"Chạy đua" tìm kiếm người Việt sau động đất kinh hoàng tại Nepal

Huyền My- Đức Hoàng- Hạ Anh Thứ hai, ngày 27/04/2015 11:15 AM (GMT+7)
Số người chết do động đất kinh hoàng ở Nepal tính đến chiều 26.4 đã vượt hơn 2.200 người, gần 5.000 người khác bị thương, trong khi những tin xấu tiếp tục được báo về từ vùng tâm chấn. Cuộc tìm kiếm sự sống từ những đống đổ nát đang rơi dần vào tuyệt vọng.
Bình luận 0

Thảm hoạ chưa từng có

Cô gái Hoàng Hương Giang – sinh viên năm thứ 3 khoa Quản trị của Trường ĐH Tribhuvan, Nepal là một trong số nhiều người Việt may mắn sống sót sau thảm hoạ động đất ngày 25.4.

Chị Mai Hương, mẹ của Hương Giang chia sẻ: “Khi những tin tức đầu tiên về trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Nepal được truyền đi trên các phương tiện truyền thông, gia đình tôi ở Hà Nội nhận được những cú điện thoại từ bạn bè của con gái hỏi thăm tình hình về con. Tim tôi như ngừng đập, nhấc máy và gọi cho con thì chỉ nghe được tiếng “tút tút”, lên trang cá nhân của con thì thấy “im lìm”, lúc đó đất dưới chân tôi như sụp xuống…. Phải mất gần 1 giờ sau, điện thoại chúng tôi đổ chuông, nghe được giọng con gái trong tiếng nấc chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Ơn trời, con gái tôi đã may mắn thoát nạn và được di tản đến một khu vực tạm trú cùng với những sinh viên khác trong trường, nhưng cháu kể rằng, nhiều toà nhà đổ nát, nhiều người chết và cảnh tưởng không thể tưởng tượng nổi”.

img
Một người đàn ông Nepal được đội cứu hộ kéo lên từ đống đổ nát ở thủ đô Kathmandu. (Nguồn ảnh: Dailymail)

Hầu như tất cả các đường phố, quảng trường ở thủ đô Kathmandu- nơi có hơn 1 triệu người cư trú đã bị bao phủ trong những đống đổ nát. Trên khuôn mặt của những người may mắn sống sót chưa hết vẻ thất thần, họ sửng sốt nhìn chằm chằm vào những ngôi đền nơi từng là một phần của cuộc sống hàng ngày của họ giờ đây chẳng còn gì ngoài những đống gạch vữa. Người dân, đội cứu hộ, thậm chí cả khách du lịch đào bới từng đống đổ nát để tìm kiếm những người sống sót, nhưng chủ yếu những gì họ tìm thấy là những thi thể được phủ kín bằng những lớp bụi mù mịt.

Tại toà tháp lịch sử 9 tầng Dharahara, nơi từng là biểu tượng của vùng đất Phật Nepal nay chỉ còn là đống đổ nát nham nhở, nhiều thi thể đã được tìm thấy và kéo ra từ đây. Công việc cứu hộ càng trở nên khó khăn vì đường Internet và mạng viễn thông di động đang gặp trục trặc trong khi nhiều con đường tắc nghẽn không thể đi lại được.

Thế giới chung tay

24 giờ sau trận động đất kinh hoàng 7,8 độ richter xảy ra tại khu vực miền Trung Nepal ở khu vực nằm giữa thủ đô Kathmandu và thành phố Pokhara, nỗi đau, sự mất mát của người dân Nepal đã được người dân trên toàn thế giới chia sẻ. Hàng triệu người dân Nepal đã trải qua một đêm kinh hoàng khác khi hầu hết phải ngủ ở ngoài đường, trên những cánh đồng trong tiết trời mưa rét. Thiên tai dường như chưa buông tha vùng đất chết này khi hàng chục đợt dư chấn khác tiếp tục xảy đến, đe doạ mạng sống của người dân và bao phủ bầu không khí hoảng loạn, tuyệt vọng.

Theo BBC, ông Minendra Rijal- Bộ trưởng Thông tin và Phát sóng Nepal cho biết, đây là trận động đất tồi tệ nhất từng xảy ra ở Nepal kể từ khi trận động đất hồi năm 1934 giết chết khoảng 8.500 người. Ông Rijal kêu gọi: “Chúng tôi đã phát động một kế hoạch hành động khổng lồ để cứu hộ và khôi phục đất nước và có rất nhiều việc phải làm. Đất nước chúng tôi đang trải qua khủng hoảng và chúng tôi cần rất nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ”.

Các quốc gia láng giếng như Ấn Độ và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Giới chức Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết đã có 34 người thiệt mạng tại nước này. Chính quyền Tây Tạng (Trung Quốc) xác nhận 17 người đã thiệt mạng, 53 người bị thương và khoảng 12.000 người phải sơ tán. Động đất cũng tàn phá hơn 1.000 ngôi nhà ở khu vực này. Các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức nhân đạo toàn cầu đã đề nghị giúp đỡ khẩn cấp cho Nepal trong lúc quốc gia này đang vật lộn với quy mô thảm họa. Đại sứ quán Mỹ ở Nepal đã cam kết giúp 1 triệu USD tiền hỗ trợ ban đầu trong khi Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ đã triển khai một đội tìm kiếm cứu nạn. Ngày 26.4, Trung Quốc cũng gửi một đội tìm kiếm cứu hộ gồm 62 người đến khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Nepal. Một số tổ chức nhân đạo quốc tế như Chữ thập đỏ, Oxfam và Thầy thuốc không Biên giới cũng đã triển khai nhân viên đến khu vực động đất.

Đích thân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đứng đầu chiến dịch giúp đỡ Nepal, cam kết Ấn Độ sẽ làm hết sức mình để giúp nước láng giềng trong thời điểm khó khăn này. Chỉ vài giờ sau khi xảy ra thảm họa, Ấn Độ đã cử 2 đội tìm kiếm và cấp cứu gồm 96 nhân viên và 15 tấn hàng viện trợ tới Nepal.

Ấn Độ cũng vừa thành lập một “Phòng điều khiển” ngay tại trụ sở của Bộ Ngoại giao nước này, hoạt động 24/24 giờ để theo dõi và chỉ huy hoạt động cứu trợ tại Nepal.

Hai bệnh viện dã chiến của Lục quân Ấn Độ và 2 đội công binh đặc nhiệm đã sẵn sàng tới Nepal. Lực lượng không quân Ấn Độ đã triển khai 3 máy bay để sơ tán du khách Ấn Độ bị kẹt tại Nepal và tính đến đêm 25.4 đã có 312 người được đưa về nước an toàn.

Chạy đua tìm kiếm người Việt

Chiều 26.4, trao đổi với NTNN, đại diện Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal cho biết, tính đến chiều 26.4, ĐSQ chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về người Việt thiệt mạng trong thảm hoạ động đất ở Nepal. Đại diện ĐSQ cũng cho biết, qua đường dây nóng, ĐSQ cũng nhận được một số thông tin từ những người Việt đang đi du lịch ở Nepal cho biết, họ đã may mắn thoát nạn.

Ngày 26.4 Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bangladesh cho biết hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong và đang tiếp tục khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại sở tại và tại Nepal theo dõi sát, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến công dân Việt Nam.

Để Bộ Ngoại giao có thể kịp thời hỗ trợ, xin đề nghị các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc những ai có thông tin về công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của vụ động đất thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484 và +84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) và đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh (+88029854052)”.

2 người Việt được thông báo mất liên lạc đã an toàn

Tin trên tờ MASK Online ngày 26.4 cho biết, một thành viên cứu hộ người Nepal cho biết hai người Việt Nam mất liên lạc sau vụ động đất ở Nepal đều đã an toàn, và hiện đang trú tại khách sạn Blue Mountain ở thành phố Kathmandu. Công dân Nepal này cho biết động đất xảy ra đúng lúc hai du khách người Việt tham quan quảng trường Patan Durbar. Họ đã nhanh chóng tìm được nơi trú ẩn an toàn, trước khi được lực lượng cứu hộ đưa tới khách sạn Blue Mountain. Được biết, một nhóm người Việt Nam khác, trong đó có nhà thiết kế Lê Kim Chi, cũng đang mắc kẹt tại khu vực xảy ra động đất. Theo nhiều nguồn tin, ở thời điểm này, có rất nhiều du khách người Việt đang đến Nepal, thậm chí có nhiều người tham gia du lịch leo núi ở đất nước này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem