thuế khoán cho những hộ kinh doanh, doanh nghiệp dịch vụ mà có doanh số lớn.

Vì vậy, đã đến lúc cần phải thay đổi cách quản lý thuế, hộ kinh doanh nhỏ cũng phải áp dụng phương pháp hạch toán kế toán cho rõ ràng đầy đủ theo chế độ, xuất hóa đơn VAT cho khách 100%.

"Chúng ta làm việc này vì ngân sách, vì các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc và nộp thuế đầy đủ, tạo sự công bằng trong xã hội và trong kinh doanh. Điều cần lưu ý thêm là hiện nay ngành thuế đang thí điểm việc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế địa phương thường xuyên. Đó là một điều cần phải làm và phải làm nhanh hơn nữa. Sự phát triển kinh tế xã hội nhanh và vững chắc cần phải đi đôi với sự phát triển của công tác quản lý thuế một cách khoa học và minh bạch, công bằng ở thị trường nội địa Việt Nam", vị chuyên gia này nêu quan điểm.

Ngoài ra, nên kết hợp một số biện pháp hỗ trợ cho ngành thuế như sử dụng hóa đơn sổ số bán hàng dịch vụ cho tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam như các nước tiên tiến đã tiến hành cách đây vài chục năm, đem lại hiệu quả tăng nguồn thu cho ngân sách rất tích cực.

Cần lưu ý thêm, ngoài phương thức quản lý tiên tiến và tích cực, phải chú ý đến yếu tố con người thực thi nhiệm vụ thuế ở các địa phương và cơ sở, chú ý chăm lo đến đời sống vật chất của họ và gia đình, không bị dính vào những "viên đạn bọc đường" trong quá trình làm nhiệm vụ.

Khen thưởng những tổ chức cá nhân trong ngành thuế làm ăn tích cực, có trách nhiệm và liêm khiết, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỉ luật thuế của công chức ngành.

"Làm được những vấn đề trên, chắc chắn rằng công tác thu thuế ở thị trường nội địa Việt Nam sẽ tăng thêm, ngân sách đỡ thất thu lớn, khuyến khích được những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường trong lĩnh vực nộp thuế", ông Phú nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem